Hơn 80 năm trước, học giả Nguyễn Văn Vĩnh đã có bài viết bàn về việc mà cho đến nay vẫn đang gây tranh cãi - đó là ủng hộ hay phản đối Tết âm lịch. 

Bài viết có nhan đề Pour et contre le Têt, đăng trên tờ L’Annam Nouveau - Nước Nam Mới, số 315 tháng Một 1934.

VietNamNet giới thiệu bài viết này qua bản dịch của nhà giáo Phạm Toàn.

{keywords}
Ảnh ST

Lời người dịch:

Nguyên văn tên bài viết của cụ Nguyễn Văn Vĩnh là Tán thành và Chống lại Tết (Pour et Contre le Têt). Nhưng e rằng bạn đọc Việt Nam sờ sợ thuật ngữ Chống lại, nên bản dịch này chỉ nói hai “lá phiếu” thôi!

Vả chăng vào ngày Tết, ngay cả phe chống lại Tết cũng vẫn sà vào mâm cỗ Tết hoặc đi chơi Tết để hòa đồng với gia đình, vớihọ hàng, làng xóm. Ngày Tết ấy mà!

POUR ET CONTRE LE TÊT

(Ủng hộ hay chống lại cái Tết)

L’Annam Nouveau - Nước Nam Mới, số 315 tháng Một 1934.

Tết sắp đến, ngày hội lớn đầu năm của người nước Nam ta sắp đến, cũng nên điểm qua những ý tưởng khác nhau của Bên A và Bên B về cách thức đồng bào ta tổ chức ngày lễ long trọng này.

Chuyện niên lịch cũng có tầm quan trọng, dù cho người châu Âu vẫn chọn ngày Đông chí làm ngày mở đầu năm mới, trong khi bên nước ta, lấy quãng thời gian bắt đầu mùa xuân cho năm mới, thì đó cũng chỉ thuần túy là chuyện quy ước.

Các nhà thơ hoặc các nhà bác học đều đồng ý với nhau coi mùa xuân mở đầu một năm và lấy mùa đông để chấm dứt một năm.

Sinh xuân, trưởng Hạ, Thu sái, Đông tàn. (Tiếng Việt trong nguyên văn – Người dịch (ND)).

Cây cỏ sinh ra vào mùa xuân, lớn lên và phát triển nhờ ảnh hưởng của cái nóng mùa Hạ, ra quả vào mùa Thu, và rụng lá vào mùa Đông… Để lặp lại một cuộc đời mới sẽ bắt đầu lại vào mùa Xuân.

Một năm bắt đầu vào mùa xuân như vậy là hài hòa với sự sống của muôn loài và thật là hợp lý nếu chúng ta ăn mừng sự bắt đầu này, hoặc chính xác hơn là ăn mừng sự bắt đầu lại này, bằng cách vui hưởng những cảnh đẹp của sự tái sinh: sự nở rộ của cây cỏ và sự nảy mầm dưới bầu trời đã dịu đi và trong thời gian thích hợp với những thú vui và những cuộc du ngoạn thú vị trong thiên nhiên cũng đang nở rộ. Đó là điều khiến các dân tộc Á Đông chúng ta tin tưởng, rằng có các thần linh về dự các cuộc lễ hội mùa Xuân, và có cả một lô huyền thoại dường như tượng trưng cho những khái niệm thiên văn học có liên hệ với thiên văn học Ả Rập, mà cho đến nay chúng ta vẫn chưa xác định được chính xác đến đâu.

Dẫu sao vẫn có lá phiếu phản đối lại niên lịch theo mặt trăng bắt đầu cho một Tuần Trăng Mới, mà tuần Trăng này không thể trùng hợp đều đặn với bất kỳ điểm chuẩn nào trên đường đi của các hành tinh.

{keywords}
Ảnh: ST

Liên quan đến điểm chuẩn mở đầu mùa Xuân, khoảng cách có thể thay đổi từ 0 đến 15 ngày. Xét theo quan điểm mùa như vậy, khó có thể tin cậy vào tính chính xác theo năm âm lịch. Và căn cứ theo khoảng cách tối đa 15 ngày khi bắt đầu mùa Xuân được lấy là điểm chuẩn cố định, thì mọi điểm chuẩn khác cho các mùa trong năm trở nên khó tin, bởi vì các mùa theo mặt Trăng và các tháng phải đuổi nhau, xen kẽ nhau. Chi tiết có vẻ vô nghĩa này lại rất quan trọng xét trên phương diện mùa màng. Và người nông dân lành nghề buộc phải luôn luôn tra cứu lịch để biết được vào thời điểm Âm lịch nào có các lễ hội theo mùa, như ngày bắt đầu các mùa, các ngày chí (Đông chí, Hạ chí – ND thêm) và ngày lập (lập Xuân, lập Hạ – ND thêm), trong khi với niên lịch Gregorius thì tất cả những điểm chuẩn đó rơi vào những thời điểm cố định, có sai lệch cũng chỉ một hai ngày.

Những sự trùng hợp rất thay đổi của các niên lịch theo mặt Trăng với những điểm chuẩn theo mùa, tạo ra một loạt những tín điều và những khái niệm thiên văn học được ghi lại trong những sách vở khổng lồ nếu có ai muốn xem xét và tranh luận về chúng xin cứ việc.

Vậy là, người ta nói năm Âm lịch là không có mùa Xuân khi mùa Xuân bắt đầu vào tháng cuối cùng của năm trước. Một năm Âm lịch bình thường tức là một năm không có tháng nhuận chỉ có 354 hoặc 355 ngày, nên mùa Xuân sau, bắt đầu như một định mệnh vào cuối năm, cũng là lúc bắt đầu năm mới.

Khởi đầu của mùa Xuân không phải là toàn bộ mùa Xuân. Nhưng cái tật thích biểu trưng của đồng bào ta khiến họ có những ý tưởng lạ lùng về phương diện này, và đối với họ một năm mà không bắt đầu bằng mùa Xuân thì cả năm không có giá trị gì xét về phương diện mùa màng. Đó là trường hợp của năm Giáp Tuất bắt đầu bằng một ngày Nhật Thực hôm 14/2 và bắt đầu từ giờ đầu tiên của ngày đó.

Mong sao cho các điềm báo đều nhầm! Và đó là lý do duy nhất để tin rằng người Âu châu đã có lý trong cách tính năm tháng của họ, mà người Tàu và người Nhật đã khôn ngoan theo, họ cũng theo lịch Gregorius, trong khi chờ đợi có một cuốn lịch phổ quát với nhiều dự án khác nhau đã được trình lên Hội Quốc Liên.

Nhưng phong tục thì rất dai dẳng. Nếu người Tàu và người Nam tự nguyện lấy ngày 1 tháng Giêng của Châu Âu như là ngày đầu năm, chí ít là để phù hợp với những thanh toán thương mại của họ với nước ngoài, thế nhưng họ vẫn cứ thích ngày đầu năm kiểu Tàu và kiểu nước Nam, những ngày đó thường là 3 ngày, trước đó còn là những ngày lễ mở màn, tiếp sau 3 ngày đó còn là những ngày lễ kết thúc, lễ nào cũng ít nhiều long trọng.

{keywords}
Chợ hoa ngày Tết. Ảnh: ST

Vào những ngày xưa yên bình, những cuộc lễ hội long trọng khác nhau đó kéo dài có khi đến 15 ngày nếu không phải là một tháng. Cha ông chúng ta biện bạch rằng họ không biết đến những ngày nghỉ Chủ nhật. Thực ra trong cả năm họ vẫn có một số lễ hội nhỏ, chính xác là 6 cuộc, đó là:

1 – Ngày 3 tháng Ba Âm lịch, người ta không ăn đồ nóng bởi vì có một ông Giới Tử Thôi nào đó thời cổ Trung Hoa đã bị chết thiêu vào ngày đó.

2 – Mồng 5 tháng Năm ta, có lễ Đoan Ngũ hoặc Đoan Dương.

3 – Ngày 15 tháng Bẩy ta, ngày lễ của đạo Phật tương ứng với ngày của những người chết của người Châu Âu.

4 - Ngày 15 tháng Tám ta, là lễ Trung Thu còn gọi là ngày lễ khi mặt Trăng sáng nhất trong năm.

5 – Ngày 9 tháng Chín, lễ Trùng Cửu, ngày mà nhà nông chúng ta chờ đợi những trận mưa đầu tiên sau một thời gian khô hạn.

6 – Cuối cùng ngày 10 tháng Mười, ta gọi là lễ gạo mới, thứ gạo mùa ngon lành gặt vào mùa đông.

Vào những ngày lễ hội này các viên chức cũng như những người lao động không được nghỉ bởi vì ăn mừng lễ tết cũng là làm việc.

Những ngày được nghỉ thực sự của người xưa là những ngày lễ của cộng đồng vào tháng Hai hoặc tháng Tám, đôi khi cả vào tháng Mười Một, nói chung mỗi cuộc lễ được nghỉ 5 ngày. Việc làng, Vào đám (Tiếng Việt trong nguyên văn – ND), Xuân tế, Thu tế (Tiếng Việt trong nguyên văn – ND) để cúng các vị thần bảo hộ cho mùa Xuân và mùa Thu.

Ngoài những ngày lễ chung đó, có những làng còn tổ chức giỗ thần linh riêng, thường là kỷ niệm ngày chết (ngày kỵ, ngày vía – Tiếng Việt trong nguyên văn), hiếm khi là ngày sinh của họ.

Tất cả các ngày lễ hội đó gộp lại được khoảng 20 ngày trong năm, như vậy là ta hiểu được rằng nông dân của ta đã gỡ lại những ngày đầu năm, đó là một thời kỳ bị buộc phải không có việc gì để làm tại những vùng ruộng đồng mùa, ở đây sau vụ gặt mùa Thu, chỉ còn có việc đi bán thóc và chờ đợi những cơn mưa rào tháng Hai để chuẩn bị đất cho những vụ trồng trọt trên đất khô. Tại những vùng ruộng ngập nước, người ta cấy lúa chiêm tháng Năm, và người ta lao vào những cuộc vui ngày Tết để bù lại những ngày lao động vất vả trên ruộng nước vào giữa mùa Đông.

Vì vậy cho nên người ta có các cách giải thích và biện minh cho ngày lễ Tết này, vì đây là một xứ sở mà cuộc sống không phải lúc nào cũng màu hồng, khi trời thì rét mà áo quần thì thiếu thốn, và khi phải gặt lúa vào tháng Sáu dưới mặt trời thiêu đốt.

Với những người nào chỉ có nguồn sống từ đất, ngày Tết là thời cơ duy nhất để có đồng tiền ra vào trong nhà sau khi đã bán thóc lúa tháng Mười. Nhiều khi người ta tiêu pha không buồn nghĩ đến ngày mai cận kề, và phải nghĩ đến cách làm gì để chi tiêu cho vụ mùa sau đang tới. Đó là một thứ trả thù của người nông dân nghèo làm việc cho địa chủ và người cho vay lãi.

{keywords}
Mâm cơm ngày Tết. Ảnh: ST

Về phần tôi, tôi sẵn lòng thông cảm với người nông dân nghèo đó bởi vì đối với anh ta, đó cũng chỉ là được ăn no và có thêm chút thịt và cá vào bữa cơm mà thôi, một vài manh áo mới khoác ra ngoài tấm áo ngày nào cũng mặc khó có thể được coi là điều sang trọng trong những ngày rét mướt ấy. 

Nhưng than ôi lại còn chuyện cờ bạc, thứ hấp dẫn kẻ nghèo khó tạm thời có vài đồng xu rủng rỉnh để được kiếm thêm hoặc sẽ hết sạch. Và anh nông dân nghèo ấy đã có lý khi nghĩ rằng cờ bạc ngày Tết sẽ đem lại cơ may cho cả năm tới được cuộc sống tốt đẹp hơn. Cờ bạc vào ngày tết đối với người nông dân như một thứ điềm báo về mọi việc trong năm và do chỗ những công việc đó là hệ trọng, điềm báo trong ván bài thường trở thành hiện thực trong năm, là hạnh phúc hoặc là đau khổ.

Nhưng tôi yêu ngày Tết còn bởi vì, đó là mùa của những bông hoa đẹp nhất và đó là thời điểm duy nhất người đàn bà nước Nam trang điểm để tự làm đẹp và làm đẹp thêm cho cảnh làng quê. Người đàn bà nước Nam không trang điểm đẹp đẽ để đến nhà thờ làm lễ các ngày Chủ nhật, họ chỉ có dịp trang điểm một chút để đến nhà chùa, ở đó đức Phật cũng biết giúp cho các cô gái đạt được ước mơ trong những bộ trang phục đẹp đẽ hơn trước mặt những chàng trai trong mộng của họ.

Nguyễn Văn Vĩnh

Người dịch: Nhà giáo Phạm Toàn

Sưu tầm: Nguyễn Kỳ

Hiệu đính kỹ thuật: Nguyễn Lân Bình