Mẹ chồng rất thương tôi, cụ đã cao tuổi nhưng không quản ngại việc chăm sóc tôi từng ly từng tí. Tuy nhiên, chẳng biết cụ dựa vào lý thuyết nào mà canh từ lúc con dâu mới sinh, không cho chồng gần gũi.
Cụ bảo phải cữ “chuyện ấy” ít nhất bốn tháng. Trong khi bác sĩ bảo từ sáu tuần trở đi là ổn rồi. Tôi đọc thấy các chị bàn tán về việc này trên mạng mà bản thân cũng hoảng, nhiều người bảo bị “hạn hán” khi đang cho con bú, rồi bị đau rát, thậm chí ra máu nữa.
Tôi đã sinh con được hai tháng, đang trong cảnh khó xử, chồng cứ thập thò gợi ý. Thấy chồng tội nghiệp quá, tôi có nên lén đáp ứng?Lan Trinh (Q.2, TP.HCM)
Chị Lan Trinh mến!
Việc mẹ chồng kiếm cớ “vào phụ trông cháu” và ngủ chung với con dâu để con dâu khỏi “làm ẩu” diễn ra khá phổ biến. Việc “bứng” mẹ chồng đi chỗ khác, hoặc hai vợ chồng “âm mưu” để tiến hành một “trận” lén lút ngay trong nhà mình là điều không khó, tôi tin anh chị có thể làm được nếu muốn. Mẹ chồng chị vẫn giữ quan điểm của thế hệ trước, rất khó để thay đổi, nên chị cũng không nên cố sức thuyết phục.
Trở lại vấn đề sau sinh bao nhiêu ngày thì được “đá trận khai mạc” cho “mùa giải mới”. Theo một thống kê, có khoảng 20% người vợ “nối lại quan hệ” với chồng sau sinh con một tháng, đa số phụ nữ tìm lại tình dục sau sinh con bảy tuần. Các bác sĩ thường khuyên sản phụ kiêng chuyện gối chăn từ sáu - tám tuần (quãng thời gian đủ để lành vết thương). Còn việc chọn thời điểm để bắt đầu thì tùy thuộc vào người trong cuộc. Nguyên tắc đơn giản: hãy bắt đầu khi cảm thấy mình đã sẵn sàng.
Để phục vụ cho việc sinh nở, cổ tử cung của người mẹ mở to, thường mất khoảng một-hai tháng để thu nhỏ trở lại. Vấn đề mấu chốt để quyết định một sản phụ sẵn sàng cho “cuộc chơi” hay chưa là sức khỏe của người mẹ. Dù sinh con bằng phương pháp sinh mổ hay sinh thường, sản phụ cũng cần có thời gian để cân bằng sức khỏe. Một số chị em đang mong manh như “con cua lột”, nhưng vì chiều chồng (thậm chí sợ chồng ngoại tình vì “đói”) nên đã cố sức.
Thực tế ghi nhận nhiều trường hợp sản phụ phải lãnh thiệt thòi do tiến hành khi chưa thực sự sẵn sàng. Có chị sinh thường, sau sáu tuần, chồng “gợi ý”, chị chiều vì thấy vết khâu đã lành. Dù tiến hành nhẹ nhàng nhưng chị vẫn bị đau rát, sau khi quan hệ vẫn tiếp tục bị nhức. Một chị khác chia sẻ với bác sĩ, bình thường thì “điện nước” dồi dào, nhưng sau khi sinh hai tháng, được ông xã khởi động cả tiếng đồng hồ vẫn “khô hạn”. Cuối cùng, cả hai vẫn “làm điều cần làm” và chị bị đau, thậm chí bị rỉ máu. Những câu chuyện như vậy cho thấy, sản phụ chưa thực sự sẵn sàng.
Nhiều chị em thổ lộ, việc quan hệ sau khi sinh khó khăn chẳng kém lần đầu làm “chuyện ấy”. Nói điều đó để các ông chồng cảm thông và nâng đỡ vợ nhiều hơn khi muốn quan hệ sau kỳ ở cữ của nàng. Về tâm lý, đa phần các sản phụ bị giảm ham muốn sau khi sinh con bởi phải mất ngủ, vất vả khi chăm con. Đặc biệt, ký ức về cuộc vượt cạn vẫn còn rất gần, cảm xúc chưa được cân bằng bởi những lo lắng còn xâm chiếm. Ngoài ra, nếu sản phụ “quan hệ” sớm khi bề mặt tổn thương ở tử cung chưa lành, chất axít trong âm đạo chưa phục hồi, sản dịch vẫn nhiều thì rất dễ viêm nhiễm đường sinh dục.
Xem ra, vai trò người chồng rất quan trọng trong công tác tổ chức cho “trận khai mạc”. Chàng cần kề cận hỏi han, ủi an, tạo tâm lý được chiều chuộng, được yêu thương cho nàng. Dù bị “đói”, chàng cũng cần “dằn lòng” nếu cảm thấy nàng chưa sẵn sàng. Khi gần gũi, các “công đoạn” cần được tiến hành thận trọng theo kiểu “vừa thăm dò vừa khai thác”. Nếu có dấu hiệu bất ổn từ người vợ, chồng nên dừng lại và có thể làm lại vào dịp khác.
Cần thừa nhận rằng, “trận khai mạc” khó thành công về mặt cảm xúc. Người trong cuộc không nên chú trọng nhiều đến kết quả và sẵn sàng đón nhận kết quả thấp một cách nhẹ nhàng, thoải mái. Nhiều chị em đã bị lãnh cảm sau sinh chỉ vì người chồng không biết ý, vô tư gây đau đớn cho vợ. Nên xem “trận khai mạc” như một trận làm quen “sân” để có được những trận chất lượng hơn sau đó.
(Theo ThS-BS MAI BÁ TIẾN DŨNG/Phunuonline)