Giảm bớt những cuộc họp không cần thiết sẽ tăng được hiệu quả quản lý, điều hành, chỉ đạo của Chính phủ cũng như các bộ - ngành, địa phương.
Bình luận về việc Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng “kêu” phải họp nhiều quá, ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, cho rằng đó là sự thật. “Ngay như tôi, lúc còn làm thứ trưởng, nếu thư mời nào cũng đi thì một năm tôi phải dự họp hơn 400 cuộc. Đó là chưa kể mời miệng” - ông Phúc chia sẻ.
Sợ trách nhiệm
Theo trần tình của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, mỗi tuần ông phải họp từ 30-40 cuộc. Ngay cả việc tổ chức phân công họp cũng đã rất vất vả. Cấp bộ là vậy, cấp địa phương thì sao? Thực tế có lãnh đạo tỉnh, mỗi năm được mời dự họp gần 700 cuộc, chưa kể họp nội bộ cơ quan. Còn giám đốc sở, mỗi ngày nhận 6-7 thư mời họp.
Ông Bùi Thanh Lam, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Lắk, cho biết hiện nay, sở có 1 giám đốc và 3 phó giám đốc, đủ số lượng theo quy định. Mặc dù vậy, vẫn không đủ người đi họp mà phải cử cấp phòng đi. Theo ông Lam, nếu cứ suốt ngày chỉ đi họp thì chẳng có thời gian đâu mà nắm bắt tình hình thực tế tại địa phương.
Trung bình mỗi tuần, UBND tỉnh Quảng Ngãi có khoảng 10 cuộc họp, chưa kể những cuộc họp đột xuất của tỉnh hoặc những cuộc họp với các đơn vị sở - ngành, quận - huyện. Đặc biệt, ở những đơn vị trực thuộc như các quận - huyện, sở - ngành liên quan, tình trạng họp hành diễn ra khá “dày”, chưa được thuyên giảm. Một cán bộ UBND TP Quảng Ngãi cho biết mỗi tuần, ông phải dự gần 10 cuộc họp khác nhau và xử lý hàng trăm văn bản khắp nơi gửi về. “Hội họp nhiều quá khiến hiệu quả công việc không cao, công chức hết sức mệt mỏi” - vị này bày tỏ. Trong khi đó, theo ông Trần Ngọc Căng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, thời gian qua, tỉnh đã chủ động giảm bớt những cuộc họp không quan trọng, giảm tải gánh nặng họp hành cho cán bộ, công nhân viên chức.
Ông Thang Văn Phúc cho rằng sở dĩ họp nhiều như vậy là do thể chế pháp luật của Việt Nam đang trong quá trình hình thành, phải thông qua các cuộc họp đóng góp ý kiến, họp triển khai, đôn đốc thực hiện... Mặt khác, do nguyên tắc làm việc tập thể cũ để lại nên trong quản lý điều hành vẫn họp nhiều.
Đi sâu phân tích nguyên nhân các cuộc họp, ông Phúc chỉ rõ thực tế phân cấp, phân quyền của ta chưa rõ. Nhiều nơi cứ lấy tập thể để chịu trách nhiệm chung. Nếu trục trặc, có vấn đề thì còn có chỗ để đổ. “Về trách nhiệm cá nhân, nói thì nhiều nhưng thể chế hóa nó còn khoảng cách nên lãnh đạo phải lấy tập thể ra để chịu trách nhiệm chung. Mà đã là tập thể thì phải họp nhiều” - ông Phúc phân tích.
Mạnh dạn phân quyền, phân cấp
TS Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Quốc hội (QH), cho rằng chuyện họp hành nhiều không phải bây giờ mới phản ánh mà từ trước cũng đã nhiều lần đề cập. QH từng nhắc tới chuyện tại sao lại lắm cấp phó thì được giải thích là vì nhiều cuộc họp nên phải có cấp phó để đi dự. “Cho nên mới có chuyện một người một ngày chạy tới 4 cuộc họp để lấy 4 cái phong bì” - ông Thảo dẫn lại lời một đại biểu QH.
Nói về việc họp hành trong quá trình xây dựng luật, TS Đinh Xuân Thảo đề nghị nên quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đặc biệt là cơ quan được giao chủ trì một việc nào đó. Trước đây, do phân công công việc chưa rõ ràng nên khi có một vấn đề thì các bộ, ngành phải họp để xin ý kiến chung. QH cũng bàn về việc giao cho cơ quan chủ trì các việc, mỗi việc nên giao cho một cơ quan.
Lý giải hiện tượng họp nhiều, ông Đinh Xuân Thảo cho rằng việc họp chủ yếu là do quá trình điều hành các cơ quan tự thực hiện, còn theo quy định chung thì không nhiều. Ví dụ, Ủy ban Thường vụ QH mỗi năm 2 lần họp thường vụ, trừ trường hợp đột xuất; Chính phủ cũng mỗi tháng họp 1 lần; HĐND mỗi năm họp 2 lần... Để giải quyết bài toán họp nhiều, theo ông Thảo, hiện đã phát triển công nghệ thông tin nên có thể ứng dụng vào trong hội họp, không nhất thiết phải tập trung họp hành nhiều. Còn riêng đối với hội thảo thì cần thiết phải tham gia vì còn bàn bạc, có những vấn đề mới, cần chuyên gia phản biện.
Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng tán đồng quan điểm bớt họp để làm nhiều. Việc giảm bớt các cuộc họp, nhất là những cuộc họp không cần thiết vì đã phân cấp, phân quyền rồi là rất thiết thực và tăng được hiệu quả quản lý, điều hành, chỉ đạo của Chính phủ cũng như các bộ, ngành, địa phương.
Cũng theo ông Mai Tiến Dũng, chỉ trong phạm vi hoạt động của Chính phủ, để giảm bớt tình trạng họp nhiều thì cần nâng cao trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương. “Bộ trưởng, trưởng ngành, chủ tịch UBND các cấp cần chủ động giải quyết việc theo đúng thẩm quyền đã được phân cấp. Tránh đùn đẩy việc lên Chính phủ. Đồng thời, ở cấp lãnh đạo bộ, ngành, người đứng đầu chính quyền địa phương cũng mạnh dạn phân quyền, phân cấp cho cấp dưới. Từ đó, việc hội họp mới giảm được” - ông Dũng nói.
TP HCM: Dành thời gian đi thực tế Tại kế hoạch triển khai Nghị quyết số 35/ NQ-CP ngày 16-5-2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 vừa được Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong ký ban hành (có hiệu lực từ ngày 1-8), lãnh đạo TP yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND quận - huyện tại TP HCM phải giảm 30% các cuộc họp, dành thời gian đi thực tế nắm bắt thông tin, kiến nghị của doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ. Trước đó, ngày 18-2, nói chuyện với lãnh đạo các sở, ban, ngành, quận, huyện trên địa bàn TP tại hội nghị tổng kết công tác tổ chức, chăm lo Tết Bính Thân 2016, ông Nguyễn Thành Phong yêu cầu mỗi lãnh đạo, cán bộ phải xây dựng cho mình tác phong sâu sát, nói ít làm nhiều; giảm bớt hội họp để dành thời gian cho cơ sở, cùng cơ sở tìm giải pháp giải quyết các khó khăn, vướng mắc. Mới đây, ngày 22-6, tại hội nghị Thành ủy TP HCM lần thứ 6, Phó Bí thư Thành ủy Võ Thị Dung cũng đã đề nghị các tổ chức Đảng, chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu, tăng cường đi thực tế, giảm hội họp. Ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng: Càng ít họp càng tốt Thời gian qua, Thành ủy, UBND TP Đà Nẵng đã ban hành nhiều văn bản quy định về việc cắt giảm hội họp để tiết kiệm chi phí, giải quyết công việc nhanh hơn. Các cơ quan, sở, ngành ở Đà Nẵng cũng ý thức giảm thiểu tối đa việc tổ chức hội họp. Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy các công việc liên quan giữa sở này với sở khác thì chủ động liên hệ để giải quyết một cách nhanh nhất, không nhất thiết bàn nội dung nhỏ lẻ mà phải tổ chức hội họp tốn chi phí, thời gian, công sức. Càng giảm hội họp chừng nào càng tốt chừng đó. Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk: Chủ động xử lý, giải quyết công việc Chúng ta phải xem xét lại vấn đề nâng cao trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị. Chủ động xử lý, giải quyết công việc chứ không phải cái gì cũng tổ chức họp. Mời họp cũng tùy đối tượng, xem có cần thiết không, chứ cuộc họp nào cũng mời đông người gây lãng phí thời gian, không hiệu quả. Đối với một số vấn đề, nên xem xét lại thực sự có cần thiết phải họp hay có các hình thức khác như lấy ý kiến. Đối với những cuộc họp bình thường thì nên cho các cán bộ chuyên môn nghiệp vụ đi nắm tình hình. Ông Diệp Văn Sơn, chuyên viên cao cấp: Phải giải quyết từ cơ chế Việc hội họp nhiều như hiện nay là vì một số nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân phân cấp không rõ ràng, không giao quyền tự chủ cho các sở cũng như sự chịu trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở. Việc phân định chức năng giữa các cơ quan chưa rõ ràng, còn chồng chéo, một việc không có người chịu trách nhiệm chính hoặc có quá nhiều cơ quan tổ chức tham gia cùng một việc nên phải có mặt đủ thành phần họp bàn để thống nhất từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ. Cùng với đó là do người đứng đầu năng lực hạn chế, thiếu tính quyết đoán, không dám chịu trách nhiệm... nên kéo tập thể vào sinh ra họp hành. Cái gốc của vấn đề nằm ở cơ chế. Việc giảm họp phải kèm theo quyết tâm cải tiến lề lối làm việc, nâng cao trách nhiệm cá nhân, cải cách cơ chế... Làm đúng theo câu châm ngôn “quý hồ tinh, bất quý hồ đa”, công việc sẽ “chạy” nhanh hơn lại đỡ tốn kém thời gian, tiền của nhân dân |