Trẻ em rất nhạy cảm nên dễ bị tác động tâm lý bởi những thông tin xấu.
Thời gian gần đây, trên các trang mạng xã hội rộ lên thông tin về cướp giật, lạm dụng tình dục, thực phẩm bẩn, bắt cóc trẻ em... lan truyền nhanh chóng và với cường độ dồn dập. Các thông tin này đã gây bức xúc, hoang mang, lo lắng cho rất nhiều bậc phụ huynh. Từ đó, một số phụ huynh đã thiếu bình tĩnh khi chọn lọc thông tin, dẫn đến việc sợ hãi khi đưa con, em đến các khu vui chơi, đi học hay ăn uống.
Trẻ bị vây bọc bởi thông tin xấu
ThS-BS Kiều Thanh Hà, Phòng khám Nhi đồng TP.HCM, cho biết số lượng trẻ đến khám tâm lý mấy tháng vừa qua tăng đột biến. Độ tuổi của trẻ được đưa đi khám cũng khá đa dạng, có bé mới năm tuổi, bé lớn nhất cũng hơn 10 tuổi nhưng lại rơi vào một trạng thái tâm lý giống nhau do ảnh hưởng thông tin từ mạng xã hội. “Một số bé có biểu hiện bị ám ảnh từ suy nghĩ đến hành vi, từ chối khi cha mẹ cho ăn vì sợ đồ ăn toàn thực phẩm có độc, ăn vào sẽ chết. Có bé lại thích thú khi kể cho cha mẹ nghe về các bạn đánh nhau... Tâm trạng nhiều trẻ em rất đáng lo ngại” - BS Hà nói.
Bé TNHL vừa tròn sáu tuổi, được mẹ dẫn đến khám tâm lý vì đã hai tháng gần đây liên tục nhõng nhẽo, đòi mua đồ chơi, khi mẹ không mua thì bé hăm dọa: “Nếu không mua thì con ra đường cho người ta bắt cóc luôn!”. Thông tin từ mạng xã hội và những cảnh báo của người lớn đã vô tình in vào tâm lý bé. Theo BS Hà, chỉ vài lần nghe những câu như vậy là bé có ấn tượng, giữ lại trong trí não và từ từ phản kháng lại.
Chị Đỗ Thị Hồng Diệp (Gò Vấp), phụ huynh bé Lê Kiến Đức tám tuổi, kể lại: Đã hơn tháng nay con chị sụt hẳn 4 kg, người hay mệt mỏi và bỏ ăn cả ở lớp lẫn ở nhà. “Tôi không biết cho bé ăn gì vào thời điểm này. Vợ chồng hay ngồi nói với nhau chọn thức ăn ở đâu cho an toàn, dạo này từ tivi đến mạng xã hội đề cập đến thực phẩm bẩn nhiều quá... Không hiểu từ khi nào mà cứ đến giờ ăn bé lại trèo lên bàn xem có thức ăn gì rồi lại bỏ chạy vào phòng, cương quyết không chịu ăn. Khi tôi dùng biện pháp mạnh, dọa đánh bé thì bé khóc và la toáng lên: “Mẹ có biết đó là “thịt heo giả không. Con nghe tivi các cô chú kêu thịt heo có chất cấm”” - chị Diệp nói.
Mẹ bé Liên Quỳnh (học lớp 3) tâm sự, sau khi xem thông tin từ các vụ thảm sát liên tục ở Bình Phước và Nghệ An, khi nói chuyện với chị hàng xóm cạnh nhà, bé bỗng dưng phán gay gắt: “Giờ chả tin được thằng nào” khiến chị rất hoang mang.
Trẻ trở thành nạn nhân của thông tin xấu, ngoài làm khổ các bậc cha mẹ còn là bài toán khó của nhiều thầy cô, bảo mẫu tại các trường học.
ThS-BS tâm lý Kiều Thanh Hà khám tâm lý cho các bé. Ảnh: HÀ PHƯỢNG |
Cô Đinh Thị Tuyết (Hiệu trưởng Trường Mầm non Sao Mai 2, Linh Trung, Thủ Đức) cho biết gần đây các cô bảo mẫu khá khổ sở với các bé do tính cách ương ngạnh. Có bé đến lớp thì lại trốn trong bóng mát, không tham gia các hoạt động, không dám ra nắng vì sợ... ung thư da. “Tôi gặp phụ huynh hỏi ra mới biết, do bé nghe mẹ dặn tia mặt trời gây ung thư, con phải ở trong phòng học không đi ra khỏi lớp cho đến khi mẹ đón” - cô Tuyết chia sẻ.
Tại nhiều trường mầm non và tiểu học trên địa bàn TP.HCM, những thông tin cảnh báo bắt cóc, ngộ độc thực phẩm... đang một phần tích góp vào đầu trẻ nỗi sợ hãi, căng thẳng tâm lý. Các thầy cô cho hay bản thân làm việc này chỉ với mục đích cho phụ huynh cảnh giác chứ không nghĩ đến tác hại tiêu cực đến học sinh.
Dạy trẻ cách chọn lọc thông tin
ThS-BS tâm lý Kiều Thanh Hà phân tích: Nhiều trẻ em đang là nạn nhân bị xâm hại của thông tin xấu. Trẻ sẽ chịu nhiều tổn hại về mặt tâm lý, thể chất, tình cảm và những tổn thương trước mắt cũng như có những tác hại lâu dài.
Đối với trẻ em, hệ thống thần kinh ở vào trạng thái chưa ổn định, khi bị tác động bởi thông tin không tốt, các em dễ rơi vào những “cạm bẫy” tiêu cực, từ đó dễ nảy sinh những hành động quá khích. Khi đó các em sẽ tìm cách khẳng định bản thân thông qua những hành vi chống đối, ngang bướng, bỏ học hoặc mê mẩn với những trò chơi điện tử, thậm chí là thực hiện những hành vi xấu như nói dối, bạo lực.
Cũng theo BS Hà, trên các trang web và mạng xã hội có vô vàn nội dung xấu. Không giống như người lớn, trẻ nhỏ chỉ tiếp nhận thông tin mà không biết làm thế nào để lọc thông tin, để chống lại những lời dạy sai và các hành vi tiêu cực. Phản ứng chung của cha mẹ thường là sợ hãi, tìm cách ngăn cấm con trước các rủi ro nhưng lại quên giải thích cho trẻ vì sao và hậu quả xảy ra như thế nào. Điều này khiến trẻ do tâm lý lứa tuổi vốn ham khám phá lại càng tò mò.
Tốt hơn hết cha mẹ nên thẳng thắn chia sẻ, hướng dẫn để giúp trẻ sử dụng mạng xã hội một cách đúng đắn, hiệu quả. Điều này đòi hỏi các bậc cha mẹ cần tìm hiểu thông tin để biết được bản chất của thông tin đó là gì, những điều cần tránh và sử dụng cho hợp lý. Bên cạnh đó, tôn trọng sở thích, thú vui của trẻ với thái độ chia sẻ sẽ giúp định hướng trẻ suy nghĩ, hành động đúng đắn, đảm bảo sự phát triển hoàn thiện cho các em.
60% rối loạn tâm lý do thông tin từ mạng xã hội
Theo Phòng khám tâm lý Huy Thanh (đường Đinh Bộ Lĩnh, Bình Thạnh, TP.HCM), trung bình mỗi tuần nơi đây tiếp nhận khoảng 20-30 bé đến khám. Trong đó, hơn 60% trẻ bị rối loạn tâm lý có nguyên do từ tivi và mạng xã hội. BS tâm lý Huy Thanh cho biết các nghiên cứu trên thế giới cho biết 50% trẻ bị rối loạn tâm lý sẽ chậm phát triển trí tuệ, chậm phát triển tâm thần vận động và có thể diễn biến nghiêm trọng hơn trong tương lai. Một số trường hợp trẻ tự tử do quá sợ hãi và nghĩ rằng mình không thể chống lại những mối đe dọa. __________________________________ Việc thường xuyên cho trẻ tham gia các hoạt động ngoài trời, các buổi hội thảo sẽ tạo cho các em có cơ hội học hỏi lẫn nhau cũng như định hướng suy nghĩ và tăng thêm sự hiểu biết cho trẻ. ThS-BS tâm lý KIỀU THANH HÀ, Phòng khám Nhi đồng TP.HCM |
(Theo Hà Phương/ Pháp Luật Online)