Có thể hiểu, bảo đảm bình đẳng trong giáo dục ở vùng DTTS là bảo đảm quyền giáo dục và được giáo dục của các tộc người; tức là bảo đảm khả năng tiếp cận đến các cơ hội giáo dục và các điều kiện giáo dục tương đối hợp lý giữa các tộc người với nhau, phù hợp với khả năng hiện thực của các vùng DTTS trong một giai đoạn lịch sử nhất định.
Trước hết là bảo đảm bình đẳng về cơ hội đến trường, cơ hội được học tập, cụ thể ở đây là trẻ em ở vùng DTTS cũng có cơ hội và điều kiện đến trường như trẻ em các vùng khác, trẻ em DTTS cũng có cơ hội đến trường ngang bằng với cơ hội đến trường của trẻ em dân tộc Kinh, trẻ em gái cũng có cơ hội đến trường như trẻ em trai ở các vùng DTTS, số trẻ em các vùng DTTS cũng có điều kiện tiếp cận các dịch vụ giáo dục như trẻ em các vùng khác.
Điều này có thể nhìn thấy rất rõ tại Thái Nguyên- địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số.
Thực hiện Đề án nâng cấp và mở rộng quy mô các trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã đầu tư trên 200 tỷ đồng xây mới và mở rộng quy mô các trường phổ thông dân tộc nội trú trên địa bàn.
Từ nguồn đầu tư này, Thái Nguyên đã xây dựng mới và mở rộng quy mô trường phổ thông dân tộc nội trú Định Hóa; đầu tư xây dựng, hoàn thiện các hạng mục công trình theo quy mô hiện tại đã được phê duyệt của 3 trường phổ thông dân tộc nội trú cấp trung học cơ sở ở các huyện: Đại Từ, Đồng Hỷ, Phú Lương; mở rộng quy mô 5 trường phổ thông dân tộc nội trú hiện có...
Tới cuối năm ngoái, theo thông kê, toàn tỉnh Thái Nguyên có 44 điểm trường, 12 lớp ghép với hơn 100 học sinh học tại lớp ghép. Các điểm trường, lớp ghép đặt tại xóm, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã giúp trẻ em không phải vượt quãng đường xa đến trường, từ đó giảm số trẻ em bỏ học, nâng cao tỷ lệ phổ cập và chất lượng giáo dục.
Xóm Đồng Tâm, xã Động Đạt (Phú Lương) hình thành từ những năm 90, khi bà con dân tộc Mông được Nhà nước vận động về đây định cư. Thời điểm đó, hầu hết trẻ em trong xóm đều chưa được đến trường, trong khi xóm nằm cách Trường Tiểu học Dương Tự Minh hơn 7km, giao thông đi lại khó khăn, bà con không có điều kiện cho con đi học. Để giúp đỡ bà con trong xóm, bên cạnh hỗ trợ tiền mua lương thực, làm nhà, làm rẫy, Nhà nước đã có chính sách cử thầy, cô giáo về tận xóm dạy chữ.
Thần Sa là xã đặc biệt khó khăn của huyện Võ Nhai, với khoảng 2.800 nhân khẩu, trong đó 98% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số Dao, Mông, Tày. Xã có có 9 xóm, trong đó nhiều xóm nằm cách trường học trên, dưới 20 km như xóm Thượng Kim, Tân Kim, Hạ Sơn Tày, Hạ Sơn Dao..., học sinh đi lại vô cùng vất vả, nhất là vào mùa mưa, mùa đông.
Để thuận lợi cho con em vùng đồng bào dân tộc thiểu số, năm 2002, Trường PTDTBT THCS Thần Sa được thành lập trên cở sở tách ra từ Trường THCS Thần Sa. Từ đó đến nay, Nhà trường đã được các cấp, ngành của tỉnh, huyện quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy và học của giáo viên, học sinh. Đặc biệt, việc đưa vào sử sử dụng công trình nhà ở và bếp ăn nội trú từ năm học 2018-2019, đã đem lại niềm vui cho cô, trò và phụ huynh nơi đây.
Nhờ đó, trải qua 10 năm, giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên đã có sự cải thiện rõ rệt trong việc tăng tỷ lệ đi học chung và đi học đúng tuổi, trong đó, bậc trung học phổ thông có sự cải thiện rõ ràng.
Việc đầu tư xây dựng, mở rộng quy mô các trường phổ thông dân tộc nội trú đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần hoàn thiện, đồng bộ cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ giáo viên các trường phổ thông dân tộc nội trú toàn tỉnh đảm bảo đạt chuẩn quốc gia.
Đặc biệt, nhờ mở rộng cơ sở vật chất trường lớp của các trường phổ thông dân tộc nội trú đã giúp tăng tỷ lệ huy động học sinh là người dân tộc thiểu số được học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú thuộc tỉnh từ 5,65% (năm 2015) lên 8% (tương đương trên 2.400 học sinh) vào năm học 2020 - 2021, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, lưu ban, ổn định số lượng học sinh. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, thực hiện đa dạng hóa các loại hình trường học, đáp ứng yêu phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi...