Đứa con sinh trong cuộc tình lỡ dở của người mẹ và mối tình đầu. Mối tình không thành, bao nhiêu hận thù, đau khổ, người mẹ trẻ đổ lên người cậu con trai vừa chào đời.
Đứa trẻ phải mang theo mình "cái dớp" về sự oán hận, cay nghiệt ngay bằng cái tên được mẹ đặt là Lê Thù Hận. Cái tên trở thành rào cản, bức tường ngăn con với cuộc đời, với mọi người và với cả chính cha của mình.
Nhiều người khuyên chị đổi tên cho con đi, chị bảo: "Để vậy cho đáng đời dòng họ nhà nó!".
Thời gian đầu, người mẹ thả con cho ông bà ngoại nuôi. Người ta cũng nhiều lần tìm cách liên lạc, gặp con nhưng luôn bị chị làm khó dễ. "Đứa con mang giọt máu của anh, anh cứ xem như nó không tồn tại đi", chị rủa ráy con để tỏ thái độ, dày vò cha đứa bé.
Khi con 5 tuổi, ông bà ngoại già yếu, chị đón con về. Bắt đầu những tháng ngày đau khổ của đứa trẻ. Mỗi lần, uất ức về chuyện cũ, nghĩ đến cha đứa bé là chị gào thét vào mặt con: "Mày cũng khốn nạn như thằng cha mày!".
Cũng nhiều lần chị dằn vặt trách mình nhưng chị quen mồm không ngưng được. Tức giận với con hay bất cứ ai, hay gặp điều không hay nào là chị lại lôi dòng máu trong người con ra xỉ vả, chửi rủa.
Nhất là khi trải qua vài mối tình nhưng không đi đến đâu, chị càng xem con như "cục nợ đời". Không thể nhớ bao nhiêu lần, chị nói với con: Ước gì tao không đẻ ra mày, ước gì ba mày nuôi mày đi, đời tao ra nông nỗi này là do cha con nhà mày...
Những điểm không hài lòng về con, chị đều gắn do... giống cha mày mà ra. Chị luôn nói về cha của con với đủ lời xấu xỉ, bỉ ổi nhất qua con mắt, đánh giá, oán hận trong lòng mình.
Cậu con trai đi học, nhiều người ái ngại với cái tên trên giấy tờ của con. Có người lôi ra châm chọc, có giáo viên tế nhị, gọi lái tên em sang thành... Thu Hân.
Mãi khi em học lớp 7, cô giáo phải thuyết phục người mẹ một thời gian dài để đổi tên cho con. Cầm tờ khai sinh mới đưa cho con, chị vẫn không tha cho thằng bé: "Tên thì đổi, nhưng thằng cha mày thì suốt đời này, kiếp này là đồ khốn nạn".
Cứ tưởng đổi tên đổi được vận nhưng hôm đó, cũng là ngày thằng bé nhảy xuống con kênh gần nhà tự vẫn. Người đi đường kịp vớt nó lên.
Chị chạy ra đón con, đưa về nhà. Nhưng chỉ vào hôm sau thôi, chị đã lặp lại: Sao mày không chết đi cho rồi! Mày sống rồi cũng chẳng hơn gì thằng cha mày!
Không ít đứa trẻ như cậu, sinh ra và lớn lên trong sự cay nghiệt, hận thù của chính đấng sinh thành. Nhiều đứa trẻ không bị đặt tên là "Thù Hận" nhưng thái độ oán hận của cha, mẹ với đối phương có thể trút lên con thể hiện từng ánh mắt, lời nói, thái độ...
Không ít đứa con với chi chít vết thương khắp người, sâu tận trong tâm hồn được khắc lên bởi chính cha mẹ. Các em dằn vặt, căm ghét, hận thù dòng máu chảy trong con người mình.
Chua chát thay, nhiều đứa trẻ mới lớn tâm sự, ước mong lớn nhất của các em là không được sinh ra trên cuộc đời này!
Nhiều đứa trẻ mất niềm tin, chán ghét bản thân, bị trầm cảm hay tìm đến cái chết xuất phát từ "thái độ thù địch" của những người sinh ra mình.
Theo một chuyên gia tâm lý, nỗi đau lớn nhất, sâu trong chúng ta lại thường không đến từ kẻ thù. Mang nỗi hận thù với đối phương, nhiều ông bố bà mẹ trút hết lên đầu con, đứa trẻ lại được "nuôi dưỡng" lòng oán hận. Mà ở đây, có khi các con "hận" chính bản thân mình.
Nhiều người lớn trải qua cuộc đời sóng gió, không suôn sẻ nên rất cay nghiệt với con cái. Có người không kiềm chế được cảm xúc, cách hành xử với con dù biết rằng điều đó là không đúng, không nên.
Họ không tự chữa lành được vết thương cho mình và tiếp tục làm cho vết thương loang lổ sang đời con. Thật khó nhưng có khi, nhiều đứa trẻ cũng phải vật vã học cách tha thứ để mà lớn lên.
23 tuổi không biết tự nấu ăn, chàng trai trẻ chết đói tại nhà
Đây là câu chuyện khó tin nhưng có thật. Sau khi sự việc được truyền thông biết đến, chàng trai có tên Yang Suo đã được mệnh danh là: Kẻ lười biếng số 1 Trung Quốc.
Theo Dân Trí