Năm 2023, hàng loạt tên tuổi các đại gia, quan chức được nhắc đến trong các vụ án lớn. Khi kết luận điều tra được công bố, những con số gây thiệt hại, thu lợi bất chính, đưa và nhận hối lộ trong các vụ án khiến dư luận choáng váng.
Tháng 11/2023, kết luận điều tra vụ Vạn Thịnh Phát được hoàn tất.
Theo kết luận điều tra, từ ngày 1/1/2012 - 7/10/2022, Ngân hàng SCB đã cho vay, giải ngân cho 1.366 khách hàng, trong đó liên quan đến trách nhiệm của bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và đồng phạm vay 2.527 khoản với tổng số tiền 1.066.608 tỷ đồng.
Từ năm 2018-2022, bà Lan chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn, rút tiền, chiếm đoạt của Ngân hàng SCB. Đến nay các khoản vay còn dư nợ hơn 545.039 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền chiếm đoạt đều phục vụ cho mục đích cá nhân của nữ đại gia.
Cơ quan điều tra xác định, hành vi của bà Trương Mỹ Lan phạm vào tội Tham ô tài sản, chiếm đoạt hơn 304.096 tỷ đồng.
Ngoài ra, hành vi tham ô tài sản của bà Lan còn gây thiệt hại số tiền gần 130.000 tỷ đồng là số tiền lãi phát sinh từ số tiền gốc bị chiếm đoạt nêu trên.
Theo cơ quan điều tra, chồng bà Trương Mỹ Lan đã liên đới gây thiệt hại cho ngân hàng SCB hơn 9.116 tỷ đồng.
Kết quả điều tra còn cho thấy, quá trình thanh tra Ngân hàng SCB, Đoàn Thanh tra đã nhiều lần nhận tiền, quà và lợi ích vật chất từ SCB; trong đó có Trưởng đoàn thanh tra Đỗ Thị Nhàn bị cho là đã nhận hối lộ số tiền lên đến 5,2 triệu USD (tương đương 120 tỷ đồng).
Chiều 10/4/2023, Bộ Công an phát đi thông tin về việc ông Trần Quí Thanh (Chủ tịch Tân Hiệp Phát) cùng con gái Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích bị khởi tố, bắt tạm giam.
Theo kết luận điều tra mới được hoàn tất, hành vi của ông Trần Quí Thanh và 2 con gái đã phạm vào tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Cơ quan điều tra cho rằng, lợi dụng quy định về cho vay, hợp đồng chuyển nhượng trong Bộ luật Dân sự, 3 cha con ông Trần Quí Thanh và các đối tượng có liên quan đã cho vay lấy lãi dưới mức cấu thành tội phạm theo Điều 201 của Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.
Tuy nhiên, ông Trần Quí Thanh và các bên vay không làm hợp đồng vay tiền có cầm cố tài sản mà buộc các doanh nghiệp, cá nhân vay tiền phải làm hợp đồng chuyển nhượng dự án, cổ phần trong dự án, bất động sản theo đúng quy định pháp luật, có giá trị thấp hơn rất nhiều lần so với giá trị thực tế của tài sản.
Sau đó bên vay đã làm thủ tục chuyển nhượng tài sản cho Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích. Lúc này, theo chỉ đạo của ông Trần Quí Thanh, nhóm bị can nhanh chóng làm thủ tục sang tên để nắm quyền kiểm soát, định đoạt tài sản là các bất động sản, phần vốn góp, cổ phần.
Bên vay thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ gốc, nợ lãi theo thỏa thuận, nhưng nhóm ông Trần Quí Thanh đã dùng thủ đoạn gian dối hoặc tạo ra các lý do buộc chủ tài sản phải trả thêm tiền, không cho trả lẻ từng khoản mà bắt trả toàn bộ tiền gốc... Khi bên vay không thực hiện được thì nhóm ông Thanh cố tình chiếm đoạt tài sản.
Từ tháng 1/2019 - 11/2020, ông Trần Quí Thanh và đồng phạm đã thực hiện 4 hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của 4 bị hại.
Các tài sản bị chiếm đoạt gồm: 2 dự án Minh Thành, Nhơn Thành tại Đồng Nai của bà Đặng Thị Kim Oanh (Chủ tịch Tập đoàn Địa ốc Kim Oanh); 29 thửa đất được tách từ thửa đất 452 ở quận Bình Tân của anh Nguyễn Văn Chung; 4 thửa đất ở TPThủ Đức của ông Lâm Sơn Hoàng và 2 thửa đất ở quận Bình Tân của anh Nguyễn Huy Đông; có tổng giá trị hơn 767 tỷ đồng.
Theo cáo buộc, ông Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh cùng con trai và 14 bị can khác đã có hành vi lừa đảo chiếm đoạt của 6.630 nhà đầu tư tổng số hơn 8.643 tỷ đồng.
Cáo buộc cho rằng, từ 6/2021- 3/2022, ông Dũng thống nhất chủ trương và thông qua con trai Đỗ Hoàng Việt (Phó TGĐ Tân Hoàng Minh) chỉ đạo, ủy quyền cho các bị can khác dùng 3 pháp nhân công ty (Công ty TNHH đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt, Công ty Cổ phần đầu tư và dịch vụ khách sạn Soleil, Công ty Cổ phần Cung Điện Mùa Đông) phát hành 9 gói trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, với tổng giá trị phát hành 10.030 tỷ đồng để huy động tiền.
Để phát hành được trái phiếu, các bị can đã thông đồng thực hiện nhiều hành vi, thủ đoạn gian dối, hợp thức điều kiện, hồ sơ phát hành, thủ tục chào bán, giao dịch trái phiếu: ngụy tạo hoạt động kinh doanh bằng hình thức ký hợp thức các hợp đồng hợp tác đầu tư, đặt cọc, mua bán cổ phần…, không có thật giữa nội bộ các công ty thuộc Tập đoàn.
Các bị can thông đồng với đơn vị kiểm toán, hợp thức số liệu báo cáo tài chính của 3 công ty phát hành, đưa ra ý kiến chấp nhận toàn phần để đủ điều kiện phát hành trái phiếu…
Họ còn dùng tài sản của chính những hợp đồng hợp tác đầu tư “khống” làm tài sản bảo đảm cho trái phiếu. Từ đó tạo niềm tin, sử dụng pháp nhân, thương hiệu Công ty Tân Hoàng Minh để huy động, chiếm đoạt của 6.630 nhà đầu tư tổng số hơn 8.643 tỷ đồng.
Kết luận điều tra được hoàn tất vào tháng 10/2023 cho hay, hành vi của cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết đủ yếu tố cấu thành tội "Thao túng thị trường chứng khoán" và "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Theo cơ quan điều tra, ông Quyết đã chỉ đạo các bị can khác thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán để thu lời bất chính hơn 723 tỷ đồng; thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản chiếm đoạt hơn 3.620 tỷ đồng của các nhà đầu tư.
Các bị can đã tạo cung cầu giả đối với 5 mã chứng khoán nhóm FLC (AMD, HAI, GAB, ART và FLC). Khi giá cổ phiếu tăng, ông Quyết chỉ đạo bán cổ phiếu ra thị trường, thu lợi bất chính hơn 723 tỷ đồng.
Cơ quan điều tra còn làm rõ việc ông Quyết chỉ đạo em gái là bà Trịnh Thị Minh Huế (Kế toán tổng hợp Công ty CP Tập đoàn FLC) làm thủ tục nộp tiền vào, rút tiền ra rồi nộp lại… quay vòng nhiều lần để 5 lần tăng khống vốn điều lệ của Công ty CP xây dựng Faros từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng, tương ứng 430 triệu cổ phần.
Sau khi nâng khống vốn điều lệ, ông Quyết chỉ đạo cấp dưới lập hồ sơ gửi các cơ quan quản lý Nhà nước đề nghị chấp thuận công ty đại chúng, đăng ký lưu ký, niêm yết cổ phiếu ROS tại Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM và sau đó được chấp thuận.
Từ tháng 9/2016 - 3/2022, ông Quyết giao cho em gái dùng tài khoản của mình và 40 tài khoản đứng tên người khác để mua, bán cổ phiếu của Công ty CP xây dựng Faros trên sàn chứng khoán.
Ông Quyết đã chỉ đạo bà Huế bán 391.155.480 cổ phiếu ban đầu hình thành từ vốn góp khống, thu được hơn 4.818 tỷ đồng của các nhà đầu tư.
Năm 2023, vụ án “chuyến bay giải cứu” được TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử đã gây chú ý dư luận. Trong vụ án này, 25 người đã lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao để nhận hối lộ hơn 164 tỷ đồng và gây thiệt hại 10 tỷ đồng.
23 người là đại diện doanh nghiệp đã đưa hối lộ hơn 226 tỷ đồng, 4 người môi giới hối lộ gần 75 tỷ đồng và lừa đảo chiếm đoạt gần 25 tỷ đồng.
Trong vụ án “chuyến bay giải cứu”, có 21 người bị đề nghị truy tố tội Nhận hối lộ. Những cái tên phải kể đến như ông Tô Anh Dũng (cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao) bị cáo buộc đã nhận hối lộ hơn 21,5 tỷ đồng; bà Nguyễn Thị Hương Lan (cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự) nhận hối lộ hơn 25 tỷ đồng; ông Đỗ Hoàng Tùng (cựu Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự) nhận hối lộ hơn 12 tỷ đồng; ông Phạm Trung Kiên (cựu cán bộ, Thư ký của Thứ trưởng Bộ Y tế) nhận hối lộ hơn 42,6 tỷ đồng; ông Chử Xuân Dũng (cựu Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội) đã nhận hối lộ hơn 2 tỷ đồng…
Suốt những ngày diễn ra phiên xử, nhiều giọt nước mắt đã lăn dài từ khóe mi các bị cáo. 25 người từng là lãnh đạo, cán bộ của nhiều bộ, ngành đã phải thốt lên những lời ân hận muộn màng, gửi lời xin lỗi chân thành, sâu sắc nhất đến Đảng, Nhà nước và toàn thể nhân dân.
Tháng 8/2023, kết thúc điều tra vụ Việt Á, CQĐT đã công khai ‘danh sách đen’ những người nhận tiền hối lộ, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước.
CQĐT cũng đề nghị truy tố 38 bị can về các tội: Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi.
Liên quan đến vụ án, ông Phan Quốc Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty Việt Á bị cho là đã vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, gây thiệt hại tài sản Nhà nước hơn 432 tỷ đồng; đã đưa hối lộ hơn 106 tỷ đồng. Nhờ bán kit test Covid-19 với "giá trên trời”, Công ty Việt Á thu về lợi nhuận hơn 1.235 tỷ đồng.
Trong vụ án này, CQĐT làm rõ: Ông Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế nhận hối lộ 2,25 triệu USD (tương đương hơn 51 tỷ đồng). Ông Phạm Duy Tuyến, Giám đốc CDC Hải Dương nhận hối lộ 27 tỷ đồng.
Ông Trịnh Thanh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế kỹ thuật (Bộ KH&CN) nhận hối lộ 350.000 USD (tương đương hơn 8 tỷ đồng). Ông Nguyễn Minh Tuấn, nguyên Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế) nhận hối lộ 300.000 USD (tương đương hơn 6,9 tỷ đồng).
Ông Nguyễn Huỳnh, Phó trưởng Phòng Quản lý giá thuốc (Cục Quản lý dược, Bộ Y tế; nguyên Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế) nhận hối lộ hơn 53 tỷ đồng, trong đó, chuyển cho ông Nguyễn Thanh Long hơn 49 tỷ đồng và sử dụng cá nhân 4 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế) nhận hối lộ 100.000 USD (tương đương hơn 2,3 tỷ đồng).
Theo CQĐT, ông Chu Ngọc Anh (nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN) và ông Phạm Công Tạc (nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN) đã gây thiệt hại tài sản Nhà nước 18,98 tỷ đồng…
Thiết kế: Phạm Thị Luyện