Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, thời gian gần đây đã xuất hiện ngoại tệ giả trong các hoạt động giao dịch tiền mặt. Một số người dân khi gặp phải ngoại tệ giả thường không giao nộp cho hệ thống ngân hàng mà tìm cách tiêu thụ.

Ngày càng khó phát hiện

NHNN cho hay về mặt pháp lý, các cơ quan chức năng, các ngân hàng không thể thu giữ số ngoại tệ giả này do chưa có văn bản nào quy định việc thu giữ ngoại tệ giả. Từ đó, cơ quan công an, bộ đội biên phòng, hải quan rất lúng túng trong việc xử lý ngoại tệ giả.

Còn về vấn đề tiền Việt Nam giả, theo Bộ Công an, tội phạm làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả có diễn biến phức tạp và tính chất ngày càng nghiêm trọng. Cùng với sự phát triển của công nghệ sao chụp và xử lý hình ảnh, kỹ thuật làm tiền giả của tội phạm ngày càng tinh vi và giống tiền thật về hình thức.

{keywords}
Công cụ sản xuất tiền giả của một nhóm tội phạm tại TP HCM.

Nhiều người vì tham nên đã có những giao dịch bất chính về tiền giả, loại tội phạm này trên mạng xã hội khá sôi động bởi những lời mời chào mua bán tiền giả công khai. Đấu tranh với loại tội phạm này, Công an TP HCM đã triệt phá nhiều đường dây vận chuyển, mua bán tiền giả mệnh giá cao.

Sau một thời gian theo dõi, cuối tháng 1-2020, Phòng An ninh Kinh tế - Công an TP HCM cho biết vừa phối hợp Công an quận Gò Vấp bắt giữ 2 đối tượng Nguyễn Quang Bình (SN 1990) và Vũ Duy Phương (SN 1994, cùng ngụ quận Gò Vấp). Đây là 2 đối tượng chủ chốt, cầm đầu đường dây sản xuất, vận chuyển, mua bán tiền Việt Nam giả tại quận Gò Vấp. Thậm chí, các đối tượng còn sử dụng tiền giả này để mua bán và sử dụng ma túy. Khám xét nơi ở của cả hai, công an thu giữ 14,5 triệu đồng tiền giả mệnh giá 500.000 đồng cùng nhiều phương tiện, dụng cụ, nguyên vật liệu để làm tiền giả như máy tính xách tay, máy scan, máy in màu, dao rọc giấy, thước kim loại, giấy A4, sơn xịt nhanh, keo sữa... Ngoài vụ này, Phòng An ninh Kinh tế - Công an TP HCM còn triệt phá băng mua bán, vận chuyển tiền giả, bắt giữ Trần Tiến Quang (SN 1989, ngụ quận 12, TP HCM) cùng 4 đối tượng khác.

Sở dĩ loại tội phạm trên vẫn tồn tại, ngoài việc có công nghệ làm giả cao và tinh vi thì còn có nguyên nhân rất nhiều người "sơ ý" khi xài tiền. Trường hợp của anh Phúc Nguyên (ngụ quận 12, TP HCM) là một điển hình. Theo anh Nguyên ít nhất 2 lần anh "dính" tiền giả, lần gần đây nhất khi ra ngân hàng nộp 5 triệu đồng vào tài khoản thì nhân viên ngân hàng mới thông báo có 1 tờ 500.000 đồng là giả.

Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt

Công an TP HCM nhận định việc sản xuất tiền giả ngay tại thành phố là phương thức thủ đoạn mới của các đối tượng. Trước đây, việc sản xuất tiền giả đều do các đối tượng ở nước ngoài thực hiện, các đối tượng trong nước đặt mua tiền giả về để tiêu thụ; hiện nay các đối tượng trong nước đã sử dụng công nghệ cao để sản xuất tiền giả mệnh giá lớn. Vì vậy, người dân cần nâng cao cảnh giác và học cách phân biệt và đặc biệt khi biết mình "vô tình" có tiền giả thì đừng cố sử dụng.

TS Bùi Quang Tín (Trường ĐH Ngân hàng TP HCM) cho rằng NHNN cần thường xuyên cảnh báo người dân cảnh giác tránh mua bán, sử dụng để tiếp tay cho đối tượng sản xuất tiền giả.

{keywords}
 Một đối tượng trong đường dây tàng trữ tiền giả bị bắt.

Trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo NHNN Chi nhánh TP HCM cho biết có 2 trường hợp liên quan đến tình trạng sản xuất, rao bán tiền giả trên mạng là làm tiền giả để sử dụng thật và cố tình lừa đảo người hỏi mua. Theo đó, kẻ gian cố tình rao bán tiền giả, dụ người mua đặt cọc chuyển khoản để lấy tiền - đây là một thủ đoạn lừa đảo người dân cần cảnh giác. Trường hợp người mua biết tiền giả mà vẫn sử dụng là vi phạm pháp luật nên cần hết sức cảnh giác để bảo vệ bản thân, bảo vệ giá trị của VNĐ.

Về việc nhận diện tiền giả, thời gian qua, NHNN đã gửi nhiều thông tin về các dấu hiệu bảo an của VNĐ mà người dân có thể nhận diện, quan sát, phát hiện bằng mắt thường. "Hệ thống ngân hàng cũng thu hồi tiền giả được phát hiện trong quá trình lưu thông" - vị lãnh đạo NHNN này nói.

Theo vị lãnh đạo trên, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt là một trong những biện pháp nhằm hạn chế tình trạng tiền giả. Ngoài ra, NHNN khuyến khích người dân nên chuyển khoản, nhất là với những khoản tiền lớn cần giao dịch. 

NHNN Việt Nam đã có báo cáo chi tiết về kết quả việc thực hiện Quyết định số 130/2003 về việc phối hợp Bộ Công an và Bộ Quốc phòng bảo vệ tiền Việt Nam. Theo đó, từ năm 2003 đến nay, các đơn vị này đã khởi tố hơn 1.000 vụ, bắt giữ 2.000 đối tượng phạm tội về tiền giả.

(Theo Người lao động)