Bỏ nghề cá, nhiều ngư dân Quảng Ngãi đổ xô đi lặn bắt những con sò vài trăm năm tuổi nằm sâu dưới đáy đại dương để bán cho thương lái với giá cao ngất.
Sau Tết, nhiều ngư dân ở tỉnh Quảng Ngãi ồ ạt đổ về các vùng biển nguyên thủy để săn sò tượng. Đây là loài thủy sản được mệnh danh “khủng long” dưới đáy biển… Mỗi con sò tượng được thương lái thu mua với giá 10-15 triệu đồng. Ngư dân cứ bán mà không cần biết thương lái mua để làm gì.
Bắt sò một chuyến bằng đánh cá cả năm
Sáng 25-2, mặt trời vừa nhô lên khỏi mặt biển, cảng cá Sa Kỳ (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) rộn ràng hẳn lên bởi những con tàu cập bến. “Sò về, sò về!” - tiếng gọi í ới, hối hả; tiếng chân chạy rầm rập đã kéo chúng tôi chen vào đám đông đang vây lấy con tàu QNg 963... TS của ngư dân T.V.Đ khi vừa neo vào bến.
Khi anh Đ. kéo tấm bạt phủ trên boong con tàu ra, những đôi mắt bỗng trợn tròn, miệng há hốc và đồng thời phát ra tiếng “ồ” đầy xúc cảm. Trên boong tàu là hàng chục con sò có đường kính từ 0,5-1 m, nặng khoảng 50-70 kg, vỏ sần sùi, đầy rêu. Ông Thanh, một ngư dân địa phương, nói khẽ với tôi: “Sò tượng đó, mỗi con có giá ít nhất cũng 10 triệu đồng”.
Sò tượng chất đầy trên khoang tàu của ngư dân xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi |
Nhìn con sò há hốc, bên trong trống trơn, tôi hỏi: “Sao con sò rỗng ruột, không phải người ta bắt sò để lấy thịt sao?”. Ông Thanh phì cười, lý giải: “Chú mày không biết gì hết. Người ta bắt sò tượng đâu phải để ăn mà để lấy vỏ. Thường nhiều con sò đã chết từ lâu, dính chặt vào các rạn san hô dưới biển, ngư dân phải dùng xà beng cạy ra. Nếu không có vỏ sò chết, ngư dân bắt sò sống rồi móc ruột, chở vỏ về”.
Cũng theo ông Thanh, loài sò này có tuổi đời khoảng vài trăm năm. Sò già thì vỏ sần sùi, nổi vôi meo mốc như những tảng đá; sò non thì vỏ trong và xanh hơn. Loài sò tượng chủ yếu sinh sống ở đáy những vùng biển nguyên thủy chưa ai lặn tới. Chỉ có những người thợ lành nghề, kinh nghiệm lâu năm mới săn bắt được loài này. Nó giống như con hổ, con sư tử sinh sống trong rừng già. Ngư dân gọi sò tượng này là “khủng long” ở đại dương.
Ông T.V.Đ cho biết chuyến tàu lần này ông bắt được gần 400 con sò tượng, chủ yếu là sò già. Rồi ông nhẩm tính: “Hiện nay, sò lớn 15 triệu đồng/con, nhỏ khoảng 10 triệu đồng. Nếu trừ hết chi phí, chuyến này lãi hơn 2 tỉ đồng. Tôi là chủ tàu, được hơn 1 tỉ đồng, mỗi thuyền viên đi cùng được vài trăm triệu đồng. Đi bắt sò một chuyến bằng đi đánh cá cả năm”. Những con số như mơ ông Đ. tiết lộ làm không chỉ tôi mà nhiều người xung quanh phải thèm nhỏ dãi .
Bán cho thương lái Trung Quốc?
Chuyện ngư dân xã Bình Châu trúng sò tượng râm ran vài tháng nay, ngày càng lan tỏa nhanh, đi đâu cũng nghe bàn tán. Các ông T.D, N.V.H, T.N… sau khi đi biển về và trúng đậm sò tượng, mỗi người còn được các thương lái cho thêm vài trăm triệu đồng vì sò tượng được giá quá cao. Lợi nhuận “khủng” đã kéo hơn 50 tàu cá của ngư dân địa phương bỏ việc đánh bắt để chuyển qua lặn bắt sò. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi “sò này được khai thác ở đâu” thì nhiều người tỏ ra dè dặt. “Chủ yếu ở ven các đảo xa. Chúng sống dưới lớp bùn hay những vùng biển nguyên thủy chưa có ai đặt chân tới được” - ông T.Đ nói. Một ngư dân khác tiết lộ: “Ổng nói không đúng đâu. Sò tượng làm gì sống gần đảo. Nếu vậy, ai cũng khai thác được, ai cũng tìm thấy”.
Cũng theo nhiều ngư dân ở xã Bình Châu, vỏ sò tượng chỉ mới sốt gần đây. “Hồi trước, mỗi chuyến biển nếu bắt được sò tượng, anh em chúng tôi xẻo thịt ăn tại chỗ rồi vứt vỏ xuống biển. Vậy mà bây giờ lại có giá cao ngất” - ông Thanh cho biết.
Theo ghi nhận của chúng tôi, không ai biết việc các thương lái thu mua vỏ sò tượng để làm gì. Nhiều người đoán là họ thu mua rồi bán lại cho dân buôn Trung Quốc làm đồ mỹ nghệ, trang sức hoặc làm phấn trang điểm, có tác dụng làm trắng da… “Chuyến đầu tiên, khi đưa sò đến bán, thấy họ mua giá quá cao, chúng tôi hỏi mua làm gì nhưng họ không nói. Mình đi biển, thấy thương lái mua được giá nên đổ đi khai thác chứ quan tâm mấy chuyện kia làm gì” - ông Đ. cho biết.
Cũng theo ông Đ., đây là chuyến đi biển thứ hai của các ngư dân khai thác sò tượng. Chuyến đầu tiên, nhiều người cũng trúng đậm, có tàu lãi hơn 2 tỉ đồng. “Mỗi chuyến đi bắt sò kéo dài khoảng hơn một tháng. Trung bình một năm, nếu làm đều đều, sẽ được 6 chuyến. Nay thì lạc quan như vậy chứ không biết mai mốt thương lái có tiếp tục thu mua nữa hay không” - ông Đ. băn khoăn.
(Theo NLĐ)