Theo CNN, trong ngày 7/8, nghị sĩ Cộng hòa J.D Vance đã chỉ trích ứng viên Phó Tổng thống đảng Dân chủ Tim Walz "khai man" về việc làm nhiệm vụ ở vùng chiến sự. Cả hai 'phó tướng' của ông Trump và bà Harris đều từng có thời gian phục vụ trong quân đội Mỹ.

"Khi lực lượng thủy quân lục chiến yêu cầu tôi đến Iraq để phục vụ nước Mỹ, tôi đã làm vậy. Tôi tự hào vì đã làm đúng nghĩa vụ của mình. Còn Tim Walz, ông ấy đã bỏ đơn vị của mình khi được yêu cầu tới Iraq", ông Vance nói trong cuộc vận động ở bang Wisconsin.

Bên cạnh đó, ông Vance cũng cáo buộc 'phó tướng' của bà Harris là người đã "khuyến khích những kẻ bạo loạn đốt phá Minneapolis hồi năm 2020".

Truyền thông Mỹ cho biết, binh nghiệp kéo dài 24 năm của ông Walz được cho là một trong những yếu tố giúp đảng Dân chủ tiếp cận thêm nhiều nhóm cử tri. Ở chiều ngược lại, đảng Cộng hòa đang tìm cách công kích ông Walz, cho rằng ông này không trung thực về những phát biểu liên quan đến thời gian phục vụ trong quân đội.

NBC vance walz ch 1316 4c9a5d.jpg
Ông J.D Vance và ông Tim Walz, ứng viên Phó Tổng thống của hai đảng chính tại Mỹ. Ảnh: NBC

Tháng 3/2005, Lực lượng Vệ binh quốc gia tuyên bố có thể triển khai lực lượng đến Iraq trong vòng 2 năm. Tới tháng 5/2005, ông Walz đã nộp đơn nghỉ hưu để tranh cử vào Quốc hội

Hồ sơ của Lực lượng Vệ binh Quốc gia cho biết, đơn vị này nhận được lệnh triển khai đến Iraq vào tháng 7/2005. Theo phát ngôn viên của Lực lượng Vệ binh quốc gia Minnesota, ông Walz không tới Afghanistan, Iraq hoặc vùng chiến sự nào trong thời gian phục vụ quân đội.

"Phó tướng" của ông Trump lại có 4 năm phục vụ trong đơn vị thủy quân lục chiến như một phóng viên nhập ngũ. Ông Vance được điều động tới Iraq trong khoảng 6 tháng, sau đó giải ngũ vào tháng 9/2007.

Cũng trong ngày 7/8, Phó Tổng thống Harris và ông Walz cũng tổ chức sự kiện vận động ở bang Wisconsin - một bang chiến trường quan trọng. Tại đây, ông Walz đã mỉa mai ông Trump, cho rằng ứng viên đảng Cộng hòa muốn đưa nước Mỹ "trở lại" bằng cách gia tăng gánh nặng cho tầng lớp trung lưu và bãi bỏ Đạo luật chăm sóc sức khỏe giá cả phải chăng (ACA).