“Canh tác” trên thị trường Mỹ
Global CyberSoft (Việt Nam) là một trong những công ty đã giành được nhiều hợp đồng gia công phần mềm từ thị trường Bắc Mỹ trong năm 2014. Năm 2013, công ty này cũng đã đạt con số 11,6 triệu USD doanh thu, trong đó 44% đến từ thị trường Mỹ.
Còn với FPT Software, con số doanh thu từ thị trường Mỹ trong năm 2014 dự kiến sẽ tăng trưởng 48% so với năm 2013. Đồng thời, phần lớn các khách hàng tại thị trường này đều hứa hẹn tăng trưởng vượt bậc công việc trong năm 2015 và dự kiến doanh thu sẽ tăng trưởng khoảng 50%. Mới đây, FPT Software đã được một khách hàng lớn trong lĩnh vực truyền hình vệ tinh của Mỹ yêu cầu tăng quy mô nhân lực cho việc thực hiện dự án lên 600 người, nghĩa là quy mô nhân lực tăng 46 trong vòng 3 năm. Mỹ cũng là thị trường có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong số 17 thị trường FPT đang hiện diện, với doanh thu ghi nhận năm 2013 tăng trưởng 62% so với năm 2012. Nhưng không dừng lại ở đó, FPT đang hy vọng sẽ nâng quy mô thị trường Mỹ tương đương với Nhật Bản trong vòng 3 - 5 năm tới.
Ngoài hai công ty trên, hàng loạt các công ty xuất khẩu phần mềm lớn khác như TMA Solutions, LogiGear và KMS Technology cũng đã gặt hái được những thành quả nhất định sau nhiều năm “canh tác” tại thị trường này.
Bén duyên thị trường Mỹ từ năm 2010, trong vòng 5 năm qua, KMS Technology liên tục nhận được hợp đồng từ các công ty Mỹ, khiến nhân sự của Công ty tăng trưởng nhanh chóng. Trong năm đầu thành lập, KMS chỉ có 60 người nhưng sau 5 năm, KMS đã có hơn 500 kỹ sư lập trình.
Đây có lẽ chính là lý do vì sao Global CyberSoft, FPT Software ngày càng đặt kỳ vọng vào thị trường CNTT Mỹ, thị trường mà theo dự báo của Công ty Market Research Media (Mỹ), đến khoảng năm 2018, sẽ đạt quy mô 518 tỷ USD và có tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 3%.
Chinh phục người khổng lồ?
Những kết quả kinh doanh của doanh nghiệp CNTT Việt Nam tại thị trường Mỹ thật ấn tượng. Nhưng con số 518 tỷ USD quy mô thị trường CNTT Mỹ vào năm 2018 càng ấn tượng hơn. Trong đó, các lĩnh vực tiềm năng như trí tuệ doanh nghiệp (business intelligence); điện toán đám mây (cloud computing); lưới điện thông minh (smart grid)… được dự báo sẽ đạt tốc độ tăng trưởng hai con số.
“Cơ hội giành hợp đồng gia công phần mềm từ thị trường Mỹ là rất lớn, bởi các doanh nghiệp CNTT luôn có nhu cầu thuê ngoài nhằm cắt giảm bớt chi phí hoạt động,” Giám đốc Điều hành một công ty gia công phần mềm chia sẻ.
Nhưng canh tác là một chuyện, khát vọng chinh phục “người khổng lồ” Mỹ lại là một chuyện khác, cho dù, khoảng hơn 200 công ty trong Fortune American 1000 cho biết rất quan tâm và đã chọn lựa nhiều công ty CNTT của Việt Nam làm đối tác.
Thách thức lớn nhất hiện nay, đó là thương hiệu của doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm Việt Nam còn mờ nhạt đối với doanh nghiệp Mỹ.
“Nói về phần mềm thì người ta vẫn nhắc đến Ấn Độ, Trung Quốc. Thực sự thì quy mô cũng như năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam chưa cao so với các đối thủ này”, vị Giám đốc trên thừa nhận. Mặc dù vậy, vị Giám đốc này cũng cho biết, những công ty tầm trung có doanh số vài chục tỷ USD một năm sẽ là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam, bởi các công ty này cũng đang muốn tìm nguồn outsourcing khác để cắt giảm chi phí so với khi làm với các công ty Ấn Độ.
Còn theo ông Bùi Hoàng Tùng, Giám đốc FPT USA (công ty 100% vốn của FPT Software tại Mỹ), “các công ty Mỹ và người Mỹ rất thực dụng, kết quả là trên hết, do đó, cần phải luôn đáp ứng yêu cầu của khách hàng một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất. Nguồn nhân lực phải được đào tạo chuyên sâu, có kỹ năng tốt về giao tiếp, tiếng Anh, văn hóa làm việc với người Mỹ, và quan trọng nhất là phải đảm bảo được tiến độ trong khuôn khổ ngân sách dự án kết hợp với việc duy trì tỷ lệ doanh thu thấp”.