Một cơ quan nghiên cứu về tâm lý cho biết sự bất tài tước đi của người ta khả năng nhận ra sự bất tài của bản thân. Nói cách khác, những người kém cỏi quá kém cỏi đến mức không nhận ra điều đó. 

Tương tự, những người luôn tỏ ra khó chịu cũng sẽ không thể hiện nhiều khiếu hài hước khi trò chuyện.

Nguyên nhân này có thể là lý giải cho nhiều vấn đề trong xã hội.

Với hơn một thập kỷ nghiên cứu vấn đề này, nhà tâm lý học David Dunning tới từ ĐH Cornell đã chứng minh rằng “bản chất con người rất khó để nhận ra cái mà mình không biết”. Cho dù một người có thiếu năng lực trong suy luận logic, trí tuệ cảm xúc, khiếu hài hước hay thậm chí là khả năng chơi cờ hay không, thì người đó vẫn có xu hướng đánh giá kỹ năng của họ trong những lĩnh vực này ở trên mức trung bình.

{keywords}

Dunning và đồng nghiệp của ông – Justin Kruger, hiện đang làm việc ở ĐH New York “đã thực hiện một số thí nghiệm, trong đó chúng tôi sẽ cho mọi người làm một bài kiểm tra về một số lĩnh vực như suy luận logic, kiến thức về bệnh lây qua đường tình dục và cách phòng tránh, trí thông minh cảm xúc… Sau đó, chúng tôi xác định điểm số của họ, và về cơ bản hỏi họ xem họ nghĩ rằng mình làm tốt đến mức nào” – Dunning cho biết. “Chúng tôi hỏi ‘Anh làm tốt khoảng bao nhiêu phần trăm?”

Kết quả giống nhau ở tất cả các lĩnh vực: Những người thực sự làm tốt có xu hướng cảm thấy tự tin về khả năng của mình hơn những người làm không tốt, nhưng chỉ hơn một chút. Hầu hết mọi người đều nghĩ rằng họ làm tốt hơn mức trung bình.

“Với những người làm tệ nhất - ở tốp 10-15% cuối cùng, họ cho rằng mình làm tốt khoảng 55-60% - vẫn trên trung bình” – Dunning chia sẻ.

Kết quả cũng tương tự với những bài kiểm tra về khiếu hài hước, viết đúng ngữ pháp hay thậm chí là khả năng chơi cờ. “Những người làm kém nhất vẫn nghĩ rằng họ làm tốt hơn người khác”.

Không chỉ đơn thuần là suy nghĩ chủ quan, mà chính sự thiếu năng lực của họ trong lĩnh vực đó khiến họ không thể nhận ra sự kém cỏi của mình. Ngay cả khi Dunning và các đồng nghiệp đưa ra số tiền thưởng 100 đô la cho ai có thể đoán đúng kết quả của mình, thì họ cũng không thể nói đúng khả năng của mình. “Họ thực sự cũng cố gắng để trung thực và khách quan” – ông nói.

Dunning cũng tin rằng việc người ta không thể đánh giá đúng năng lực của mình là nguyên nhân của nhiều vấn đề xã hội, ví dụ như việc bác bỏ vấn đề biến đổi khí hậu. “Nhiều người không có kiến thức về khoa học, và họ rất dễ hiểu nhầm khoa học. Nhưng vì họ không có kiến thức để đánh giá nên họ không nhận ra mình đã đánh giá vấn đề sai đến mức nào”.

Theo đó, những người không đủ tài năng trong một lĩnh vực cụ thể cũng sẽ có xu hướng không nhận ra tài năng và những ý tưởng hay của người khác, từ công nhân cho tới các chính trị gia.

Nghiên cứu này như một lời nhắc nhở tất cả chúng ta rằng bạn có thể không tuyệt vời như bạn nghĩ. Và bạn cũng có thể sai ở những thứ mà bạn tin là mình đúng.

Nguyễn Thảo (Theo Live Science)