Chủ đề “sống bám” có lẽ thu hút sự quan tâm của nhiều người, với nhiều ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, cần phân biệt rõ các khái niệm sau để thấy rõ bản chất của một hành vi con người:

“Sống bám” khác hoàn toàn với “cộng sinh”

Sống bám mang hàm ý xấu, còn cộng sinh mang hàm ý hai bên cùng có lợi. Đừng nhầm lẫn mà nói rằng các bà vợ “chỉ biết lo nội trợ” là sống bám, và tự đắc cho rằng mình sở hữu chân dài và ngoại hình đẹp, trẻ trung… thì hơn “người nội trợ” đó và có quyền khinh khi hay miệt thị người đó.

Thực ra, người vợ “chỉ biết nội trợ” không phải là người đang “sống bám”. Vì sự ổn định và vững chắc của một gia đình không phải chỉ có tiền, mà còn nhiều mặt khác nữa: con cái ngoan ngoãn, học hành đàng hoàng, gia đình êm ấm, nhà cửa gọn gàng, cơm nước ngon lành…

Ảnh minh họa.

Nội trợ không phải chỉ có nấu ăn, mà còn hàm ý tất cả những việc đó. Như vậy, người phụ nữ “chỉ biết nội trợ” phải là người “cộng sinh”, và tính ra bà ấy còn làm khối việc hơn cả “đại gia” đó chứ? Chỉ có điều bà ấy chịu “núp sau lưng chồng” đó thôi.

Không ít gia đình giàu có nhưng con cái hút chích, ăn chơi, không lo học hành. Vậy kiếm tiền để làm gì? Không ít phụ nữ cũng rất tài năng, nhưng họ quyết định “lui về hậu cung” một thời gian để chăm sóc con cái và gia đình. Điều đó cho thấy “hậu cung” có khá nhiều việc đấy chứ. Thử nghĩ nếu “hậu cung” không yên ổn thì có toàn tâm để làm ăn được không? Không bao giờ!

Nếu chỉ dựa vào sắc đẹp, sức trẻ để chiêu dụ người có tiền cho đến khi họ hết tiền rồi ruồng bỏ họ mà đi, thì đích thực đó là “sống bám”. Các “cô gái chân dài” bị xã hội lên án vì lối suy nghĩ và hành vi đó, chứ không ai lên án vì cô đó sở hữu ngoại hình đẹp, sở hữu chân dài cả. Nếu cô ấy sở hữu được những thứ đó, mà sống “cộng sinh” tốt, thì nhiều người sẽ thán phục vô cùng, họ sẽ trầm trồ khen rằng cô ấy “vừa đẹp lại vừa có tài” hay “vừa đẹp người, lại còn đẹp nết”.

“Đẹp người” cũng khác hoàn toàn “đẹp nết”

Đẹp người (sở hữu chân dài, da trắng, dáng cao, khuôn mặt đẹp) mà cũng đẹp nết (ăn nói nhã nhặn, biết cư xử, biết đối nhân xử thế, biết chia sẻ khó khăn, động viên người mình yêu để cùng tiến lên) thì không gì bằng.

Nhưng chỉ đẹp người thôi mà nết không giống ai (ăn nói cộc lốc, thiếu văn hóa, vô lễ, coi thường người khác, giành giựt chồng người khác mà cho là bình thường…) thì đàn ông cũng mau chán. Một phụ nữ đẹp nết, nhưng có nhan sắc trung bình, thậm chí trong mắt nhiều cô gái chân dài là “quê mùa, dốt nát” (và cho đó là lý do chính đáng để mình có quyền “giành lấy” người đàn ông đã có vợ) thì đàn ông đến với họ vẫn chân thành hơn.

Đẹp người là một lợi thế trong giao tiếp, kinh doanh, nghệ thuật… vì rất dễ tạo ấn tượng “ban đầu” cho người khác. Nhưng nó sẽ nhanh chóng mất đi lợi thế đó, nhiều khi còn bị… xuống điểm âm, nếu chất lượng xử lý công việc kém. Nhiều nghệ sĩ nổi danh bằng tài hoa chứ không phải sắc đẹp. Nhiều người “chỉ đẹp cái mã”, khi kinh doanh lại thất bại vì sự thanh lọc khắc nghiệt của thị trường. Nhiều người nhìn mặt rất đẹp, nhưng nói câu đầu tiên đã thấy vô duyên, không ai muốn tiếp xúc nữa.

Đẹp người và biết “kinh doanh” trên sắc đẹp của mình khác hoàn toàn với “lợi dụng” sắc đẹp đó để moi tiền và làm tán gia bại sản nhiều người khác. Sẽ chẳng có gì đáng nói, nếu sắc đẹp được tôn vinh và được ngưỡng mộ như thi hoa hậu, thời trang… và nhiều người sống nhờ nó một cách chính đáng. Còn dùng sắc đẹp để làm tán gia bại sản nhiều người, được một mớ tiền rồi bỏ mặc ông “đại gia” đó khi đã cạn tiền, kiệt sức, mất nhà, gia đình tan nát, con cái thất học. Như vậy là đáng cổ vũ sao? Sao lại có thể trơ trẽn đến vậy?

Khái niệm “chân dài” phải cặp với “đại gia” cần được mổ xẻ sâu hơn. Sẽ chẳng có gì xấu nếu “đại gia” đó rất giàu có mà còn “độc thân” theo đúng nghĩa đen của từ này. Hoặc đại gia đó vợ đã mất, hoặc đã ly dị vợ, sống trong cảnh “gà trống nuôi con” hoặc đang tìm người phụ nữ khác thay thế. Nhưng tiếc thay, số đó vô cùng hiếm hoi.

Người mà các cô “chân dài” ngắm nghía là các ông đã có vợ con, tướng tá “ngon lành”, lại giàu có để đủ đáp ứng mọi đòi hỏi vô hạn của cô ấy. Biết vậy nhưng cô ấy vẫn “yêu” người đàn ông “thành đạt” đó, lại quay ngược lại cho là mình “xứng đôi” với người đàn ông đó hơn vợ ông ta. Bi kịch là ở chỗ đó. Bởi vì “cô gái chân dài” không quan tâm đến “tiền ở đâu ông này có”. Nếu quan tâm và biết rõ, cô ấy chắc chắn không làm vậy.

Gia sản hiện tại ông “đại gia” này có là nhờ công của cả hai vợ chồng cực khổ gầy dựng nên từ thuở cơ hàn. Hoặc vị “đại gia” này chỉ tiếp quản một gia tài do bên vợ để lại. Hoặc vị “đại gia” này chỉ là một “thiếu gia” ăn chơi trác táng, có thể bị đuổi khỏi nhà bất cứ lúc nào vì không có tài cán gì, cũng không học hành gì. Những kiểu như vậy mới gọi là “yêu vì tiền” và bị xã hội lên án.

Vì một khi hết tiền thì “tình” cũng chấm dứt, khác nào là “gái điếm hạng sang”? Thà làm gái điếm còn đỡ hổ thẹn hơn, vì việc “ăn bánh trả tiền” có giá cả hẳn hoi, và chỉ giới hạn trong “số lần ăn bánh” mà thôi. Trong khi việc làm “gái bao” lại là chỗ hút tiền không đáy, hút cho đến khi khổ chủ “không còn giọt máu” mới thôi.

Quan niệm “Tây” có khác “Ta” nhiều không?

Trong diễn đàn này, có người nói rằng nhiều nghề chỉ kiếm tiền được ngắn hạn như cầu thủ bóng đá, vận động viên thể thao, và cả… sắc đẹp. Đúng là vậy, và chẳng cần phải bàn nếu việc kiếm tiền là chính đáng. Sẽ chẳng ai ủng hộ hay ca ngợi một cầu thủ bóng đá “cá độ”, đúng không? Chỉ cần một lần cá độ là bị tẩy chay ngay. Sắc đẹp cũng vậy, sẽ chẳng ai ca ngợi một người dùng sắc đẹp để làm tan nát một gia đình.

Có ý kiến còn cho rằng đàn ông “Tây” không nghĩ hẹp hòi ích kỷ như đàn ông Việt, và “nghĩ khác”. Tôi không nghĩ vậy. Sự ích kỷ trong tình cảm yêu đương đôi lứa và tình cảm vợ chồng là giống nhau hoàn toàn trên toàn thế giới, bất kể Âu, Mỹ, Phi, Á…, cho cả nam giới lẫn nữ giới. Đó là quy tắc bất di bất dịch “tình yêu chỉ có 2 người” và “không bao giờ có người thứ ba”.

Cái khác giữa “Tây” và “Ta” là ở chỗ: khi một trong hai đã nghĩ tới người thứ ba thì nên chia tay sớm, đừng níu kéo, cũng không tìm cách trả đũa hay bêu xấu người kia. Tức là họ “dễ chấp nhận” hơn. Nó cũng thể hiện là họ không coi trọng việc đã từng có quan hệ với ai trước đó chưa, mà chỉ quan trọng “hiện tại có thực lòng yêu họ không”.

Cũng như thế, họ rất rạch ròi việc “ăn bánh trả tiền” và việc “tìm một người để làm vợ”. Đừng nghĩ rằng “vì không sờ được vào chân dài, nên tức và chửi”, vậy có phần tiêu cực và miệt thị đàn ông quá đó. Nhiều khi có nhiều người có nhiều tiền cũng không thèm “sờ” kiểu người “sống bám” vì “dơ bẩn” và “hậu họa khó lường”. Nên biết giá trị của mình nằm ở đâu và đừng “bán rẻ” nó.

Phụ nữ hiện đại cần phải giao tiếp xã hội, cần phải đi làm giống nam giới, đó là một nhu cầu chính đáng. Nhưng cũng không nên có thái độ chê bai “nội trợ” để rồi có những cư xử không đúng. Đời sống công nghiệp đòi hỏi cả hai vợ chồng chia sẻ việc “kiếm tiền”, thì cũng phải chia sẻ việc “nội trợ”.

Cần xóa bỏ tư tưởng “việc nội trợ là của phụ nữ” và nếu có ai phụ làm việc nội trợ thì bị coi là “đàn bà”. Không có việc nào là “của đàn ông” hay “của đàn bà”, nhưng thực tế có những việc “chỉ có đàn ông làm được” hoặc “chỉ có đàn bà làm được”.

Đàn ông cần “gánh vác” nhiều hơn, trong khi đàn bà cần “chăm chút” nhiều hơn. Sự chăm chút của người phụ nữ trong gia đình làm cho đàn ông thấy cảm động, ấm lòng hơn, và nỗ lực nhiều hơn để gánh vác. Nhưng nếu phụ nữ phải giữ vai trò gánh vác thì đàn ông nên phải biết “chịu lép” mà lo chăm chút nhiều hơn.

BS. Nguyễn Quang Bình Tuy