Vì mong muốn được giữ chức vụ gì đó trong lớp nên ngay từ khi mới vào lớp 1, bé Ly Na (Q.2, TP.HCM) xung phong làm lớp trưởng. Năm học sau, cô giáo chọn một bạn phù hợp hơn thì bé bảo mẹ “nói nhỏ” với cô để bé được làm lớp phó. Phải lo “chạy chức, chạy quyền” cho con là thế, nhưng mẹ bé Ly Na rất hãnh diện. Bởi theo mẹ bé, tập cho con làm quen với phong cách lãnh đạo ngay từ nhỏ, sau này ra đời không thua kém thiên hạ!

{keywords}
Ảnh minh họa

Làm cán bộ lớp là công việc đòi hỏi những phẩm chất tâm lý tổng hợp, không phải bé nào cũng có tố chất để làm. Đây là cơ hội để trẻ thể hiện trách nhiệm của mình đối với tập thể, giúp giáo viên chủ nhiệm giám sát, nhắc nhở các bạn tuân thủ nội quy của lớp, của trường để chung tay xây dựng nề nếp kỷ luật.

Qua việc làm “quan nhí”, trẻ hình thành được những kỹ năng sống cần thiết cho việc hòa nhập xã hội sau này. Nhiều trẻ trưởng thành hơn và có kỹ năng ứng xử giao tiếp, kỹ năng lắng nghe, kỹ năng phán đoán, ra quyết định... khi thực thi trách nhiệm của mình. Nhưng cũng có trẻ nhận ra sức mạnh của mình có thể ảnh hưởng đến người khác, nên sử dụng uy quyền để ra oai bắt nạt bạn bè, thậm chí bao che cả bạn vi phạm kỷ luật!

Chị Hồng có con học lớp 3 tâm sự rằng giáo viên chủ nhiệm vừa mời chị đến trường để nói chuyện về việc con gái chị - cô lớp trưởng vốn ngoan ngoãn, học giỏi đã trở thành “đại ca” trong lớp. Chị sốc khi biết con mình “lợi dụng chức vụ” để bắt các bạn quy phục và “cống nạp” vật chất... dù gia đình chị không để bé thiếu thốn.

Các bạn trong lớp răm rắp nghe theo, nếu không sẽ bị lớp trưởng ghi tên, bắt tham gia vào những buổi trực nhật để cô giáo phạt, hoặc thậm chí lôi kéo cả lớp tẩy chay kẻ chống đối! Chị không ngờ được bé con nhà chị đã “lợi dụng chức vụ” của mình, trở thành “gấu nhí” bắt nạt, dọa dẫm các bạn.

Có phụ huynh chỉ muốn con mình là học sinh bình thường vì sợ khi có chức tước trong lớp, trẻ phải chịu áp lực từ nhiều phía. Việc “bắt lỗi” các học sinh khác có thể là nguyên nhân khiến trẻ bị ghét, bị công kích; thầy cô lại trút trách nhiệm lên trẻ để chỉ trích, khi bạn bè vi phạm quy chế nhà trường hoặc học không nghiêm túc; bên cạnh áp lực học tập thì gánh nặng trách nhiệm của vị trí đầu tàu càng làm trẻ căng thẳng, mệt mỏi…

Cần giáo dục cho trẻ nhận thức đúng đắn về trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đối với tập thể lớp học để trẻ có thái độ và hành vi ứng xử phù hợp trong các quan hệ giao tiếp học đường. Giúp trẻ hiểu rằng muốn nắm giữ vị trí lãnh đạo phải rèn ý thức tự giác cao trong học tập; để được các bạn tin tưởng, nể phục, trẻ phải biết tạo uy tín bằng sự gương mẫu và tích cực của bản thân.

Qua đó, trẻ sẽ có được môi trường để tự rèn những phẩm chất đạo đức và năng lực học tập, năng lực điều hành lãnh đạo và làm việc nhóm... Nếu trẻ có năng lực và tố chất lãnh đạo, cha mẹ nên khích lệ và ủng hộ trẻ, bởi thông qua công việc thực tế, trẻ sẽ học được các phương thức xử lý và giải quyết vấn đề, trở nên năng động, tự tin và trưởng thành rất nhiều trong vai trò người thủ lĩnh.

(Theo Phụ Nữ TP.HCM)