Điều này không chỉ giúp con tự tiêu khiển mà còn phát triển sự độc lập, kiên trì, sáng tạo. Vậy làm thế nào để khuyến khích trẻ tự chơi? Hãy tập trung vào các yếu tố sau:
An toàn
Theo tháp nhu cầu Maslow, được an toàn, được bảo vệ là nhu cầu cơ bản thứ hai của con người, chỉ xếp sau nhu cầu sinh tồn.
Muốn tạo tiền đề cho sự tự chơi, cần mang lại cảm giác an toàn cho con. Bố mẹ đặt con ở trong tầm mắt để có thể hỗ trợ con khi cần thiết hoặc nguy hiểm. Khoảng cách này cũng khiến con cảm thấy mình không bị bỏ rơi.
Một lưu ý quan trọng là bố mẹ cần chuẩn bị cho con những đồ chơi an toàn, tuyệt đối tránh các vật sắc nhọt, hoặc quá nhỏ nếu con đang ở tuổi cho mọi thứ vào miệng.
Hứng thú
Bước tiếp theo, bố mẹ hãy mang lại niềm vui cho con khi chơi. Những món đồ chơi phù hợp với lứa tuổi, không quá thách đố nhưng cũng không quá dễ sẽ kéo dài sự phấn khích và kiên trì của con. Bố mẹ làm mẫu trước khiến con thấy hứng thú, rồi để con tự chơi, dần dần lùi về phía sau cho con hòa mình vào trò chơi.
Sáng tạo
Khi làm mẫu, sự cường điệu hóa để tạo ra những cách chơi sáng tạo sẽ kích thích trí tưởng tượng và đam mê với trò chơi.
Ví dụ, bố mẹ lăn chiếc ô tô trên những bề mặt khác nhau, xe chạy bon bon men theo thành bàn, xe leo dốc lên tường nhà, hay chạy gập ghềnh trên cánh tay con, đồng thời bố mẹ nói “viu viu”, “ùn ùn”, “lăn lăn lăn”… đảm bảo em bé sẽ cười khanh khách. Sau vài lần áp dụng cách đó, bạn sẽ ngạc nhiên thấy con mình tự đắm chìm vào trò lái ô tô với những sáng tạo rất riêng.
Những thứ bình thường cũng có thể trở thành đồ chơi đầy thu hút nếu ta biết thêm gia vị sáng tạo. Chẳng hạn, mấy que kem ăn xong rửa sạch rồi cho con trơi trò di chuyển que bằng ngón chân. Bé con nhà mình có thể ngồi chơi vài chục phút với trò ấy khi được mẹ khuyến khích “Bác tài xế xe cẩu ơi, bác hãy dùng cần cẩu ngón chân của mình để di chuyển những que kem nhé!".
Tập trung
Cần đảm bảo bé chỉ chơi mỗi lúc với một hoặc một số ít món đồ chơi. Bày ra quá nhiều vật dụng trước mắt. Ban đầu có thể làm bé thích thú, nhưng chỉ sau vài phút bé sẽ cả thèm chóng chán, cầm cái này lên lại muốn bỏ ngay đi để chơi cái kia, cuối cùng không biết nên tập trung vào thứ gì, lại thành ra cáu gắt, muốn bỏ cuộc chơi.
Tôn trọng
Nhiều bố mẹ cứ phàn nàn con không thể nào ngồi chơi nếu không có tôi chơi cùng. Có phải vì bạn đã can thiệp quá sâu và việc chơi của con mà vô tình không nhận ra?
“Không, không, sách thì phải đọc theo thứ tự, con đã đọc trang này đâu mà đòi mở sang trang khác”, “Ồ cái cây thì phải tô màu xanh chứ nhỉ”; “Đừng có làm như thế, con phải xếp lego giống bố thì mới ra hình đoàn tàu”. Tần suất bạn sử dụng những kiểu câu như trên, đi kèm với hành động thay con lật sách, thay con chọn màu, chọn khối lego… có nhiều không? Nếu có thì bạn đang tước đi quyền tự quyết của con, lâu dần con sẽ trở nên phụ thuộc vào người lớn để hướng dẫn con cách chơi.
Tất nhiên bố mẹ cần hướng dẫn con nếu thấy bất kỳ nguy cơ nào, nhưng không phải là áp đặt con làm mọi thứ theo ý mình, nhất là trong lĩnh vực sáng tạo. Bố mẹ hãy lùi lại một chút, tôn trọng những trải nghiệm trong thế giới trò chơi của riêng con.
Dù sao thì mỗi em bé là một cá thể, không thể nào có một công thức chung. Bạn hãy nương theo cá tính, sở thích của con để điều chỉnh. Hy vọng những gợi ý trên có thể giúp bố mẹ tự tin hơn trong việc hướng dẫn con chơi tự lập.
5 sai lầm phụ huynh thường mắc phải khi dạy con
Chăm sóc và rèn luyện con thành đạt là việc mà không ai có thể làm tốt hơn chính bạn. Nếu bạn nghĩ mình chỉ cần nuôi mà không dạy thì bạn chỉ mới làm được 30% công việc của bậc cha mẹ đích thực.
Theo Dân trí