Ai cũng hy vọng con mình lớn lên không "thua chị kém em" cả về kiến thức lẫn vật chất. Khát vọng mỗi người mỗi khác nên mỗi người chiều con theo một cách riêng của mình.
Phàm đã là cha mẹ ở trên đời này không ai là không chiều chuộng con cái. Kể cả người học cao, chức trọng, đến gã ăn mày, kẻ không biết một chữ cắn đôi đến kẻ viết sách hàng thước, hàng bồ chữ, thảy đều hết lòng vì con. Đó là một loại sinh hoạt bản năng phần lớn của giống loài. Các loài thú vật chiều con vô điều kiện, chỉ một thứ, ấy là bản năng sinh tồn. Loài người chúng ta khác ở chỗ ngoài bản năng sinh tồn ra còn có ý thức gây dựng tương lai, cơ đồ cho con cái, giống nòi.
Ảnh minh họa |
Chẳng biết chơi mới là ngoan
Chị vợ anh bạn tôi chiều con vô điều kiện với mục đích cháu phải vào được trường điểm. Vào được trường điểm rồi phải vào được lớp chọn. Vào được lớp chọn rồi chí ít cũng phải đạt học sinh tiên tiến. Học sinh tiên tiến xong phải phấn đấu thành học sinh giỏi. Giỏi rồi phải xuất sắc...
Bản thân mục tiêu ấy không sai. Nhưng cái cách tiến hành để đạt mục tiêu quả không phải ai cũng làm đúng.
- Vậy ông tưởng ông viết được bài báo như thế này có nghĩa là phương pháp của ông chính xác?
Anh bạn thấy tôi đặt vấn đề: "Cần phải có sự quan tâm đến nguyện vọng của con một tí" liền đỏ mặt cãi lại để bênh vợ, thực ra là để bênh chính mình.Theo anh, bọn trẻ bây giờ có nhiều điều kiện học tập, có nhiều cơ hội để phát triển tài năng, chuyện nữ công gia chánh với lại ý thức làm trai cho xứng nên trai không còn hợp thời nữa. Không nhất thiết con gái phải biết nội trợ, thêu thùa, con trai phải biết khuân vác vai u thịt bắp. Vâng, đúng quá! Nhưng mà quan niệm nữ công gia chánh chỉ là thêu thùa, nấu ăn nội trợ không thôi thì sai bét rồi đấy. Học môn ấy là học cái đức tính truyền thống, vẻ đẹp truyền thống của người con gái Việt Nam. Đức tính mạnh mẽ của nam giới "Làm trai cho xứng nên trai/Xuống Đông, Đông tĩnh, lên Đoài, Đoài yên" cũng không phải chỉ có sức mạnh cơ bắp võ nghệ không thôi, mà là cái lớn hơn, cái mạnh hơn cả sức mạnh, ấy là uy tín.
Câu chuyện về thằng cháu Hiệp và vợ chồng anh bạn tôi kỳ trước kể ra mới chỉ có một vài chi tiết hé lộ rằng thằng cháu đã lén lút làm chuyện này chuyện nọ. Tôi ở ngay cạnh nhà anh chị, lại là chỗ thân tình từ khi hai người mới yêu nhau, rồi sinh cháu Hiệp, cháu Hòa. Năm nay cháu Hiệp mười sáu tuổi, ba lần bị mất cắp xe đạp Nhật chỉ vì ngồi trong cửa hàng sách đọc truyện tranh. Mất chiếc xe này có xe khác thay liền. Xe sau tốt hơn xe trước. Tội là do bọn trộm có nhiều thú đoạn tinh vi, người lớn còn chịu huống hồ con mình. Nó ham đọc sách là phúc lớn. Tranh truyện tuy có bạo lực cũng chi là loại bạo lực bằng hơi "Bụp bụp!""Xèo xèo!", ăn thua gì! Anh bảo tôi thế. Cái quan trọng nhất là tạo cho con mình môi trường tránh được quân hút hít. Thế nên anh chị mới thả dàn cho con chơi trò chơi điện tử trên máy vi tính, nối mạng Internet hẳn hoi. Các con phải làm chủ thành quả khoa học siêu tốc của thế giới! Cái gì cần biết thì phải biết, còn nếu không cần thì thôi.
Đường phố Hà Nội thì cu Hiệp nhà ta chỉ biết đoạn từ trường về nhà, từ nhà tới trường. Đó là niềm tự hào sâu sắc của anh chị.
- Ông bà định biến con mình thành cái máy phải không?
Anh bạn tôi tuyên bổ hùng hồn:
Máy cũng được, miễn là con tớ tốt nghiệp đại học và không nghiện hút!
-Thế lâu nay ông bà có biết thằng Hiệp nhà ông bà chơi với những đứa bạn nào không? - Tôi hỏi.
- Nó còn thời gian đâu mà đi chơi với bời! - Chị vợ anh bạn tôi khẳng định.
Tôi ngớ người ra vì thua lý.
Bàn tay con người ta thì bé, làm sao che được mặt trời.
Nói thì nói thế nhưng nhiều khi tôi cũng cứ cảm thấy không yên. Bạn bè với nhau góp ý sát sạt xem ra cũng không ổn. Nhưng sự thật dẫn đến cái kết cục đau lòng quá. Thằng Hiệp bỏ trốn nhà đi mất tăm mấy ngày, mãi sau tìm được, hóa ra cu cậu bị hai "thằng bạn", thực ra là hai ông anh họ rủ rê đi... phượt.
- Phượt là thế nào? - anh bạn tôi hét lên.
- Bố vào mạng mà tìm - thằng Hiệp nói tỉnh bơ.
- Mình không ngờ ông ạ!
- Vâng, tôi cũng không ngờ.
Thực ra cái việc mấy đứa rủ nhau đi "phượt" chẳng có gì đáng ngại nếu người lớn hiểu tâm tư của chúng, tạo điều kiện cho chúng đi xả stress vào những ngày nghỉ.
- Tuổi học cũng là tuổi ăn tuổi chơi nữa mới đúng - Tôi bảo với anh bạn tôi thế."Ông quá căng thẳng, lây sang cả nhà đấy!".
Ông chằng bà chuộc
Tôi lại tình cờ đến nhà anh bạn nói trên gặp lúc hai vợ chồng đang căng thẳng vì chuyện có nên cho thằng con trai lớn đi xe máy không. Chị vợ bảo có. Nó đi học ngày ba ca, đạp xe kèo kẽo, về tới nhà mặt mũi phờ phạc, ăn chả thèm ăn...
Thế còn anh chồng?
Anh kiên quyết không đồng ý cho con trai mười sáu tuổi đi xe máy. Thiên hạ người ta lắm của chiều con mặc kệ. Ngày xưa anh đi học toàn đi bộ hàng chục cây số thì đã sao. Vả lại, có xe rồi mới sinh lắm chuyện đua đòi, thậm chí bỏ học lêu lổng bạn bè, ai quản lý được?
Tôi thấy cháu Hiệp nằm dài trên giường nghe. Thấy tôi đến anh chàng ngồi dậy chào rồi bỏ ra ngoài, nét mặt không ra buồn cũng chẳng ra vui. Có điều tóc thì nhuộm đỏ, cổ đeo mấy sợi dây "xích", chân đi đôi giày “khủng bố". Mẹ cháu hỏi: "Con đi đâu đấy?" Cháu không trả lời. Tôi cảm thấy ái ngai quá.
Các cụ ta xưa có câu "Thương con cho roi cho vọt" ý nói là cần phải rèn luyện, dạy dỗ các cháu chứ không chỉ có nghĩa là đánh. Chị vợ anh bạn tôi chiều con một cách la lùng. Tôi là chỗ thân tình nên cũng được chứng kiến nhiều lần cái cảnh cháu vừa về tới nhà là chị đã ra cửa đón, rồi: "Con thích ăn gì?". "Cơm rang", thế là chị đổ cơm nóng vào chảo rang. Nào thịt, nào trứng, nào xúc xích, dăm bông, thành ra món cơm chiên thập cầm. Rồi bưng ra bàn, rồi ngồi xem con ăn. Con ăn xong là chị đon đả rửa bát, lấy nước cho con uống. Tóm lại, có bao nhiêu việc chị làm hết. Từ giặt quần áo đến quét nhà, lau nhà, nhất nhất là chị. Chị kiên quyết không cho con làm bất cứ việc gì. "Nó còn phải học", chị nói. Mười sáu tuổi mà đi học về vắng mẹ là anh chàng Hiệp nằm lăn ra giường ngủ, không biết tự lo cho mình một bữa ăn mặc dù trong tủ lạnh chả thiếu thứ gì. Mẹ về thấy con nằm khan thì xót xa, cuống quýt. Quần áo phơi ngoài ban công, mình cháu ở nhà, trời mưa nó cung không biết tự động rút vào. Anh chồng cáu quát con thì chị vợ bênh: "Nó mải học”. Tóm lại nó chỉ có một việc là làm sao học cho tốt.
Chị lo phong bì phong bao cho cô chủ nhiệm mỗi khi có ngày lễ, đến tận nhà thầy dạy thêm tặng quà, hỏi han tình hình học của con.Thấy khen cháu chăm học, thế là mừng rỡ ra mặt. Thằng Hiệp như là người ở đâu đâu, không thấy mình có trách nhiệm gì, chỉ thấy muốn gì mẹ lo ngay cho, từ bé đã thế. Bây giờ càng thế.
Anh bạn tôi luôn luôn có quan điểm ngược lại với vợ nhưng chẳng bao giờ quan tâm cụ thế, nói thì nói thế rồi thôi, để mặc vợ con muốn làm gì thì làm. Chính vì cái lối sống dễ dãi như vậy mà ba ngày sau đó tôi đã tháy cháu Hiệp tóc đỏ cưỡi xe Đờ rim của bố đi học. Còn ông bố thì... đi xe của vợ, đưa đón vợ ngày hai buổi.
Tối đến sau bữa cơm, chuyện vãn quanh bàn trà, hai anh chị lại "ông chằng bà chuộc" trước mặt con, sau đó có công chuyện gì là chị quyết, anh coi đó là chuyện bình thường...
(Theo Trung Trung Đỉnh/ Báo Xuân Pháp Luật TP.HCM)