- Bộ Xây dựng vừa ký ban hành Thông tư số 12/2011/TT-BXD về việc hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 74/2005/NĐ-CP của Chính phủ về phòng, chống rửa tiền đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.

 

Theo đó, Thông tư số 12 do Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam ký ngày 01/9/2011 về việc hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 74/2005/NĐ-CP của Chính phủ về phòng, chống rửa tiền đối với hoạt động kinh doanh bất động sản. Thông tư này hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản. Đối tượng áp dụng cho các cá nhân, tổ chức Việt Nam; cá nhân, tổ chức nước ngoài có tham gia vào các hoạt động kinh doanh bất động sản, bao gồm: Tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản và kinh doanh dịch vụ bất động sản; Tổ chức, cá nhân có liên quan đến kinh doanh bất động sản và kinh doanh dịch vụ bất động sản.

 

Bộ Xây dựng kiên quyết chống rửa tiền đối với hoạt động kinh doanh BĐS. - Ảnh: K.Trung
Theo đó, cán bộ hoặc bộ phận chịu trách nhiệm về phòng, chống rửa tiền phải thẩm tra thông tin về giao dịch đáng ngờ trên thị trường địa ốc như tên khách hàng và địa chỉ giao dịch không rõ ràng, hồ sơ giao dịch có dấu hiệu giả mạo.

 

Trường hợp khách hàng có liên quan đến hoạt động bất hợp pháp được đăng tải trên phương tiện truyền thông cũng cần phải lưu ý. Cùng một khách hàng nhưng được khai báo khác nhau trong các lần giao dịch và người mua, bán tỏ ra không quan tâm đến giá cả, phí giao dịch cũng là những trường hợp đáng ngờ.

 

Doanh số giao dịch trên tài khoản không phù hợp với tình trạng tài chính hoặc hoạt động kinh doanh có sự thay đổi đột biến trong doanh số giao dịch trên tài khoản của khách hàng; giá cả thỏa thuận giữa các bên không phù hợp với thị trường... cũng bị coi là có dấu hiệu rửa tiền.

 

Khi phát hiện các giao dịch đáng ngờ, đơn vị có trách nhiệm phải báo cáo cho cục phòng, chống rửa tiền thuộc cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước); Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) trong vòng 48 tiếng kể từ thời điểm phát hiện dấu hiệu vi phạm. Trường hợp phát hiện giao dịch có liên quan tới hoạt động tội phạm, đơn vị có trách nhiệm phải báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong vòng 24 tiếng. Các trường hợp chưa đến mức phải xử lý hình sự thì chỉ phạt hành chính.

 

Thông tư quy định rõ về các biện pháp chống rửa tiền, trách nhiệm của các Sở Xây dựng tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương trong việc tổ chức hướng dẫn, kiểm tra các tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản, kinh doanh dịch vụ bất động sản.

 

Sở Xây dựng có trách nhiệm lập báo cáo tổng hợp về hoạt động phòng, chống rửa tiền đã thực hiện trong năm tại địa phương (theo mẫu tại phụ lục 4 Thông tư) trước ngày 31 tháng12 hàng năm gửi Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản - Bộ Xây dựng để tổng hợp báo cáo Chính phủ.

 

Căn cứ vào quy định tại Nghị định số 74/2005/NĐ-CP, Thông tư này và các văn bản pháp luật có liên quan, các Tổ chức báo cáo phải xây dựng và ban hành quy chế nội bộ về phòng, chống rửa tiền nhằm phát hiện và hạn chế các tổ chức, cá nhân thông qua Tổ chức báo cáo để thực hiện các hành vi rửa tiền.

 

Kiên Trung