Chỉ trong vài ngày, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có sự thay đổi lớn trong chính sách khi cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa mà Washington cung cấp để tấn công lãnh thổ Nga, cũng như tăng cường hỗ trợ tài chính cho Kiev. Đây được xem là những nỗ lực cuối cùng của ông Biden nhằm thay đổi tình hình xung đột Nga - Ukraine theo hướng có lợi cho Kiev, trước khi Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump chính thức nhậm chức vào ngày 20/1/2025.

Theo đó, hôm 19/11, Ukraine đã lần đầu tiên phóng hệ thống tên lửa chiến thuật ATACMS vào một cơ sở quân sự ở vùng Bryansk của Nga. Ngày hôm sau, một loạt tên lửa Storm Shadow do Anh sản xuất cũng đã được Ukraine sử dụng để tập kích vùng Kursk của Nga.

nga ukraine trump.jpg
Hệ thống phòng không S-500 của Nga khai hỏa. Ảnh: Sputnik

Chỉ còn 2 tháng nữa là hết nhiệm kỳ, ông Biden đang tìm cách nhanh chóng chuyển các khoản viện trợ thêm cho Ukraine. Như hôm 20/11, Mỹ đã công bố gói viện trợ quân sự mới trị giá khoảng 275 triệu USD bao gồm việc cung cấp cho Ukraine mìn chống bộ binh, loại vũ khí gây tranh cãi bị cấm ở nhiều quốc gia do nguy cơ gây hại cho dân thường.

Cùng ngày, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết chính quyền Tổng thống Biden có kế hoạch xóa nợ khoảng 4,7 tỷ USD cho Ukraine.

Chia sẻ với Business Insider, các nhà phân tích nhận định những động thái trên của Mỹ có thể mang lại cho Ukraine sự thúc đẩy rất cần thiết trên chiến tuyến và củng cố vị thế phòng thủ, nhưng đáng lẽ phải được đưa ra sớm hơn.

"Mọi quyết định giờ đã quá muộn. Họ đã quá sợ hãi trước sự leo thang", ông Mick Ryan, cựu thiếu tướng quân đội Australia cho hay.  

Sự trì hoãn

Trước đây, chính quyền của ông Biden thường đáp ứng quá ít, hoặc quá chậm trước lời kêu gọi giúp đỡ từ phía Ukraine như cung cấp xe tăng Abrams, tiêm kích F-16, và tên lửa tầm xa.

"Nếu các hạn chế được dỡ bỏ sớm hơn, Ukraine sẽ có những bước tiến lớn trước qua đội Nga", ông Mark Temnycky tại Trung tâm Á - Âu của Hội đồng Đại Tây Dương nói thêm, sự chậm trễ đã khiến Ukraine mất đà trên chiến tuyến.

Trên thực tế, các lực lượng Kiev vẫn đang phải đối mặt với tình huống khó khăn, khi vừa phải vật lộn để giữ những phần lãnh thổ đã chiếm được ở vùng Kursk của Nga, vừa phải ngăn chặn hứng chịu thêm tổn thất ở miền đông Ukraine.

Ông Ben Friedman, giám đốc chính sách tại Defense Priorities, nhận định việc Mỹ dỡ bỏ các hạn chế đối với tên lửa ATACMS đã tạo ra cơ hội tấn công mới cho Ukraine. Ngoài ra, mìn chống bộ binh cũng có thể tạo ra tác động đặc biệt, nên quyết định của ông Biden "vẫn chưa phải là quá muộn" để giúp Kiev.

Song ông Ryan lại cho rằng, không có "viên đạn bạc" nào trong cuộc xung đột. Quyết định để Kiev dùng ATACMS có thể dẫn tới một số tác động trên chiến trường, nhưng có thể sẽ không đáng kể. Bởi theo ông, ATACMS chỉ là một phần trong kho vũ khí gồm các tên lửa hành trình do phương Tây sản xuất và máy bay không người lái (UAV) nội địa mà Ukraine có thể dùng để tấn công những mục tiêu quân sự quan trọng trong lãnh thổ Nga. 

Ông nói thêm, mìn chống bộ binh có thể là sự bổ sung hữu ích cho mạng lưới phòng thủ của Ukraine bên cạnh cảm biến, UAV, pháo binh, chiến hào, và các hoạt động đánh lừa. Đặc biệt, mìn chống bộ binh có thể làm chậm bước tiến của Nga nhất là ở phía đông Ukraine. 

nga ukraine trump 1.jpg
Ảnh: Tass

Xung đột còn khốc liệt hơn?

Trong khi đó, ông Trump, người thường xuyên chỉ trích và hoài nghi về giá trị các khoản viện trợ quân sự quy mô lớn mà Mỹ chuyển cho Ukraine, đã nhiều lần tuyên bố sẽ chấm dứt xung đột trong 24 giờ. Dù ông Trump chưa công bố kế hoạch cụ thể, nhưng ý tưởng ban đầu dường như là thông qua đàm phán để chấm dứt xung đột Nga - Ukraine.

Ông Abishur Prakash, nhà sáng lập công ty tư vấn chiến lược The Geopolitical Business tại Toronto, Canada, cho rằng các cuộc tấn công tầm xa gần đây của Ukraine vào lãnh thổ Nga có thể đã phá hỏng kế hoạch của ông Trump nhằm đưa Nga vào bàn đàm phán, và đóng băng xung đột.

"Dựa trên cách Nga đang phản ứng, xung đột ở Ukraine có thể 'bùng nổ' hơn vào ngày nhậm chức của ông Trump", ông Prakash nói. 

Nhận định của ông Prakash liên quan tới việc Tổng thống Putin hôm 21/11 cho biết quân đội Nga đã phóng tên lửa đạn đạo siêu vượt âm mới Oreshnik vào một cơ sở công nghiệp quân sự ở thành phố Dnipro của Ukraine. Đây là đòn đáp trả của Moscow, sau khi Ukraine sử dụng các tên lửa tầm xa của Mỹ và Anh để tấn công lãnh thổ Nga. 

Theo ông Prakash, ông Biden sẽ rời nhiệm sở vào thời điểm Ukraine ở vị thế mạnh hơn so với vài tháng trước nhờ sở hữu năng lực tấn công sâu hơn, có thêm mìn, và có thể nhận được nhiều loại vũ khí hơn.

Ông nói thêm, "ông Biden không muốn di sản của mình bị hoen ố bởi cuộc chiến ở châu Âu", cũng như muốn “đưa Ukraine vào vị thế mạnh mẽ hơn so với thời điểm xung đột bắt đầu bùng nổ”.