4 thế kỷ trước, Tổng thống thứ ba của Mỹ Thomas Jefferson (cha đẻ của Hiến pháp và Tuyên ngôn độc lập Mỹ) khi còn là Đại sứ tại Pháp đã quan tâm đặc biệt giống lúa ở nước Việt xa xôi. Qua hoàng tử Cảnh (con vua Gia Long đang ở Pháp), ông muốn đưa giống lúa Việt về Mỹ. Đây được coi như là cuộc gặp gỡ cấp cao đầu tiên của hai nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quá trình đi tìm đường cứu nước đã đặt chân đến New York và Boston. Sau này, ngày 2/9/1945, trong Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người đã trích đoạn Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của Mỹ: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa đã ban cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

Chiến tranh sau đó đã ngăn lại những bước hợp tác từ hai phía và mọi thứ chỉ thực sự được khởi tạo và phát triển khi ngày 12/7/1995, Tổng thống Mỹ Bill Clinton và Thủ tướng Võ Văn Kiệt chính thức tuyên bố bình thường hóa, thiết lập quan hệ ngoại giao.

4 đời Tổng thống Mỹ đã sang thăm Việt Nam 5 lần. Ở chiều ngược lại, các nhiệm kỳ Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam cũng từng sang thăm Mỹ. Đặc biệt năm 2015 lần đầu tiên trong lịch sử, người đứng đầu Đảng ta là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Mỹ, hội đàm với Tổng thống Mỹ tại Nhà Trắng.

Ngày 7/7/2015, trong diễn văn tại buổi tiệc chiêu đãi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Bộ Ngoại giao Mỹ, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden (nay là Tổng thống) đã đọc bản tiếng Anh của hai câu thơ trong Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du: "Thank heaven we are here today. To see the sun through parting fog and clouds" – “Trời còn để có hôm nay/Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời” - ý nói đến quan hệ Việt-Mỹ khép lại quá khứ, hy vọng vào một tương lai tốt đẹp.

Báo chí quốc tế khi đó nhận định, dù có quá khứ có đau thương thế nào và tư tưởng có khác biệt ra sao, thì giờ đây Việt Nam và Mỹ đang sẵn sàng bên nhau, hướng tới tương lai, mở rộng quan hệ hợp tác.

Sau 8 năm kể từ chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Mỹ, lần đầu tiên một Tổng thống Mỹ thăm Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư. Hai nhà lãnh đạo sẽ tái ngộ trực tiếp đúng vào dịp hai nước kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác toàn diện.

Kể từ khi bình thường hóa, thiết lập quan hệ ngoại giao đến nay đã 28 năm – một chặng đường không dài trong lịch sử quan hệ hai nước, song những gì Việt Nam và Mỹ đạt được thực sự ấn tượng.

Hai nước trở thành Đối tác toàn diện từ năm 2013 với sự phát triển mạnh mẽ ở các lĩnh vực hợp tác trọng tâm. Hai bên cùng tìm tiếng nói chung trong nhiều vấn đề, thậm chí cả những vấn đề nhạy cảm, vốn luôn bị coi là rào cản trong quan hệ, cùng vì một lợi ích là phát triển.

Quan hệ đối tác toàn diện tạo ra các cơ chế hợp tác trên nhiều lĩnh vực, trong đó có chính trị, ngoại giao, thương mại - kinh tế, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, môi trường - y tế, quốc phòng - an ninh, nhân quyền, văn hóa - thể thao, du lịch và giải quyết hậu quả chiến tranh. Sau 28 năm bình thường hóa quan hệ, và 10 năm thiết lập Đối tác toàn diện, hợp tác Việt - Mỹ đã "đơm hoa kết trái" trong nhiều lĩnh vực.

Gần 30 năm trước, khi Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ, kim ngạch thương mại giữa hai nước chỉ đạt 450 triệu USD, năm 2013 là 40 tỷ USD, còn đến 2023 đã vượt hơn 140 tỷ USD. Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Mỹ và là quốc gia thành viên ASEAN xuất khẩu nhiều nhất sang Mỹ. 

Cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius hiện đang là Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN trong cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính hồi tháng 3 khẳng định, các doanh nghiệp Mỹ coi Việt Nam là thị trường chiến lược với cam kết đầu tư dài hạn, ủng hộ mạnh mẽ các mục tiêu của Chính phủ Việt Nam.

Đại sứ Mỹ Marc Knapper cũng nhấn mạnh hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước đã “thành công rực rỡ". "Mặc dù qua mỗi năm có những con số khác nhau, nhưng về cơ bản đã tăng hơn 300 lần, một con số khổng lồ trong 10 năm qua".

28 năm qua, hợp tác an ninh - quốc phòng giữa hai nước có những bước phát triển nhanh chóng, đánh dấu bằng việc tổ chức ngày càng nhiều các hoạt động đối thoại an ninh chính trị, quân sự cấp cao nhằm tăng cường sự hiểu biết, tin cậy và hỗ trợ lẫn nhau.

Tháng 3/2018, lần đầu tiên một tàu sân bay của Mỹ (tàu USS Carl Vinson) đã đến thăm Việt Nam. Các năm sau đó 2020 và mới đây 6/2023, tàu sân bay Mỹ đều ghé thăm Việt Nam

Một điểm sáng khác trong hợp tác song phương khi hai bên phối hợp giải quyết hậu quả chiến tranh, gồm xử lý bom mìn và vật liệu nổ còn sót lại, hỗ trợ người tàn tật, khắc phục nhiễm độc dioxin và tìm kiếm người mất tích trong chiến tranh.

Việt Nam có gần 30.000 sinh viên đang theo học ở Mỹ. Đại học Fulbright Việt Nam, cơ sở giáo dục 100% vốn đầu tư nước ngoài, hoạt động phi lợi nhuận thành lập năm 2016 tại TP.HCM, được coi là minh chứng cho sự phát triển sâu rộng của quan hệ song phương.

Mỹ đã mở văn phòng CDC khu vực Đông Nam Á ở Việt Nam vào tháng 8 năm 2021 nhân chuyến thăm Việt Nam của Phó Tổng thống Kamala Harris. Quyết định này cho thấy Việt Nam có vị trí lý tưởng để đặt một văn phòng có trách nhiệm cấp khu vực về vấn đề y tế. Ngoài ra còn thể hiện quan hệ hợp tác y tế rất bền chặt giữa hai nước đã tồn tại từ năm 2004-2005, khi bắt đầu cùng nhau phòng chống HIV/AIDS, sau đó là bệnh lao và Covid-19.

28 năm không phải là quãng đường dài trong lịch sử quan hệ hai nước, song những gì Việt Nam và Mỹ đạt được thực sự ấn tượng mà ngay cả những người trong cuộc cũng không nghĩ đến ở thời điểm hai nước bắt đầu thiết lập quan hệ ngoại giao.

Để lại đằng sau nhiều nghi kỵ và hận thù, quan hệ Việt - Mỹ đã bước sang một trang hoàn toàn mới với sự hợp tác vượt bậc trong mọi lĩnh vực.

Tác giả: Trần Thường - Thái An

Ảnh: Bộ Ngoại giao, TTXVN, VietNamNet

Thiết kế: Thu Hằng