Chỉ trong 1 năm, ông N.V.T (70 tuổi, ngụ TPHCM) bị ngất đột ngột đến 5 lần nhưng không xác định được nguyên nhân. Trong tháng qua, ông T. ngất 2 lần, đập đầu xuống bậc cầu thang nên gia đình đưa đi cấp cứu.
Tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP.HCM), bệnh nhân được kiểm tra siêu âm tim, siêu âm điện tâm đồ. Tuy nhiên không tìm ra bất thường.
Do đó, ông T. được thực hiện nghiệm pháp bàn nghiêng. Đây là phương pháp để tái lập một cơn ngất trong môi trường an toàn có nhân viên y tế, giúp tìm ra nguyên nhân để giảm tần suất của ngất.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Kim Vui, Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Lê Văn Thịnh, sau thời gian đứng nghiêng 70 độ trong 20 phút, ông T. được xịt 1 nhát nitroglycerin dưới lưỡi. Đến phút thứ 3, bệnh nhân cảm giác mệt, lả người, choáng váng. Kết quả cho thấy, bệnh nhân ngất do thần kinh phế vị - nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng trên.
Bác sĩ Vui cho hay, khi ngất, người bệnh mất ý thức hoàn toàn, không duy trì tư thế đứng, xảy ra đột ngột, nhanh và sau đó phục hồi. Ngất được chia làm ba nhóm chính: ngất do tim, ngất phản xạ, tụt huyết áp tư thế. Tần suất ngất tăng theo tuổi do bệnh nhân mắc bệnh lý tim mạch cũng như sự suy yếu của hệ thần kinh tự chủ.
Ngất xỉu mặc dù không nguy hiểm đến tính mạng, tuy nhiên nó có thể là dấu hiệu ban đầu cảnh báo nhiều bệnh lý khác. Do đó, người bệnh nên trực tiếp đến bệnh viện để được các bác sĩ kiểm tra, xác định nguyên nhân thực sự.
Theo bác sĩ Kim Vui, không nhiều bệnh viện triển khai nghiệm pháp bàn nghiêng dù khá đơn giản và có từ lâu. Đây là một xét nghiệm không đắt tiền, góp phần chẩn đoán nguyên nhân ngất và tư vấn bệnh nhân tránh các yếu tố khởi phát.
Thực tế, ngất rất hay gặp trong cuộc sống nhưng chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến tỷ lệ ngất tái phát cao. Bệnh nhân thường không đi khám vì nghĩ rằng không có di chứng hay ảnh hưởng gì.
Theo thống kê, có khoảng 95% người bệnh bị ngất lần đầu tiên trước tuổi 40. Nếu bị ngất xỉu đột ngột lần đầu tiên sau 40 tuổi, có thể liên quan đến bệnh lý nào đó. Ở người lớn tuổi, ngất thường do bệnh lý tim mạch, huyết áp thấp hoặc do tác dụng phụ của thuốc.
Trước khi ngất, một số người có dấu hiệu như tối sầm mặt, nhẹ hẫng đầu, chóng mặt, lảo đảo, cảm giác không vững khi đứng; một số người cảm giác nhẹ đầu, buồn nôn và đánh trống ngực.
Người có nguy cơ bị ngất sẽ cao hơn nếu rơi vào trường hợp: Hiến máu khi chưa ăn, đứng quá lâu hoặc nằm quá lâu rồi đứng dậy đột ngột, người đang mắc bệnh lý về tim, thần kinh căng thẳng, bệnh huyết áp thấp…
Khi gặp người bị ngất, không nên tập trung đông người khiến không khí ngột ngạt. Giữ không gian thoáng xung quanh người bị ngất, đặt nằm ngửa.
Nếu bệnh nhân vẫn còn thở và không có thương tích nghiêm trọng: nâng chân bệnh nhân lên cao hơn tầm của tim, khoảng 25 - 30cm. Nếu bệnh nhân bị ngất, té ngã và bị thương: sơ cứu cầm máu hoặc chườm giảm đau, giảm sưng.
Nới lỏng những phần quần áo, thắt lưng, lưng quần, ngực, cổ áo,... Thông thường, sau khi ngất vài phút, người bệnh sẽ tỉnh lại.