Đến đây, mọi người nhìn được tận mắt, mở smart-phone ra là quay rồi up lên mạng xã hội, chứ chẳng phải chỉ ghi trong các tài liệu khoa học mà thôi.
Thiên đường chim và thú quý
Không biết tự bao giờ, tôi và nhiều người Việt Nam ta đã quen với hình ảnh đáng mơ ước với thiên nhiên hoang dã tràn ngập. Từng đoàn linh dương đi miên man trùng điệp như thác lũ, đủ loài tê giác, voi, sư tử sum vầy như ở một vườn địa đàng trên… tivi. Và, hễ xem là ai nấy nghĩ luôn về miền hoang dã châu Phi, như một khái niệm mặc định qua nhiều thế hệ. Đặt bước chân lên phà (ước sao làm được cây cầu sớm) qua sông Đồng Nai ngầu ngọt, là thế giới “châu Phi” hiện về bằng xương bằng thịt.
Để rồi bạn sững sờ, thảng thốt tận mắt nhìn đàn bò tót sang đường. Xa xa, đàn chim công đủ trống mái, đủ mẹ con. Công trống đang giương các phom đuôi lộng lẫy xoè tròn như một tán lọng nhung gấm, vừa thận trọng cảnh giới đoàn khách lạ; vừa không quên tiếp tục quyến rũ các nàng công mái xung quanh bằng các vũ điệu nồng say. Chú nai thơ ngộ “đạp trên lá vàng khô” theo đúng nghĩa.
Chao liệng nghiêng ngả cả một chiều hoàng hôn là một đàn hạc cổ trắng. Vừa bay vừa kêu thảng thốt. Lông chúng, nếu nhìn gần sẽ thấy rõ ánh tím, ánh biếc đến nao lòng. Và kia nữa, chim mỏ sừng lớn, một bạn cao cát nghiêng mỏ dài và nhọn to đoành. Ai đó thốt lên: vác cái mỏ này thì bay lên giời đã khó, huống hồ đi kiếm ăn và chạy khỏi các loài thiên địch làm sao! Nếu may mắn, bạn còn được trông thấy một bạn gà đẫy Java, đầu trọc lốc, mỏ to kềnh kềnh có gì đó hơi giống một cụ ông đầu hói ưu thời mẫn thế.
Chúng đều là những loài quý hiếm mà rất rất ít nơi ở Việt Nam còn. Đây là xứ sở hội tụ của bò tót, voi châu Á, gấu chó, gấu ngựa, báo mai hoa, báo gấm, nai, vượn đen má vàng…
Vườn quốc gia Cát Tiên hơn 72 nghìn héc-ta, trùm lên địa giới hành chính các tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Phước. Cả thế giới loan báo thông tin vào năm 2012, rằng con tê giác Java một sừng cuối cùng ở Việt Nam đã bị giết chết, tiếc thay, chính ở khu vực Cát Tiền này. Dường như sau “cú sốc” kia, sự nhắm mắt (cái chết) của cá thể tê giác Java đã làm cộng đồng nghĩ nhiều hơn tới bài học bảo tồn. Gần đây, công tác bảo vệ rừng, khát vọng lan toả giá trị của hệ động thực vật nơi này đã được thượng tôn một cách… kinh điển. Tôi đã chứng kiến tình yêu Cát Tiên được lan toả từ vị Giám đốc tiền nhiệm Phạm Hồng Lượng, và đến anh Phạm Xuân Thịnh bây giờ. Họ đều từ Bộ NN&PTNT được tin tưởng chuyển vào “trấn ải” giữa miền rừng phương Nam. Họ đều năng động, cởi mở; vừa lo giữ rừng chỉn chu vừa dành tâm huyết phát huy giá trị các cánh rừng này cho cộng đồng.
Có lần đi châu Phi, tôi tâm sự với Giám đốc Vườn quốc gia Kruger (Nam Phi) và một vị tướng an ninh bảo vệ rừng ở khu bảo tồn có đường bao quanh lớn nhất thế giới rằng, ước gì được đem cả bố mẹ và các con mình đến đây, bởi thiên đường muông thú này dường như bước ra từ kinh Sáng thế. Chúng đã giác ngộ tôi! Ngồi ở cửa chiếc trực thăng đỏ chót, ông giám đốc vườn quốc gia tự hào: “Cảm ơn ngài. Tôi đã từng tiếp một hoàng tử, ông ấy cũng bảo muốn đưa đức vua và gia đình tới thăm nơi này. Tôi tiếp một đức vua, ông ấy cũng ước ao có thể đưa hoàng hậu tới nơi này”. Vâng, khi cảm xúc thật sự thăng hoa đến độ thổn thức, người ta muốn lan toả và truyền cảm hứng về nó cho những người mà họ thương yêu. Và tôi nghĩ, các giám đốc và nhân viên ở Cát Tiên cũng hiểu rằng, “châu Phi hoang dã bên bờ sông Đồng Nai” nếu bị xâm hại hay chí ít là không phát huy được giá trị, đã là họ có lỗi lớn.
Kho báu thiên nhiên đẹp như cổ tích
Chim, thú, cây cổ thụ vài trăm năm tuổi, khổng lồ, kỳ dị, đẹp đến siêu thực, “đẹp như cổ tích”; các khu đất ngập nước có tầm quan trọng thế giới như Bàu Sấu với hơn 500 con cá sấu nước ngọt “giữ kỷ lục Việt Nam” - là cơ sở để các tour khám phá trải nghiệm lá phổi xanh Cát Tiên ra đời và được yêu thích đặc biệt.
Đi ô tô, đi xe máy, đi xe đạp, đi ban ngày, đi ban đêm, đi thuyền bè… bạn muốn khám phá thứ gì ở VQG Cát Tiên đều có hết. Mà chỗ nào cũng toàn “điểm đến” thứ thiệt, của độc, giữ kỷ lục Việt Nam cả. Toàn “thì trao giải nhất chi nhường cho ai”.
Việt Nam từng có nhiều tê giác và bò tót, con tê giác cuối cùng được biết đến cũng ở Cát Tiên; đàn bò tót đông nhất và dễ gặp nhất Việt Nam hiện nay, cũng ở Cát Tiên. Nếu bạn muốn chụp các loài chim quý, nó chiếm tới 40% số loài chim phân bố ở Việt Nam cũng là… ở Cát Tiên. Thật sự, Cát Tiên là thiên đường của các loài chim, thú hoang dã theo cái nghĩa: bạn vẫn nhìn thấy, ngắm thỏa sức và chụp ảnh được nó. Thử hỏi Việt Nam có nơi nào còn được như vậy nữa?
Âm thanh quyến luyến của đàn công mùa ghép đôi, lích rích lũ gà rừng tai trắng (tổ tiên của các loài gà chúng ta thuần dưỡng khắp thế giới). Gà rừng nhiều đến mức chả buồn… chụp ảnh nữa. Ngày, đi qua Bàu Sấu, nhìn các loài chim bói cá (kingfisher) to nhỏ, xanh, trắng loang, loại mỏ đỏ hồng, loại mỏ đen to đùng như song kiếm… thi nhau lặn bắt cá. Cá sấu thì há mồm nằm phơi nắng, cá con nằm trên đầu mẹ như cóc ngồi trên trống đồng mốc thếch. Gà nước, gà lôi Ấn Độ, chích cồ, cò, diệc lửa to đùng sải cánh bát ngát phóng khoáng. Đêm, lũ cá sấu nước ngọt bơi lừ đừ trên khu bàu (đầm) thơ mộng, mắt chúng sáng rực trước ánh đèn pin, hơn nghìn con mắt “sát thủ đầm lầy” như thế thật ám ảnh.
Im lặng một lúc, bạn sẽ chứng kiến sự sum vầy của muông thú như ở rừng châu Phi, công múa, bò tót đi cả đàn, hươu nai cầy cáo, chim chóc ríu ran đủ màu sắc. Thi thoảng các chàng chim công đuôi dài lượt thượt, ánh xanh mơ màng bay qua các bàu nước lớn, khiến ai nấy đều nghĩ mình đang ở trong một không gian cổ tích ở chốn địa đàng…
Lại nói về các loài cây. Có cây bằng lăng “siêu to khổng lồ” cực kỳ thu hút du khách. Thân chúng ken nhau, trắng lốp, to đến mức người ta phải sững sờ gọi đó là kỳ quan nghìn năm tuổi. Có thân cây như cái lọ lục bình, có thân cây như đầu một con voi với đủ mắt, tai, vòi…
Rừng và muông thú còn nhiều như vậy, là bởi vì từ năm 1978, Chính phủ đã có quyết định thành lập Rừng cấm (sau là VQG) Nam Cát Tiên. Việc bảo vệ đã bắt đầu có hiệu lực, may thay, hiệu quả giữ rừng và thú rừng khá tốt ngay từ đầu. Các nỗ lực này trở thành tiền đề cho danh hiệu Khu dự trữ sinh quyển thế giới mà UNESCO đã trao tặng cho VQG Cát Tiên.
Là ngôi nhà bình yên của 96 loài thú, 94 loài bò sát, 903 loài côn trùng. Riêng về chim chóc, thì đích thị là một thiên đường từ các loài huyền thoại cổ tích như chim hồng hoàng, loài mơ màng như cao cát, loại oai phong kỳ bí như cú mèo khoang cổ, cú lợn rừng; loại kỳ dị như già đẫy Java, loài dữ dằn và oai phong như cú cá, đại bàng. Tính chi li ra, VQG Cát Tiên có tới 343 loài chim, chiếm tới hơn 40% tổng số loài chim của cả Việt Nam.
Vừa rồi, chúng tôi vào Cát Tiên, chứng kiến việc chuẩn bị tái thả cả đàn chim hồng hoàng quý giá. Với cặp mỏ sừng khổng lồ màu vàng nhạt, hồng hoàng là loài chim nằm trong nhóm IB, thuộc vào hàng nguy cấp, quý, hiếm.
Thu hút sự quan tâm không kém là khu vực chăm sóc cứu hộ loài vượn đen má vàng (loài nguy cấp theo Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế - IUCN). Ngoài các cá thể được cứu hộ sống trong khu bán hoang dã với đủ cây cao, rừng thưa, tại Cát Tiên; bạn còn có thể gặp hàng đàn vượn đen má vàng chuyền cành ngoài hoang dã. Chúng nuôi con, cưng nựng yêu thương nhau, loài này không có đuôi.
Bảo tàng sống
Bảo tàng các cây cổ thụ ở VQG Cát Tiên có thể khiến bất cứ ai cũng phải sững sờ. Đây, cây Tùng cổ thụ hơn 400 năm tuổi, cao hơn 40m, thân to phải đến 20 người ôm mới xuể. Bộ rễ của cụ bành ra như những con khủng long thời tiền sử, bò khắp vài chục mét rừng già. Nơi đây, trở thành điểm tham quan nổi tiếng với du khách trong và ngoài nước.
Bên kia, cây gõ đỏ cổ thụ quý hiếm, đã được công nghệ hiện đại xác định niên đại hơn 700 năm tuổi, đường kính gốc tới 2,5m. Từ những năm 80 thế kỷ trước, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến thăm cây gõ đỏ “kỳ quan thiên nhiên” này và có lời khuyên nhủ quý giá với công tác bảo vệ rừng ở kho tàng thiên nhiên quý Cát Tiên. Xúc động trước tình cảm này, cán bộ và bà con nơi đây đã treo biển, mở đường chỉ dẫn rồi đặt tên “cây di sản”: “Cây gõ bác Đồng”.
Cây si trăm thân là điểm nhấn thực sự. Nó trùm kín đôi bờ con suối, rộng dài cả trăm mét. Hàng trăm cái “thân” của cây đại thụ 400 năm tuổi cắm xuống đất, xuống đá, xuống bùn, xuống nước, tạo nên một bảo tàng sinh thái ánh sáng mặt trời không thể lọt qua. Ai cũng cầm chai lấy nước trong vắt được lọc từ muôn loài rễ cây và lòng suối tinh khiết để… thưởng thức, làm vơi đi cái nắng gió phương Nam.
Cách đó không xa là cây thiên tuế có tuổi đời vài thế kỷ; cây bằng lăng sáu ngọn kỳ vĩ đã trơ gan cùng tuế nguyệt suốt 300 năm qua, cây đa Lục giao (theo nghĩa 6 cây cổ thụ mọc giao cành lá vào nhau) có cành nhánh đan cài vào nhau cuồn cuộn, tạo thành một mái vòm khổng lồ, khiến người ta nghĩ đến sự kỳ công và khả năng thiết kế tài hoa của tạo hoá.