Bầu cử tổng thống Mỹ 2024 là một trong những cuộc đua vào Nhà Trắng gay cấn và tốn kém nhất trong lịch sử xứ sở cờ hoa, với tổng số tiền đóng góp cho các chiến dịch tranh cử lên tới 15,9 tỷ USD. Ban đầu, đây là cuộc cạnh tranh giữa Tổng thống đương nhiệm Joe Biden, 81 tuổi và cựu lãnh đạo Nhà Trắng Donald Trump, 78 tuổi. Tuy nhiên, khi ông Biden ngày 21/7 quyết định từ bỏ nỗ lực tái tranh cử vì áp lực không ngừng từ nội bộ đảng Dân chủ sau màn tranh luận trực tiếp bị đánh giá “lép vế” trước đối thủ Cộng hòa hồi tháng 6, bà Kamala Harris, 56 tuổi được chọn làm ứng viên thay thế “đấu chung kết” với ông Trump.
Dù được đánh giá thuyết phục hơn trong cuộc so tài hùng biện trực tiếp duy nhất với ông Trump vào tối 10/9 và từng tạm dẫn trước đối thủ trong các cuộc thăm dò dư luận trước ngày bỏ phiếu quốc gia 5/11, nhưng bà Harris vẫn để thua chung cuộc. Ông Trump cuối cùng đã đánh bại bà Harris cả về tổng số phiếu đại cử tri (312 phiếu so với 226 phiếu) lẫn số phiếu phổ thông (77,2 triệu phiếu so với 75 triệu phiếu), trở thành tổng thống thứ 47 của Mỹ.
Chiến thắng đã giúp ông Trump tạo nên nhiều kỷ lục như tổng thống Mỹ đầu tiên trong hơn 120 năm thắng cử 2 nhiệm kỳ không liên tiếp, người đầu tiên bị kết án trọng tội đắc cử ghế lãnh đạo Nhà Trắng và chính khách lớn tuổi nhất khi tuyên thệ nhậm chức (79 tuổi vào tháng 1/2025).
Vì sao ông Trump đắc cử tổng thống Mỹ năm nay?
Ông Trump tự hào thắng cử vang dội, nói nhiệm kỳ tổng thống nên tính từ 5/11
Ông Trump đã phải đối mặt với ít nhất 3 âm mưu ám sát bất thành trong quá trình vận động tái tranh cử năm nay. Sự cố đầu tiên xảy ra vào ngày 13/7, khi ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa suýt bị một nam thanh niên dùng súng trường AR-15 bắn vào đầu tại một buổi mít tinh vận động tranh cử ở Butler, bang Pennsylvania. Mặc dù ông Trump chỉ bị thương nhẹ do viên đạn sượt qua tai phải, nhưng một người tham gia sự kiện đã thiệt mạng và 2 người khác bị thương. Thủ phạm - Thomas Matthew Crooks, 20 tuổi đã bị các mật vụ bắn hạ tại chỗ.
Hai tháng sau, vào chiều 15/9, trong khi đang chơi golf tại câu lạc bộ golf Trump International ở West Palm Beach, bang Florida, ông Trump dường như lại trở thành mục tiêu của một vụ mưu sát. Các đặc vụ Mỹ đã phát hiện và nổ súng vào người đàn ông đang rình rập trong bụi cây gần sân golf, cách ông Trump khoảng 365-457m. Kẻ này đã đánh rơi một khẩu súng trường tấn công AK-47 và bị bắt sau khi bỏ trốn khỏi hiện trường. Nghi phạm Ryan Wesley Routh, 58 tuổi sau đó bị cáo buộc phạm tội mưu sát và đang chờ ngày xét xử.
Gần một tháng sau, tại trạm kiểm soát bên ngoài địa điểm tổ chức vận động tranh cử của ông Trump ở bang California vào ngày 12/10, nhà chức trách đã bắt giữ Vem Miller, 49 tuổi đến từ Las Vegas vì giả mạo thẻ VIP và báo chí, đồng thời mang theo súng ngắn nạp đạn sẵn và một băng đạn lớn. Nghi phạm được tại ngoại với số tiền bảo lãnh 5.000 USD và sẽ phải hầu tòa vào tháng 1/2025 với cáo buộc tàng trữ vũ khí trái phép. Các sự cố trên đã gây áp lực lớn lên đội an ninh và thúc đẩy các biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt hơn dành cho các ứng viên tổng thống Mỹ.
Khung cảnh hỗn loạn khi ông Trump bị bắn tại buổi vận động tranh cử
Trong hơn một năm qua, Israel đã vướng vào giao tranh trên nhiều mặt trận với các nhóm vũ trang được Iran hậu thuẫn gọi là "Trục kháng chiến" ở Dải Gaza, Lebanon, Yemen, và nhiều khu vực khác. Đặc biệt, năm nay đánh dấu lần đầu tiên Iran và Israel tấn công trực tiếp lẫn nhau sau nhiều năm tiến hành cuộc chiến ngầm.
Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã không ngừng không kích và tấn công trên bộ vào Dải Gaza nhằm xóa sổ Phong trào Hồi giáo Hamas. Tới tháng 7, Israel đã sát hại thủ lĩnh chính trị tối cao của Hamas Ismail Haniyeh ở thủ đô Tehran của Iran.
Giao tranh giữa Israel và Hezbollah không dừng lại ở các cuộc bắn phá qua biên giới, mà Israel còn triển khai chiến dịch tấn công trên bộ vào Lebanon. Đỉnh điểm, Israel đã ám sát chỉ huy quân sự của nhóm Hezbollah Fuad Shukr trong tháng 9, và sau đó kích nổ hàng nghìn máy nhắn tin khiến hàng trăm tay súng Hezbollah bị thương.
Đầu tháng 10, Iran đã thực hiện cuộc không kích thứ 2 vào Israel khi phóng khoảng 200 tên lửa, trong đó lần đầu tiên sử dụng tên lửa siêu vượt âm Fattah. Phía Israel có hành động đáp trả khi điều hơn 100 máy bay gồm tiêm kích F-35 tấn công các mục tiêu quân sự của Iran. Giới chuyên gia lo ngại tình hình căng thẳng leo thang có thể thúc đẩy Iran chế tạo bom hạt nhân. Việc Israel sở hữu vũ khí hạt nhân càng khiến vấn đề trở nên phức tạp hơn.
Quân đội Israel cũng liên tiếp không kích các vị trí của Houthi ở ven bờ biển phía tây và sâu trong lãnh thổ Yemen để loại bỏ năng lực quân sự của nhóm vũ trang.
Ukraine gây bất ngờ khi đột kích thành công vào vùng biên giới Kursk của Nga hồi đầu tháng 8, và chiếm đóng nhiều vùng lãnh thổ. Dù vẫn đang duy trì hoạt động tại đây, song binh sĩ Ukraine ngày càng tỏ ra yếu thế trước sức mạnh áp đảo về nhân lực và trang thiết bị của Nga.
Trong năm nay, Ukraine đã nhận được lô tiêm kích F-16 đầu tiên sau thời gian dài chờ đợi. Nhưng ưu thế mà máy bay này mang lại cho Kiev vẫn còn rất hạn chế do số lượng ít.
Bước ngoặt trong giao tranh giữa Nga - Ukraine là khi chính phủ các nước phương Tây như Mỹ và Anh quyết định “cởi trói” những quy định hạn chế đối với việc Kiev sử dụng các loại vũ khí tầm xa được cung cấp như tên lửa ATCMS và Storm Shadow để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.
Vào cuối tháng 11, Nga đã có hành động đáp trả mạnh mẽ khi lần đầu tiên phóng tên lửa đạn đạo tầm trung siêu vượt âm Oreshnik vào thành phố Dnipro của Ukraine. Nga còn đe dọa có thể nhắm vào các trung tâm ra quyết định quan trọng ở thủ đô Kiev, cũng như các cơ sở quân sự và công nghiệp trên khắp Ukraine bằng tên lửa Oreshnik.
Trong khi đó, ở miền đông Ukraine, quân đội Nga tiếp tục đà tấn công dù chậm, nhưng liên tục giành thêm quyền kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ. Song việc Tổng thống Mỹ Joe Biden đang gấp rút chuyển thêm vũ khí và đạn dược cho Kiev trước khi kết thúc nhiệm kỳ cũng có thể là yếu tố làm thay đổi tình hình chiến sự ở Ukraine trong thời gian tới.
Tình hình chiến sự Nga - Ukraine
Quân đội Ukraine sẽ áp đảo Nga trước khi ông Donald Trump nhậm chức?
Ông Trump giành chiến thắng bầu cử, Ukraine và NATO đối mặt ‘khủng hoảng lớn’
Ngày 3/12/2024, lúc 22h27 giờ địa phương, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol ban bố tình trạng thiết quân luật trong một bài phát biểu không báo trước được phát trực tiếp trên truyền hình.
Trong tuyên bố, ông Yoon cáo buộc đảng Dân chủ đối lập đang nắm đa số ở Quốc hội có những hành động chống phá nhà nước, hợp tác với Triều Tiên để hủy hoại đất nước. Đây là lần đầu tiên sau 44 năm, tình trạng thiết quân luật được ban bố tại Hàn Quốc. Sau 6h hỗn loạn, Tổng thống Yoon Suk-yeol gỡ bỏ thiết quân luật theo yêu cầu của Quốc hội.
Những động thái của nhà lãnh đạo này đã khiến chính trường Hàn Quốc dậy sóng. Lãnh đạo đảng đối lập Lee Jae-myung nói tuyên bố thiết quân luật khẩn cấp của Tổng thống Yoon là vi hiến, đi ngược lại ý nguyện của người dân. Các đảng đối lập đã nhất trí trình kiến nghị luận tội ông Yoon về quyết định này. Ngày 14/12, Tổng thống Yoon Suk-yeol đã chính thức bị đình chỉ mọi nhiệm vụ của người đứng đầu đất nước.
Tổng thống Hàn Quốc ban bố thiết quân luật khẩn cấp
Tổng thống Yoon Suk-yeol xin lỗi người dân Hàn Quốc vì áp lệnh thiết quân luật
Tổng thống Hàn Quốc bị đình chỉ chức vụ, nhận tuyên bố bị luận tội
Ngày 19/5/2024, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi, Ngoại trưởng Hossein Amir-Abdollahian cùng 7 người khác đã thiệt mạng khi chiếc trực thăng chở họ bị rơi ở làng Uzi, tỉnh Đông Azerbaijan của Iran.
Cơ quan điều tra Iran kết luận thời tiết xấu là nguyên nhân gây ra vụ tai nạn. Theo đó, sự xuất hiện đột ngột của khối sương mù dày đặc đã khiến chiếc trực thăng Bell 212 của không quân Iran chở nhà lãnh đạo này đâm vào núi. Tai nạn xảy ra khi ông Raisi đang trở về sau buổi lễ khánh thành một đập nước mới được xây dựng ở khu vực biên giới Iran-Azerbaijan. Đoàn trực thăng của ông gồm 3 chiếc, trong đó 2 chiếc chở các bộ trưởng và quan chức chính phủ đã về đích an toàn.
Cố Tổng thống Raisi, 63 tuổi, là một người theo đường lối cứng rắn, từng là quan chức đứng đầu ngành tư pháp của Iran. Ông được coi là người có thể kế nhiệm lãnh đạo tối cao của Iran Ayatollah Ali Khamenei.
Rơi trực thăng, Tổng thống Iran tử nạn
Iran công bố nguyên nhân rơi trực thăng chở Tổng thống Raisi
Trong vòng chưa đầy 2 tuần, lực lượng đối lập ở Syria đã thành công lật đổ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad, tạo ra bước ngoặt lớn đối với Syria và cán cân quyền lực ở Trung Đông.
Bắt đầu từ ngày 27/11, liên minh đối lập do nhóm Hayat Tahrir al-Sham (HTS) đứng đầu đã phát động một cuộc tấn công lớn chống lại các lực lượng ủng hộ chính phủ. Cuộc đụng độ đầu tiên xảy ra ở Idlib, và chỉ sau 3 ngày phe đối lập đã kiểm soát thành phố Aleppo. Bất chấp những nỗ lực từ quân đội Syria và đồng minh, phe đối lập đã nhanh chóng kiểm soát thêm các khu vực như Hama, Homs, và Deraa.
Tới sáng 8/12, phe đối lập thành công tiến vào thủ đô Damascus, trong khi Tổng thống Assad rời khỏi đất nước để tới tị nạn tại Nga. Chưa đầy 24h sau đó, Thủ tướng Syria Mohammed Ghazi al-Jalali đã gặp lãnh đạo của phe đối lập, cam kết sẵn sàng chuyển giao quyền lực một cách hòa bình. Vào ngày 10/12, phe đối lập đã chọn ông Mohammad al-Bashir làm lãnh đạo lâm thời, chịu trách nhiệm lãnh đạo chính phủ chuyển tiếp cho đến ngày 1/3/2025.
Việc chính quyền Assad sụp đổ cũng gây ra tác động lớn tới tình hình ở Trung Đông, khi cả Israel và Iran đã nhanh chóng đưa ra những phản ứng khác nhau với tình hình ở Syria. Israel ngay lập tức triển khai quân đội tới Cao nguyên Golan.
Cựu Tổng thống Assad lần đầu lên tiếng sau khi rời khỏi Syria
Thủ tướng Syria gặp lãnh đạo phe nổi dậy, hứa chuyển giao quyền lực hòa bình
Quân nổi dậy Syria tiến nhanh về thủ đô, hàng chục nghìn người ồ ạt tháo chạy
Tối 22/3, một trong những vụ tấn công khủng bố đẫm máu nhất tại Nga trong nhiều năm trở lại đây đã xảy ra tại nhà Crocus City Hall ở Moscow.
Báo cáo từ Ủy ban điều tra Nga cho biết, 4 kẻ tấn công khủng bố đã tới nhà hát bằng một chiếc ôtô hiệu Renault, sử dụng vũ khí tự động để vô hiệu hóa các nhân viên an ninh ở lối vào, trước khi bắn vỡ cửa kính để tiến vào trong tòa nhà. Sau khi xả súng ở bên trong nhà hát, những kẻ này đã sử dụng xăng mang theo để gây hỏa hoạn ở nhà hát. Toàn bộ vụ tấn công diễn ra trong vòng 17 phút, và là một âm mưu được tính toán kỹ càng.
Vụ tấn công ở nhà hát Crocus đã khiến 144 người thiệt mạng và 551 người bị thương. Các tay súng gây ra vụ tấn công đã bị bắt giữ ở khu vực gần biên giới Ukraine vài giờ sau vụ việc, cả 4 đối tượng này đều là người Tajikistan.
Phía Nga cho rằng Ukraine có liên quan đến vụ việc, nhưng Kiev đã phủ nhận, khẳng định ISIS-K, một nhánh có trụ sở tại Afghanistan của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), là thủ phạm gây ra vụ khủng bố. IS sau đó đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ tấn công, trong khi Mỹ và nhiều nước phương Tây cũng cho rằng Ukraine không liên quan tới vụ việc ở nhà hát Crocus.
Nga hoàn tất tái hiện quá trình vụ khủng bố xảy ra ở Moscow
Ông Putin nêu mục đích của những kẻ tấn công khủng bố Moscow
Hãng thông tấn SPA của Ảrập Xêút cho biết, cuộc hành hương Hajj vào tháng 6/2024 đã diễn ra đúng thời điểm xảy ra một đợt nắng nóng, với nhiệt độ ngoài trời vượt quá 50 độ C. Trong hơn 1.300 trường hợp tử vong giữa lúc hành hương, có đến 3/4 không có giấy phép hành hương chính thức và phải đi bộ dưới ánh nắng trực tiếp mà không có nơi trú ẩn thích hợp.
Được biết, Hajj là cuộc hành hương hàng năm của người Hồi giáo đến thánh địa Mecca. Tất cả người Hồi giáo có đủ khả năng về tài chính và thể chất phải hoàn thành chuyến hành hương ít nhất một lần trong đời. Theo số liệu từ giới chức Ảrập Xêút, khoảng 1,8 triệu người đã tham gia hành hương trong năm nay.
Đi bộ nhiều giờ dưới nắng gắt ở Ảrập Xêút, hơn 1.000 người hành hương tử vong
Hơn 1.300 người thiệt mạng vì nắng nóng trong lễ hành hương đến thánh địa Mecca
Năm 2024 đánh dấu làn sóng phe cực hữu chiếm ưu thế ở châu Âu. Chính trường Pháp gặp nhiều biến động, khi có tới 4 thủ tướng thay nhau nắm quyền kể từ tháng 1 tới nay. Còn tại Đức, Thủ tướng Olaf Scholz hôm 16/12 đã không vượt qua được cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm ở quốc hội, qua đó mở đường cho cuộc bầu cử sớm vào tháng 2/2025.
Theo The Guardian, nguyên nhân khiến chính trường Pháp trong năm 2024 gặp nhiều rối ren có liên quan tới đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia (RN) với người lãnh đạo là bà Marine Le Pen. Trong khi đó, AfD - đảng cực hữu ở Đức lại muốn đưa quốc gia này ra khỏi Liên minh châu Âu (EU) và Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Chính phủ Pháp bên bờ sụp đổ, Thủ tướng đối mặt với bỏ phiếu bất tín nhiệm
Quốc hội Pháp bỏ phiếu bãi nhiệm Thủ tướng Michel Barnier
Quốc hội Đức bỏ phiếu bất tín nhiệm với Thủ tướng Scholz
Ban Quốc tế Báo VietNamNet
Thiết kế: Thu Hằng