Động thái dỡ bỏ cấm vận tàu hải quân New Zealand của Mỹ là "khúc dạo đầu" với quốc gia này, được giới quan sát xem là một phần của nỗ lực đối phó với ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc tại Nam Thái Bình Dương.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon E. Panetta tuyên bố rằng, các tàu hải quân New Zealand sẽ được phép neo đậu ở các căn cứ Mỹ. Tuyên bố của ông Panetta đã chấm dứt lệnh cấm kéo dài 26 năm qua.

Lãnh đạo Lầu Năm Góc đưa ra thông báo trên tại một cuộc họp báo, làm dịu lại các tranh cãi kéo dài giữa hai nước kể từ khi New Zealand quyết định từ chối các tàu chiến Mỹ chở vũ khí hạt nhân hay sử dụng năng lượng hạt nhân vào các cảng của nước này.

Bộ trưởng quốc phòng Mỹ  Leon E. Panetta tại Auckland, New Zealand. Ảnh:latimes

Động thái trên của Mỹ là "khúc dạo đầu" với New Zealand vào thời điểm Lầu Năm Góc đang tái thiết các mối quan hệ quân sự trong khu vực - mà theo nhiều nhà phân tích nó là một phần của nỗ lực đối phó với ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc tại Nam Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, có rất ít dấu hiệu cho thấy, New Zealand sẽ hưởng ứng bằng việc nới lỏng luật cấm vũ khí hạt nhân cho phép các tàu hải quân và phòng vệ bờ biển của Mỹ cập cảng.

"Hai nước tiếp tục có những khác biệt, nhưng khác biệt ấy sẽ không hiện diện trong cam kết lớn hơn về các vấn đề an ninh", ông Panetta nói.

Một quan chức cấp cao Mỹ cho hay, quan chức hai nước đã tiến hành các cuộc thảo luận không chính thức về việc New Zealand có thể để ngỏ khả năng xem xét sửa đổi luật cấm hạt nhân như một bước đi hướng tới việc cho phép tàu Mỹ cập cảng.

Tuy nhiên, luật này vẫn được tán thành cao tại New Zealand, nên không có nhiều khả năng sớm thay đổi.

Jonathan Coleman, Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand, nói tại cuộc họp báo rằng: "New Zealand đã khẳng định rõ ràng rằng, chính sách đã không thay đổi và sẽ không thay đổi".

Lệnh hạn chế tàu New Zealand cập cảng tại các cơ sở Mỹ đưa ra vào năm 1986 sau khi Washington rút khỏi hiệp ước phòng thủ chung với New Zealand như một phản ứng với luật chống hạt nhân của nước này.

Tháng 7 vừa qua, một tàu New Zealand tham gia cuộc tập trận hải quân Mỹ đã phải neo đậu tại khu vực thương mại của Trân Châu cảng ở Hawaii chứ không phải một căn cứ quân sự.

Theo chính sách mới, tàu New Zealand trong các chuyến thăm sẽ cần có sự phê chuẩn tùy theo từng trường hợp. Việc hạn chế hội đàm giữa các quan chức quốc phòng cũng được dỡ bỏ, ông Panetta nói.

Ngoài ra, theo lời một quan chức cấp cao Mỹ thì, New Zealand - quốc gia có quân đội nhỏ bé - đang muốn xây dựng và tăng cường các khả năng trong hoạt động đổ bộ, một phần để có thể phản ứng tốt hơn với các thảm họa nhân đạo và gìn giữ hòa bình ở Nam Thái Bình Dương. Và Lầu Năm Góc đã sẵn sàng trợ giúp New Zeland trong vấn đề này.

Năm nay, lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ - chuyên tham gia các hoạt động đổ bộ - đã thăm New Zealand trong lần đầu tiên suốt 25 năm qua nhân dịp kỷ niệm sự kiện lính thủy đánh bộ triên khai ở nước này vào Thế chiến II.

Quan hệ Mỹ - New Zealand đã thay đổi đáng kể kể từ khi New Zealand điều quân tới Afghanistan năm 2003, và đặc biệt vào lúc Đảng Dân tộc lên nắm quyền trong năm 2008.

Hai ngày ở New Zealand của ông Panetta là chuyến công du đầu tiên tới quốc gia Nam Thái Bình Dương của một bộ trưởng quốc phòng Mỹ kể từ năm 1982 và được xem là một phần trong các nỗ lực của Washington nhằm tái thiết các mối quan hệ quân sự ở châu Á - Thái Bình Dương sau một thập niên chiến tranh tại Trung Đông và Nam Á.

Tại Nam Thái Bình Dương, Mỹ đã lo ngại về tầm ảnh hưởng của Trung Quốc thông qua các thỏa thuận kinh tế. New Zealand đã có một hiệp định tự do thương mại với Trung Quốc và ngày càng củng cố quan hệ kinh tế với nước này.

Chuyến công du của ông Panetta diễn ra sau chưa đầy một tháng kể từ khi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Rodhan Clinton tới quần đảo Cook tham dự diễn đàn ngoại giao và sau khi Tuyên bố Washington được ký kết hồi tháng 6 giữa Mỹ và New Zealand. Tuyên bố kêu gọi hợp tác quân sự chặt chẽ hơn giữa hai nước.

Thái An (theo latimes)