"Tôi thích mặc quần jeans, áo thun đi chợ mua đồ cho con, nấu cho gia đình, tối vẫn thích cùng ông xã đi ăn quán cóc hay cùng bạn bè ăn ốc bụi" - giọng ca "Chim trắng mồ côi" nói.
Trong thời buổi "thóc cao gạo kém", chẳng ca sĩ nào đứng ra tổ chức live show đúng nghĩa mà lại không nhiều nhà tài trợ. Vì thế, khi Cẩm Ly thông báo tổ chức Tự tình quê hương 5, không ít người xì xầm rằng chị là đại gia, có đủ tiền để chịu lỗ... Trước những "lời ong tiếng ve" không hay này, Cẩm Ly lên tiếng.
Hết lòng với dòng nhạc đã chọn!
- Chị dự định làm gì để tạo sức thu hút cho "Tự tình quê hương 5" để giữ vững thương hiệu đêm diễn cũng như chính giọng hát của mình?
- Tự tình quê hương là đêm diễn tạo niềm vui cho ê-kíp thực hiện và của chính bản thân tôi. Từ những dự định ban đầu chỉ là cố gắng thực hiện live show tập hợp những ca khúc mang âm hưởng dân ca, trữ tình đến nay đã có Tự tình quê hương 5. Mỗi lần thực hiện đều có đủ cảm xúc hỉ nộ ái ố xảy ra tưởng chừng như không bao giờ làm tiếp nữa...
Thế nhưng, bao năm trôi qua và nay đêm diễn mới sắp bắt đầu, chúng tôi vẫn đảm bảo mang những gì hay nhất tâm huyết đến khán giả.
Khán giả bây giờ tinh ý và có nhiều lựa chọn hơn trước, nếu không hay sẽ không đủ khả năng khiến họ phải bỏ tiền mua vé. Có vô số chương trình ca nhạc tạp kỹ phát sóng đầy trên truyền hình để họ có thể ngồi xem tại nhà.
Cẩm Ly nói mình chẳng phải đại gia.
- Làm live show trong thời buổi “thóc cao gạo kém” như hiện tại, nhiều người nói chị là một đại gia đúng nghĩa ở showbiz Việt, chị nghĩ thế nào về nhận xét này?
- Tôi nghe những lời này cũng nhiều rồi, thật tình lúc đầu cũng khó chịu lắm nhưng dần dà cũng quen, lần nào tới Tự tình quê hương thấy không ai hỏi câu này lại buồn.
Có lẽ, tôi may mắn có chồng, trung tâm Kim Lợi và những đồng nghiệp sản xuất gắn bó ủng hộ. Nếu là live show không phải chuyên về dòng nhạc mang âm hưởng dân ca, trữ tình chắc không được anh em ưu ái nhiều như vậy. Tất cả đều biết thực hiện live show lúc này rất khó, thậm chí có người còn nói mình bị “điên” huống hồ Tự tình quê hương rất ít có tài trợ.
Nếu như ca sĩ khác làm sô phải bỏ ra rất nhiều chi phí cho mọi khâu thì tôi và chồng có sẵn những thứ cần thiết nên chi phí nhẹ hơn… Nếu chỉ lấy công bù lỗ cũng là niềm vui, ít ra mình cũng không phải nằm lỳ trên con đường nghệ thuật. Tôi chẳng phải đại gia khi các bạn có thể dễ dàng bắt gặp tôi ngoài đời thường không hề có "xế sang" hay đồ hiệu.
- Chị có lo lắng cho live show của mình không khi khán giả không còn háo hức đến sân khấu?
- Hiện nay, khán giả có thể xem rất nhiều chương trình giải trí khắp các kênh truyền hình suốt 7 ngày trong tuần. Tôi cũng không ngoại lệ nên muốn đưa khán giả đến nhà hát xem chương trình, chúng tôi phải cố để chương trình thu hút và phải thật sự hay.
Cẩm Ly may mắn có được ê-kíp và những người tâm huyết hỗ trợ.
- Chị là một trong những giọng ca thuộc thế hệ trước, có bao giờ chị thấy “đuối” trong thị trường âm nhạc hiện tại cũng như dòng nhạc mình chọn?
- Dòng nhạc nào cũng có giá trị riêng của nó như thế hệ ca sĩ thời chúng tôi chẳng thể nào nhảy được với âm nhạc điện tử ngày nay, có chăng chỉ dừng lại ở remix hay techno hiện đại.
Các em có cái hay riêng của các em, chúng tôi cũng có cái để các em trao đổi. Thời trước, ca sĩ định hình bằng giọng hát riêng biệt, bây giờ nhiều quá những yếu tố bên ngoài nên những giọng hát khó có thể bật lên nổi trội nhưng phải nhìn nhận là âm nhạc hiện tại bắt nhịp rất nhanh với trào lưu thế giới.
Luôn là Cẩm Ly giản dị, đời thường- Dù thật khó để chấp nhận nhưng điều không thể phủ nhận, rồi ai cũng phải già, người đẹp xuống sắc, ca sĩ không còn sức sáng tạo, thể hiện những bài hát khó, chị nghĩ thế nào?
- Quy luật thời gian khắc nghiệt sẽ lấy đi tuổi tác, nhan sắc và sức khỏe nhưng chưa đúng là dù thời gian ra sao nhưng năng lượng và lòng nhiệt huyết của bạn nếu còn cháy bỏng cho nghệ thuật thì không bao giờ phai, thậm chí gừng càng già càng cay.
Tôi nghĩ đôi khi mình cũng phải biết tự hài lòng với những gì đã đạt được và nhìn nhận đúng những gì khán giả dành ưu ái cho mình. Bây giờ phải nhìn nhận là dù tôi có hát hoặc ra thêm album nhạc trẻ, khán giả đã định hình là Cẩm Ly hôm nay phải là dân ca trữ tình nhưng là màu sắc riêng của Cẩm Ly.
Như các chị, các cô trước đây khi đi diễn chung, dù đã 60,70 tuổi nhưng vẫn được khán giả yêu mến và cũng chỉ yêu cầu đúng những bài hát theo các chị, các cô ấy mấy mươi năm rồi, không gì hạnh phúc hơn điều đó. Sức lôi cuốn mãnh liệt đó là tấm gương để những thế hệ ca sĩ đi sau học hỏi, chưa chắc là tới từng tuổi đó mà mình còn được yêu mến như các cô. Có thể cột hơi có yếu đi vì thời gian nhưng từng lời hát đều nặng trịch “nội công” là điều chẳng phải ca sĩ trẻ nào cũng làm được!
- Có bao giờ chị thấy áp lực khi là một ngôi sao không?
- Ai nói tôi là ngôi sao, tôi cám ơn nhưng ngoài đời thì không bao giờ có ngôi sao Cẩm Ly. Tôi vẫn thích mặc quần jeans, áo thun đi chợ mua đồ cho con, mua đồ ăn về chế biến nấu ăn cho gia đình, tối tối vẫn thích cùng ông xã đi ăn quán cóc hay cùng bạn bè ăn ốc bụi. Như đã nói ở trên, chưa bao giờ tôi khoe nhà, khoe xe, hay đồ đạc gì đó, mà hễ có lên báo là "Cẩm Ly mặt mộc di chợ", "Cẩm Ly đời thường gì đó" … Tôi cảm thấy vui vì điều này hơn.
- Có bao giờ, chị thấy lo ngại về thị trường âm nhạc xuống cấp hiện tại, điều mà nhiều ngôi sao khác ít nhất một lần bày tỏ quan điểm?
- Tôi ít “bon chen” ở ngoài nên cũng không cảm nhận nhiều! Có thể thế hệ “vàng” trước đây có quá nhiều cái để báo chí viết như ca sĩ, bài hát, tác giả và khi khai thác viết bài cũng thể hiện thông tin chiều sâu chứ không phải theo bề nổi như bây giờ…
Lúc trước người ta chỉ quan tâm đến ca sĩ này chất giọng ra sao và bài hát kia ca từ hay quá nhưng đó là đã cách đây hơn 10 năm về trước, thời kỳ đỉnh cao của âm nhạc Việt Nam như những nhận định của giới chuyên môn.
Ngày nay, đời sống âm nhạc du nhập nhanh đến chóng mặt nhiều thể loại âm nhạc khác nhau trên thế giới nên bản sắc nhạc Việt Nam ít nhiều cũng dễ bị ảnh hưởng. Giới trẻ có quyền yêu cầu theo thị hiếu của họ, người trung niên hay lớn hơn cũng có nhu cầu cho dòng nhạc mình yêu thích nên thị trường âm nhạc đa sắc màu là điều dễ hiểu.
Có điều trước đây không có mạng nên mức độ lan truyền ít hơn, nay mọi thứ dễ dàng tiếp cận nhưng cũng sẽ dễ chóng quên vì trào lưu dễ vội qua. Tôi nghĩ dù gì khán giả sẽ là trọng tài chắt lọc lại những gì họ cần giữ lại sau khi cảm nhận.
- Nhìn chặng đường sự nghiệp đã qua, chị hài lòng nhất điều gì?
- Con đường âm nhạc của tôi có nhiều ngã rẽ từ bất ngờ vào nghề rồi nhiều lần cũng tưởng sẽ phải từ bỏ ra đi. Qua nhiều biến cố và ngã rẽ cho tới nay, tôi có được nhiều khán giả và fan yêu mến cả nhạc trẻ và dân ca trữ tình cũng là điều hạnh phúc lắm rồi.
Điều hài lòng cũng sẽ là diều giản dị nhất là tôi luôn hết mình trên sân khấu với khán giả và hạnh phúc đời thường cùng gia đình nhỏ.
Theo Người Lao Động