- Cưỡng chế, thu hồi đất, sở hữu đất đai là những vấn đề có nhiều ý kiến tại hội nghị nêu ý kiến và kiến nghị của nhân dân về dự thảo luật Đất đai sửa đổi sáng 12/4 do UB TƯ MTTQ Việt Nam tổ chức ở Hà Nội.
>> Nhiều kiến nghị Hiến pháp liên quan đất đai
Cưỡng chế không thể tùy tiện
Đề cập cưỡng chế đất, ông Phạm Ngọc Thảo, Hội đồng tư vấn pháp luật của MTTQ cho rằng, đây là vấn đề "cực kỳ bức xúc". Ông chỉ ra thực tiễn 70-80% vụ việc cưỡng chế đất có vấn đề xảy ra thời gian qua có sai phạm từ phía cơ quan Nhà nước.
Đất cưỡng chế của người dân nhiều khi trong tình trạng chưa giải quyết thỏa đáng quyền lợi cho người dân theo đúng chính sách. Mà nhiều khi áp dụng không đúng luật bị người dân khiếu nại...
Trong câu chuyện này, ông chỉ ra việc "tùy tiện, lạm dụng quyền lực, áp đặt". "Hầu như trong những vụ như thế họ chưa tôn trọng dân." - ông phát biểu.
Hội đồng tư vấn kinh tế của MTTQ Nguyễn Quang Thái: Nên bỏ quy định thu hồi đất vì phát triển kinh tế - xã hội vì dễ bị lạm dụng. |
Vị đại biểu kiến nghị việc cưỡng chế đất thực hiện kế hoạch thu hồi đất dứt khoát chỉ được áp dụng khi người bị thu hồi đất vi phạm pháp luật và chống đối sau khi đã được giải quyết trong chính sách pháp luật về thu hồi đất.
"Anh cứ làm đúng đi, thỏa đáng hết nhẽ... Chỉ khi giải quyết thỏa đáng mà dân vẫn chống đối thì mới thi hành cưỡng chế. Quy định cứng thế này sẽ ràng buộc các cơ quan có thẩm quyền phải thực hiện nghiêm chính sách pháp luật về thu hồi đất mà không thể tùy tiện áp đặt. Điều này cũng tránh được tình trạng lạm dụng quyền lực để cưỡng chế, ép buộc người dân" - ông Thảo phát biểu.
Bỏ "thu hồi đất"
GS Nguyễn Lân Dũng kể khi còn làm ĐBQH, một lần ông đến một địa phương theo lời mời của một vị ĐBQH khác. Người dân ở đó đã "bu" chặt ông để hỏi can cớ của việc không biết vì đâu ruộng ngô của họ bị thu hồi chỉ để cho một tư nhân khác trồng cam.
Ông kiến nghị thẳng thắn bỏ "thu hồi đất", mà luật định sử dụng cụm từ "trưng mua, trưng dụng đất" phù hợp trong từng trường hợp Nhà nước lấy đất của dân phục vụ cho lợi ích quốc gia hay lợi ích công cộng. Khi đó, cần bảo đảm các quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất, nhất là trong khâu định giá đất khi Nhà nước trung mua, trưng dụng đất.
TS Nguyễn Quang Thái, Hội đồng tư vấn kinh tế của MTTQ cho rằng, quy định thu hồi đất vì phát triển kinh tế - xã hội nên bỏ vì dễ bị lạm dụng. Rộng hơn, ông cho rằng cần hạn chế thu hồi đất vì các mục đích vì dễ bị lợi ích nhóm lợi dụng. Ngay cả việc thu hồi đất vì an ninh - quốc phòng, phòng chống thiên tai thì cũng phải đền bù xứng đáng dựa trên tư vấn bồi thường độc lập.
"Phải quy định để làm sao có sự đồng thuận giữa bên thu hồi và bên bị thu hồi" - ông nhấn mạnh.
GS Nguyễn Lang - Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn kinh tế cho rằng, cần phải làm rõ hơn việc không giao cho hệ thống cơ quan hành pháp quyền được thu hồi đất mà chỉ được quyền trưng mua, trưng dụng trong trường hợp thật cần thiết.
Luật Đất đai sửa đổi cần phải tập trung vào việc bảo vệ và bảo đảm quyền làm chủ của người được giao quyền sử dụng đất được giao. Đồng thời cũng làm rõ quyền hạn, nghĩa vụ của người được giao quyền sử dụng đất trong quá trình quản lý, khai thác đất được giao.
Để có tính ràng buộc chặt chẽ, ý kiến của ông Phạm Ngọc Thảo cho rằng, cần quy định cứng trong luật : "Việc bồi thường, tái định cư phải được thực hiện xong trước khi thu hồi đất".
Làm rõ đại diện sở hữu về đất đai
Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn kinh tế Trương Công Phú cho rằng mọi sửa đổi cụ thể đều phải xác định trên điểm cốt lõi nhất, quan trọng nhất, đó là chế độ sở hữu đất đai.
Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn kinh tế Trương Công Phú |
Theo ông, chế độ sở hữu đất đai toàn dân trong những năm qua áp dụng có những "rối rắm", đến 5-600 văn bản hướng dẫn thực thi, bộ máy quản lý cồng kềnh vẫn không hiệu quả, 80% kiện cáo liên quan đến đất đai... Đây là những thực tiễn buộc phải xem xét, làm rõ những ưu, nhược.
Kiến nghị điểm này, ông cũng đề nghị quy định Quốc hội sẽ là đại diện sở hữu về đất đai. Quốc hội giao cho Chính phủ quản lý, phân bổ sử dụng đất đai theo định hướng và có sự giám sát của Quốc hội theo luật định. Chính phủ phân cấp cho UBND các cấp quản lý và phân bổ sử dụng đất tại địa phương theo quy định của luật.
GS Nguyễn Lang thì cho rằng, phải cụ thể hóa mối quan hệ phân công giữa hệ thống cơ quan lập pháp (Quốc hội), cơ quan hành pháp (Chính phủ) trong việc khai thác, sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả đất đai là một tài sản thuộc sở hữu toàn dân.
"Không thể cứ dừng lại ở quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Nhà nước một cách chung chung như lâu nay. Cụ thể là làm rõ hơn việc Nhà nước thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu toàn dân qua Quốc hội, thực hiện nhiệm vụ quản lý và sử dụng tài sản thuộc sở hữu toàn dân qua Chính phủ như đã xác định tại Hiến pháp 1992 và dự thảo Hiến pháp 2013" - ông nêu ý kiến.
Linh Thư