Năm nay cháu 23 tuổi, mới cưới vợ được 2 tháng. Vợ cháu 20 tuổi, làm nghề buôn bán tạp hóa. Từ hôm cưới tới nay, trừ chuyện vợ chồng gần gũi ra thì tất cả đều vui vẻ.

Bà xã nói chưa muốn có con nên trong thời gian nguy hiểm, tức là những ngày rụng trứng thì không cho cháu xuất bên trong mà bắt phải ra ngoài. Thế nhưng khi xuất ra ngoài thì cô ấy lại không thỏa mãn và không vui cả ngày. Ngược lại nhiều khi cháu không kềm được, không lấy ra kịp, nó vào hết bên trong thì bà xã rất phấn chấn, song lại càm ràm “Đã bảo thôi, ai kêu cứ rấn tới?”, sau đó đi uống viên thuốc "sáng sớm hôm sau".

Xin hỏi là nếu uống viên tránh thai khẩn cấp thường xuyên (khoảng 10 viên/tháng) thì có hại gì không? Cũng xin nói rõ là vợ cháu dị ứng với thuốc ngừa thai, uống vào thì mặt nổi mụn nên cô ấy sợ xấu, không uống. Có cách gì để cháu "nín" được, không xuất tinh khi chưa muốn hay không?

Lê Minh (quận Thủ Đức, TP HCM)

Bạn trẻ thân mến,

Có thể tóm tắt vấn đề của hai vợ chồng bạn là: muốn sung sướng nhưng không có thai, muốn ngừa thai nhưng không có biện pháp tối ưu, muốn “ém” lại nhưng không chủ động. Nói chung là muốn nhiều thứ nhưng khả năng đáp ứng thì có giới hạn chế. Do vậy, điều cần làm bây giờ là tìm giải pháp để hạn chế tối đa “tác dụng không mong muốn” của các cuộc họp giao ban giữa hai vợ chồng.

Trước tiên, xin cảnh báo là phương pháp ngừa thai theo ngày rụng trứng xác suất bị “tổ trác” là khá cao. Trong lúc các bạn cứ đinh ninh chưa đến ngày trứng rụng, cứ thả cửa họp hành thì “chị trứng” nhà ta đùng đùng rớt xuống do bị kích thích dẫn đến chín đột ngột! Nếu đúng thời khắc này mà có anh lăng quăng nào đó thơ thẩn dạo chơi và tình cờ gặp gỡ thì chuyện gì xảy ra các bạn biết rồi. Một trong những nguyên nhân có thai ngoài ý muốn là đây.

{keywords}
Ảnh minh họa.

Trong chuyện của hai vợ chồng bạn, còn có sự “tréo ngoe cẳng ngỗng” khác là nếu để thằng nhỏ xuất tinh ra ngoài thì bà xã không thỏa mãn, sau đó... buồn cả ngày; còn nếu như xuất ở bên trong thì bà xã sẽ lên tới đỉnh vu sơn, nhưng rồi sau đó lại... lo lắng và càm ràm rằng “đã bảo thôi, ai kêu cứ rấn tới?”.

Nói chung là dù ở trong hay ở ngoài thì bà xã của bạn cũng có trạng thái... tiêu cực. Vậy phải làm sao bây giờ? Tất nhiên là phải nghĩ cách nào ngừa thai tốt nhất. Bạn nói rằng để bảo đảm an toàn, bà xã của mình mỗi tháng phải uống trung bình 10 viên thuốc ngừa thai khẩn cấp. Con số này thật đáng lo ngại.

Không thể nói 10 viên là ít hay nhiều nhưng xin nói để các bạn tham khảo: thuốc tránh thai khẩn cấp là loại thuốc dùng với mục đích ngăn cản khả năng làm tổ của trứng, ngăn cản quá trình kết hợp của tinh trùng với trứng, làm cho quá trình thụ thai bị gián đoạn. Việc dùng thuốc tránh thai khẩn cấp trước mắt có thể ngăn chặn tình trạng có thai nhưng về lâu dài, nó có thể gây nguy cơ rong kinh, đau ngực, rối loạn kinh nguyệt, cơ thể bị suy yếu và nguy nhiểm hơn là có thể gây vô sinh.

Như vậy, vợ chồng bạn nên cân nhắc phương pháp tránh thai này, nhất là khi hai vợ chồng còn rất trẻ, việc chiến đấu mải mê đến mất điều khiển là thường xuyên. Hiện nay khoa học tiến bộ, có nhiều biện pháp tránh thai như dùng bao cao su, đặt vòng, uống thuốc tránh thai... Các bạn nên nghiên cứu, lựa chọn phương pháp tránh thai cho phù hợp.

Nếu bà xã của bạn bị dị ứng thuốc ngừa thai thì có thể chọn cách khác. Bao cao su chẳng hạn. Hiện nay, bao cao su là lựa chọn của nhiều cặp đôi đang yêu nhau hoặc đã cưới vì nó không chỉ ngừa thai mà còn ngăn ngừa các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục. Các nhà sản xuất cũng rất chú ý đến tính tiện dụng của công cụ này nên các bạn không nên quá lo lắng là bao cao su sẽ làm mất cảm giác. Những dẫu có như vậy thì thà mất cảm giác một chút mà an toàn còn hơn là phải... sống trong sợ hãi hoặc phập phồng lo lắng những tác hại về sau...

Bạn hỏi có cách gì để “nín” lại, không xuất tinh khi chưa muốn hay không thì đây lại là vấn đề kỹ năng. Tức là phải tập luyện thì mới có thể đạt được. Chuyện này chúng ta sẽ bàn sau vậy. Còn trước mắt, nên thử cách “phòng thủ” mới với bao cao su xem kết quả thế nào! Lưu ý là phải “đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng” để không bị hư bột, hư đường.

(Theo NLĐO)