Tiến sĩ khó có thể trực chiến
Nhằm giảm thiểu sự thiếu hụt đội ngũ nhân lực về an toàn an ninh thông tin (ATANTT) cho quốc gia, ngày 14/1/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 99 phê duyệt Đề án Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực ATANTT đến năm 2020 (gọi tắt là Đề án 99). Trong đó sẽ đẩy mạnh hoạt động đào tạo đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên trình độ thạc sĩ, tiến sĩ về ATANTT ở nước ngoài, đào tạo ngắn hạn ở nước ngoài cho cán bộ...
Theo dự thảo hoạt động năm 2015 của Ban Điều hành triển khai Đề án 99 vừa được công bố chiều 15/9/2014, mục tiêu đặt ra trong năm 2015 là cử được 70 giảng viên, nghiên cứu viên đi đào tạo về ATANTT ở nước ngoài, gồm 20 tiến sĩ và 50 thạc sĩ. Mặt khác, sẽ cử 250 chuyên gia đi đào tạo ngắn hạn cập nhật công nghệ, kỹ năng nghiệp vụ tại các cơ sở đào tạo có uy tín của nước ngoài (đối tượng được cử đi đào tạo là cán bộ đảm nhận các chức danh về ATANTT trong các cơ quan Nhà nước, các giảng viên, nghiên cứu viên về ATANTT).
Bàn về câu chuyện đẩy mạnh đào tạo nhân lực ATANTT cho Việt Nam, ông Quách Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục CNTT, Bộ Giáo dục & Đào tạo lưu ý: "Trong giai đoạn chiến tranh thông tin, cần tác chiến hiệu quả theo kiểu chiến tranh chứ không vẽ lý thuyết. Nói cách khác là cần có nhiều đội đặc nhiệm chứ không cần nhiều tiến sĩ. Tiến sĩ khó có thể ngồi trực chiến. Đã có nhiều sự cố về ATANTT mà tiến sĩ cũng phải "đầu hàng". Khi có chiến tranh mạng thì cách thức tác chiến phải khác, chứ vác giáo trình lý thuyết ra là thua. Thực tế hiện nay, đơn vị đào tạo các đội đặc nhiệm về ATANTT thiện chiến nhất là Học viện Mật mã, còn các đơn vị khác vẫn khá nhiều lý thuyết".
Liên quan tới việc huấn luyện, đào tạo tác chiến mạng, một đại diện của Ban Cơ yếu Chính phủ lưu ý thêm: "Tác chiến mạng liên quan nhiều đến pháp luật chứ không đơn thuần chuyên môn. Bộ Quốc phòng đang xây dựng Nghị định hướng dẫn về vấn đề này".
Miễn học phí, tặng học bổng cho kỹ sư, cử nhân chất lượng cao
Bên cạnh việc đẩy mạnh đào tạo cho các tiến sĩ, chuyên gia về ATANTT, trong Đề án 99 cũng đã chỉ rõ nhiệm vụ đẩy mạnh đào tạo kỹ sư, cử nhân ATANT trong nước nhằm xây dựng được đội ngũ nhân lực trẻ sẵn sàng đáp ứng nhu cầu nếu xảy ra chiến tranh thông tin. Dự kiến mục tiêu trong năm 2015 của Ban Điều hành triển khai Đề án 99 là sẽ tuyển sinh đào tạo được 650 kỹ sư, cử nhân ATANTT chất lượng cao.
Ông Nguyễn Huy Dũng, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT cho biết: "Đề án 99 đã xác định rõ việc hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước cho các cơ sở đào tạo trọng điểm để đào tạo kỹ sư, cử nhân ATANTT chất lượng cao. Cụ thể, học sinh được tuyển chọn vào lớp kỹ sư, cử nhân ATANTT chất lượng cao sẽ được hỗ trợ 100% học phí, học sinh giỏi được hỗ trợ học bổng là 50% học phí, và học sinh khá được hỗ trợ học bổng bằng 30% học phí. Theo đăng ký tuyển sinh năm 2015 của 8 cơ sở đào tạo trọng điểm, dự kiến sẽ có 250 kỹ sư, cử nhân ATANTT chất lượng cao được tuyển sinh trong năm tới. Bộ TT&TT sẽ phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng dự thảo Thông tư liên tịch về việc bố trí kinh phí hỗ trợ học phí và học bổng cho các sinh viên được tuyển chọn vào chương trình kỹ sư, cử nhân ATANTT chất lượng cao".
Bộ TT&TT cũng dự kiến sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu về sinh viên, kỹ sư cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ, về ATANTT để có thể nắm được hiện trạng cũng như những biến động về nguồn nhân lực này tại Việt Nam.