Vệ tinh Khảo sát Exoplanet (TESS), vệ tinh chuyên săn lùng hành tinh của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã phát hiện hành tinh kỳ lạ mới có tên KELT-9 b. Không chỉ có bề mặt nóng hơn nhiều ngôi sao, hành tinh này còn trải qua 2 mùa hè và 2 mùa đông mỗi 36 giờ.

Theo Digital Trends, có thể xem KELT-9 b là ngoại hành tinh (hành tinh nằm ngoài Hệ Mặt Trời) nóng nhất từng được phát hiện, với nhiệt độ bề mặt lên đến 4.300 độ C, nóng đến nỗi các phân tử hydro trong khí quyển bị phá vỡ.

phat hien ngoai hanh tinh sieu nong quay sieu nhanh anh 1

Ngoại hành tinh KELT-9 b trải qua 2 mùa hè, 2 mùa đông mỗi 36 giờ. Ảnh: Trung tâm Goddard Space Flight, NASA.

"Có khá nhiều yếu tố kỳ lạ trên KELT-9 b. Đây là một hành tinh khổng lồ với quỹ đạo rất gần với một ngôi sao đang quay nhanh. Những đặc điểm này làm phức tạp khả năng phân tích về ngôi sao và ảnh hưởng của nó lên hành tinh này", John Ahlers, nhà thiên văn học thuộc Hiệp hội Nghiên cứu Vũ trụ Đại học và Trung tâm Goddard Space Flight của NASA, chia sẻ.

Lý do khiến KELT-9 b có những đặc điểm kỳ lạ như vậy đến từ việc nó bị khóa, nghĩa là một bên luôn luôn nóng, bên còn lại thì tương đối mát, dẫn đến những phản ứng kỳ lạ trong bầu khí quyển khi có sự kết hợp giữa luồng khí ấm và mát.

Một lý do khác là ngôi sao chủ của hành tinh này cũng khác thường khi quay nhanh hơn 38 lần so với Mặt Trời, hoàn thành một vòng quay chỉ trong 16 giờ. Tốc độ quay nhanh ảnh hưởng đến hình dạng ngôi sao, khiến nó phẳng hơn ở 2 cực và chu vi xung quanh dày hơn.

Hình dạng này khiến sự phân bổ nhiệt của ngôi sao cũng khác biệt, các cực nóng hơn trong khi đường xích đạo lại lạnh hơn.

Khi KELT-9 b đi qua cực của ngôi sao chủ, nó sẽ trải qua "mùa hè" và ngược lại khi qua đường xích đạo, hành tinh sẽ trải qua "mùa đông". Do đó, KELT-9 b có thể trải qua 2 mùa hè và 2 mùa đông mỗi "năm", với một mùa chỉ kéo dài trong 9 giờ.

Ngoài việc là một hành tinh kỳ lạ, KELT-9 b hứa hẹn giúp các nhà khoa học tìm hiểu rõ hơn về các ngoại hành tinh khác trong không gian.

"Trong số hệ thống hành tinh mà chúng ta từng nghiên cứu, những tác động của KELT-9 b là hết sức ngoạn mục... Hy vọng chúng ta sẽ tìm ra những bí ẩn về sự hình thành, lịch sử tiến hóa của những hành tinh xung quanh các ngôi sao lớn", Jason Barnes, giáo sư vật lý Đại học Idaho và là đồng tác giả bài báo cáo về KELT-9 b, chia sẻ.

Theo Zing

 

Hàng chục nền văn minh khác đang tồn tại ngoài Trái Đất?

Hàng chục nền văn minh khác đang tồn tại ngoài Trái Đất?

Nghiên cứu mới được ĐH Nottingham ở Anh thực hiện cho thấy Trái Đất không phải hành tinh duy nhất có sự sống. Ước tính, có khoảng 36 nền văn khác đang tồn tại trong Dải Ngân hà với khoảng cách gần nhất với Trái Đất là 17.000 năm ánh sáng.