Một hôm, có hai bạn trẻ nhờ tôi giới thiệu một chuyên gia có khả năng nghiên cứu hoàn chỉnh quy trình và phương pháp dạy đạo đức cho học sinh lứa tuổi mẫu giáo và tiểu học.
Hai bạn trẻ này có ý định khai trương một trung tâm dạy đạo đức, một thứ "hàng hóa" không thời thượng nên chưa thấy ai làm, chỉ toàn giao phó cho ngành giáo dục (với môn học công dân) và cho gia đình (nếu quan tâm).
Có lẽ đây là một cách lội ngược dòng so với mô hình "trung tâm Anh ngữ thiếu nhi" đang mở tràn lan và cạnh tranh khốc liệt. Dẫu biết các bạn chỉ là những người trẻ khởi nghiệp, nhưng khi đọc dự án này, tôi bỗng thấy việc mở một trung tâm dạy đạo đức, kỷ luật cho trẻ em đúng là rất cần thiết.
Đơn giản lắm, các bé sẽ học lại đi thưa về trình, học chào hỏi lịch sự, cám ơn. Các bé không chỉ biết xếp thẳng hàng, nhanh gọn, mà phải hiểu rõ tại sao phải xếp hàng, tại sao phải cám ơn, tại sao phải sống lịch sự...
Chắc hẳn ai cũng còn nhớ hình ảnh hàng trăm người Nhật trên các cao ốc dù hoảng sợ trong tai nạn động đất nhưng vẫn trật tự xếp hàng xuống cầu thang thoát hiểm, chứ không chen lấn xô đẩy để tự gánh lấy một thảm họa khác. Những đứa bé Nhật kiên nhẫn xếp hàng lên xe buýt để chạy khỏi vùng nhiễm độc vì rò rỉ hạt nhân chết người...
Còn ở Việt Nam, đã bao nhiêu lần bạn nhận được một cử chỉ lịch sự như mở cửa, nhường đường, giúp bạn đỡ giỏ hàng nặng ở siêu thị? Chắc không nhiều vì những biểu hiện đó bây giờ quá hiếm.
Đã bao nhiêu lần bạn gặp ai đó bỗng tỏ ra tử tế mà một "phản ứng cảnh giác" tự đâu đó trỗi dậy vì mỗi ngày thường xuyên phải tiếp xúc với vô vàn điều xấu?
Có khi nào bạn nhìn thấy một người mẹ thản nhiên khạc nhổ bất chấp dòng xe máy ken dày phía sau, người mẹ thản nhiên vượt nhanh qua đèn đỏ giao thông với đứa con nhỏ ngồi phía sau? Tại sao bạn không dám nổi giận phản ứng khi một người đàn ông nhanh tay chen ngang cái thẻ ATM vào chỗ rút tiền?
Vừa qua, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đích thân xin lỗi một vị du khách Úc bị "chặt chém" ở Hà Nội. Du lịch Việt Nam ngày càng thu hút du khách khắp thế giới, thì ngược lại, ngày càng xảy ra nhiều vụ du khách bị người bản địa ứng xử vô văn hóa, từ gian lận đổi tiền, taxi dù ở cửa sân bay, đến "chặt chém" trong các nhà hàng, trong bảo tàng và lễ hội văn hóa...
Bức xúc đến mức Tổng cục Du lịch hiến kế lập ra cơ quan chuyên trách "Xin lỗi". Nghe như trò đùa! Chẳng lẽ lập cơ quan "Xin lỗi" theo hệ thống khắp cả nước bởi chỗ nào mà không có điểm nóng chặt chém, vô văn hóa.
Đối với du khách thì lo vậy cũng được, nhưng còn ai lo cho chúng ta và con cháu chúng ta nếu vẫn phải sống trong một môi trường kém văn minh, thiếu học thức đến vậy? Ai xin lỗi chúng ta?
Tôi đã từng chở con đi học thêm rất nhiều môn học nhưng thật tình chưa từng nghĩ sẽ chở con đi học thêm đạo đức. Nên lúc này, tôi mong lắm ngày khai giảng trung tâm ấy...
(Theo Hồng Bích/ Doanh Nhân Sài Gòn)