Qualcomm.jpg
Ông John Stefanac, Phó chủ tịch tập đoàn Qualcomm, kiêm Chủ tịch Qualcomm khu vực Đông Nam Châu Á – Thái Bình Dương

Chính phủ Việt Nam vừa cấp giấy phép 3G cho các nhà khai thác di động tại Việt Nam. Ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa của sự kiện này?

Việc Chính phủ Việt Nam mà ở đây là Bộ TT&TT trao giấy phép khai thác 3G cho các công ty khai thác di động của Việt Nam là một quyết định đúng đắn. Tôi nhận thấy chưa có quốc gia nào mà Chính phủ lại có sự ủng hộ mạnh mẽ các công ty viễn thông triển khai 3G như ở Việt Nam. Rõ ràng, cách thức Chính phủ Việt Nam tiến hành cũng như quá trình họ đã và đang hỗ trợ sự phát triển của mạng viễn thông Việt Nam là điểm sáng và là tấm gương cho các nước khác có thể học hỏi. Công nghệ và dịch vụ 3G chắc chắn sẽ giúp Việt Nam phát triển ở mọi khía cạnh của cuộc sống.

Trung Quốc đầu năm 2008 đã chính thức cấp phép triển khai 3G, với mục tiêu 3G góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tham gia kích cầu nền kinh tế. Tuy nhiên, thực tế đã không đúng như vậy. Theo ông, kinh nghiệm cần rút ra từ quá trình triển khai 3G tại Trung Quốc là gì?

Chúng ta không nên chỉ nhìn nhận và bình luận về viễn thông Trung Quốc khi họ mới đang ở giai đoạn đầu phát triển 3G mà cần xem xét rộng ra ở cả những nơi mà 3G đã đến được với rất nhiều người, chẳng hạn như ở Australia. Các doanh nghiệp viễn thông của quốc gia này từ khi triển khai 3G doanh thu đã tăng hơn 8 tỉ đô la. Đây cũng là một trường hợp mà Việt Nam rất nên xem xét để thấy rằng ở những thị trường đó các dịch vụ 3G đã được mở rộng và đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế như thế nào.

Còn ngay tại Trung Quốc, trong 3 công ty triển khai cung cấp dịch vụ 3G thì có 1 công ty rất thành công, đó là China Telecom. Kể từ khi khai trương mạng 3G, số lượng thuê bao của mạng này gia tăng nhanh chóng. China Telecom đặt mục tiêu đạt 40 triệu thuê bao 3G vào cuối năm 2009 nhưng thực tế cho đến ngày hôm nay, họ đã đạt và vượt con số này.

Triển khai 3G không chỉ tạo ra một nền tảng hạ tầng kỹ thuật mới, mà còn tạo ra những mô hình kinh doanh mới. Nhưng tại Việt Nam, các nhà khai thác viễn thông đang lúng túng trong việc tìm kiếm mô hình kinh doanh hiệu quả và thích ứng với 3G. Ông có thể chia sẻ những kinh nghiệm?

Với các nhà khai thác viễn thông Việt Nam, vấn đề cần lưu ý là làm thế nào xây dựng được hạ tầng đường dẫn có dung lượng đủ mạnh để truyền tải các nội dung và dịch vụ 3G. Điều quan trọng không kém là làm sao cung cấp được vùng phủ sóng tốt. Bên cạnh đó, khi đưa dịch vụ 3G ra thị trường, các bạn hãy đừng cố gắng phấn đấu phải là người đầu tiên, cũng không phải là người cung cấp dịch vụ với mức cước phí rẻ nhất mà hãy cố gắng là người cung cấp dịch vụ với chất lượng cao nhất và cần tính giá (cước phí) theo giá trị dịch vụ mà bạn cung cấp cho khách hàng. Hãy cạnh tranh nhau trên khía cạnh giá trị chứ không nên bằng giá cả. Ví dụ có thể kể đến ở đây là Công ty viễn thông Telstra của Australia, hiện chiếm 50% thị phần 3G ở Australia mà mức giá không phải là rẻ nhất, họ hấp dẫn khách hàng chính ở chất lượng và giá trị của những dịch vụ mà họ cung cấp.

Một điều nữa cũng cần nhấn mạnh là 3G khi được triển khai sẽ tạo ra ba điều mới. Thứ nhất là tạo ra một hoạt động doanh nghiệp mới. Thứ hai là tạo dựng mối quan hệ kinh doanh mới (new business models) và thứ ba là tăng cường và thúc đẩy hơn nữa các hoạt động doanh nghiệp đang được tiến hành. Ví dụ như việc nhà sách Amazon bán sách điện tử Kindle DX qua mạng của Sprint Nextel tại Mỹ. Hay như việc mua hàng qua điện thoại di động tại các cửa hàng trên trục đường cao tốc của Malaysia đã tạo ra mối qua hệ 4 bên gồm: Nhà khai thác di động (hãng Maxis), ngân hàng, hạt quản lý đường cao tốc và người bán hàng. Tất cả những dịch vụ và mối quan hệ nêu trên đều có thể xuất hiện ở Việt Nam trong thời gian tới.

Tại Trung Quốc, một quốc gia hơn 1 tỉ dân, chỉ có 3 nhà khai thác viễn thông được cấp phép 3G. Nhưng tại Việt Nam, một quốc gia gần 100 triệu dân có ít nhất 5 doanh nghiệp (4 giấy phép) triển khai 3G. Liệu có đáp án nào về sự tối ưu hiệu quả tương ứng với số lượng giấy phép được cấp phát ra không, thưa ông?

Thực sự câu hỏi này không dễ trả lời mà có lẽ là thời gian sẽ cho ta đáp án. Ở Indonesia hiện nay có 11 nhà khai thác viễn thông nhưng tôi nghĩ rằng trong quá trình khai thác ở thị trường viễn thông Indonesia, doanh nghiệp nào có khả năng sẽ tồn tại, còn nếu không sẽ bị thôn tính. Tôi nghĩ con số đó xuống đến 3 là lý tưởng nhất.

Xin cảm ơn ông!

(Thực hiện)

Đọc toàn bộ bài viết trên báo Bưu điện Việt Nam số 118 ra ngày 2/10/2009