Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa có chỉ thị yêu cầu bộ ngành, địa phương tăng cường biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.

Năm 2023, mặc dù tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, tình hình kinh tế - xã hội nước ta đã chuyển biến tích cực, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra.

Trong chỉ thị, Thủ tướng yêu cầu tăng cường kiểm tra và thực hiện biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, bảo đảm công chức, viên chức, người lao động được chi trả đầy đủ lương, tiền thưởng và bố trí nghỉ Tết đúng chế độ theo quy định. 

ttt 3711.jpg
Người dân chụp ảnh, vui chơi tại đường mai ở TP.HCM nhân dịp Tết Nguyên đán. Ảnh minh họa: Tiến Tùng

Ngoài ra, cần thực hiện đầy đủ chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; chủ động xây dựng giải pháp phòng ngừa, xử lý tranh chấp lao động có thể xảy ra trong dịp Tết Nguyên đán. Hỗ trợ, tạo điều kiện để bảo đảm người lao động Việt Nam ở nước ngoài được đón Tết Nguyên đán theo phong tục, truyền thống của dân tộc và phù hợp với điều kiện thực tế.

Với Bộ Công Thương, Thủ tướng yêu cầu theo dõi sát, nắm chắc tình hình thị trường, chủ động chỉ đạo địa phương có phương án chuẩn bị nguồn cung mặt hàng thiết yếu, mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng tăng cao, bảo đảm chất lượng, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu.

Xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh, đầu cơ găm hàng, niêm yết giá, kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng kém chất lượng.

Thủ tướng lưu ý, bảo đảm nguồn cung năng lượng như điện, xăng dầu cho thị trường trong nước giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán, tuyệt đối không để thiếu hụt trong mọi tình huống.

Không để xảy ra tình trạng người dân chậm về quê ăn Tết

Người đứng đầu Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch bệnh có nguy cơ bùng phát mùa Đông - Xuân, dịch bệnh nguy hiểm mới nổi có khả năng xâm nhập vào nước ta. Bộ Y tế cần đảm bảo đủ thuốc chữa bệnh, không để xảy ra tình trạng tăng giá đột biến, khan hiếm, thiếu thuốc.

untitled 1.jpg
Người dân đi sắm Tết. Ảnh: Chí Hùng

Với Bộ GTVT, Thủ tướng nhấn mạnh, tăng cường công tác điều tiết, tổ chức quản lý chặt chẽ hoạt động vận tải phục vụ nhu cầu đi lại của người dân dịp Tết, không để xảy ra tình trạng người dân chậm về quê ăn Tết do không có phương tiện vận chuyển; tăng cường kiểm tra việc thực hiện kê khai, niêm yết giá cước vận tải, giá vé tàu, xe...

Triển khai thực hiện có hiệu quả giải pháp kiềm chế, giảm thiểu tai nạn giao thông và khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông nhất là tuyến kết nối khu vực Hà Nội, TP.HCM, đầu mối giao thông lớn và khu vực tổ chức Lễ hội. 

Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương bảo vệ an toàn tuyệt đối hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các mục tiêu, công trình trọng điểm, các sự kiện chính trị, đối ngoại, văn hóa, xã hội quan trọng của đất nước và lễ hội đầu năm. Không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; có biện pháp phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả với âm mưu, hoạt động chống phá của thế lực thù địch, đối tượng phản động trong - ngoài.

Cần bảo đảm an ninh thông tin, an toàn mạng quốc gia; giữ vững an ninh nội địa, bảo đảm an ninh trong công dân, giải quyết kịp thời các vụ việc khiếu kiện phức tạp, không để hình thành "điểm nóng" về an ninh, trật tự; tăng cường phòng, chống xuất, nhập cảnh trái phép.

Bộ VHTT&DL tăng cường hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, quản lý lễ hội của địa phương trước, trong và sau Tết Nguyên đán; kịp thời ngăn chặn biểu hiện tiêu cực, lợi dụng lễ hội thu lợi bất chính, mê tín dị đoan...

Với các địa phương, Thủ tướng yêu cầu căn cứ vào tình hình thực tiễn, quyết định việc tổ chức bắn pháo hoa chào mừng năm mới phù hợp với điều kiện, khả năng, bảo đảm an toàn, tiết kiệm, không sử dụng ngân sách Nhà nước.