Tình trạng game lậu, game phát hành chui hoành hành tại Thị trường game Việt bằng đủ mọi thủ đoạn, đã trở thành vấn nạn gây ảnh hưởng không nhỏ đến bộ mặt chung của làng game. Về cơ bản, khái niệm game lậu phát hành chui được sử dụng để đề cập đến những sản phẩm chưa được kiểm duyệt nội dung, không có giấy phép phát hành G1.
Mới đây nhất, làng game Việt ghi nhận một sự việc khá khôi hài và có phần bi đát, khi một tựa game phát hành chui như thế đã leo top trên bảng xếp hạng các website tiếng Việt có lượng truy cập nhiều nhất, theo thống kê của SimilarWeb (Công Cụ đánh giá thứ hạng website - một sản phẩm của Google). Đương nhiên, để có được thứ hạng như vậy, website này đã tận dụng tối đa các phương thức quảng cáo để tiếp cận người chơi từ nhiều nguồn. Cụ thể, danh tính webgame mà Ign.vn đề cập ở đây chính là Nữ Thần Kiếm.
Sau quá trình tìm hiểu, được biết Nữ Thần Kiếm thuộc sở hữu của Westlake technology có trụ sở tại tầng 3-5, Tháp Reddot Traffic, số 28 Maxwell, Singapore. Bên cạnh Nữ Thần Kiếm, Westlake đang nắm trong tay nhiều tựa game đang phát hành chui tại Việt Nam với phương thức tương tự như Phong Lưu Tam Quốc, Manga Loạn Đấu...
Đơn vị này còn được biết đến dưới thương hiệu Carol Games với các tựa game và ứng dụng trên mobile như: Pocket Three Kingdoms, Pocket Summoners, Dạ Dạ Tam Quốc, Joyspade Texas Holdem và hàng chục sản phẩm khác với nhiều công ty trá hình tại các thị trường như Thái Lan, Indonesia, Đài Loan...
Mặc dù vậy, danh tính nhà phát hành không hề được công bố tại trang chủ của những tựa game đang vận hành trái phép này theo quy định hiện hành và quá khó để các cơ quan chức năng có thể quản lý, theo dõi.
Điều đáng nói ở đây là những sản phẩm của Westlake technology đang phát hành trái phép tại thị trường Việt Nam, vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng dịch vụ viễn thông theo Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ban hành ngày 15/07/2013 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng cũng như Thông tư số 24/2014/TT-BTTTT có hiệu lực từ 12/02/2015. Thế nhưng, tựa game của hãng này vẫn nhận được sự hỗ trợ của hàng loạt doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thanh toán trong nước.
Hiện tại, người chơi có thể nạp tiền vào game bằng các hình thức như thẻ cào, SMS hay chuyển khoản qua hệ thống thanh toán quốc tế. Đáng chú ý, Ngân Lượng cũng đóng vai trò không nhỏ trong việc cổ xúy cho các webgame lậu này hoành hành bằng cách hỗ trợ nạp tiền qua hệ thống Ví Ngân Lượng hay Ngân hàng. Ngoài ra, kênh thanh toán qua đầu số 9029 cũng có mối liên kết không nhỏ, cho phép người chơi sử dụng dịch vụ di động của các nhà mạng trực tiếp nhắn tin nạp tiền.
Trở lại với nội dung chính, trong khi các nhà phát hành game Việt đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn về pháp lý và thủ đoạn cạnh tranh không lành mạnh của đối thủ, thì những tựa game phát hành chui như đã nói ở trên lại đang lộng hành một cách trắng trợn, bằng nhiều thủ đoạn tinh vi nhằm bưng bít thông tin để qua mặt các cơ quan chức năng, móc túi người chơi.
Thiết nghĩ, với xu thế hội nhập và mở cửa như hiện nay, việc các doanh nghiệp nội địa phải sẵn sàng đối mặt với cuộc chiến cạnh tranh giành thị phần là điều tất yếu. Thế nhưng, vẫn hi vọng các cơ quan quản lý sẽ có những hình thức hậu thuẫn hợp lý, để đảm bảo quyền lợi chính đáng của các nhà phát hành trong nước, cũng như áp dụng các chế tài cần thiết để xử lý triệt để tình trạng game không phép đang hoành hành ở thị trường game Việt hiện nay.