Tranh luận nổ ra quanh vấn đề nhà ở công vụ tại hội nghị ĐBQH chuyên trách sáng nay về dự thảo luật Nhà ở (sửa đổi): đối tượng áp dụng chế độ nhà ở công vụ và cách nào để 'đòi' nhà khi cán bộ hết nhiệm vụ.
ĐB Lê Đình Khanh. Ảnh: Lê Anh Dũng |
ĐB Lê Đình Khanh nêu "nhiều cán bộ thừa tiền nhưng vẫn bám lấy nhà công vụ. Có những trường hợp hưởng lợi hàng chục tỷ đồng nhờ hóa giá nhà công vụ".
ĐB Lê Như Tiến cũng cho rằng, nhiều cán bộ biến nhà công vụ thành như tư vụ, hết nhiệm vụ hoặc về hưu vẫn giữ nhà không chịu trả lại chìa khóa. Ông đề nghị Chính phủ báo cáo tình trạng quản lý nhà công vụ.
Ông nào quản chìa khóa?
ĐB Trần Ngọc Vinh cho hay, thời gian qua dư luận và cử tri cho rằng việc quản lý và sử dụng nhà công vụ sai mục đích, không nghiêm, không đúng đối tượng gây bất bình. Dù tán thành phải có nhà công vụ nhưng ông Vinh nói một loạt vấn đề không công bằng so với một số đối tượng khác liên quan khi đi mua hoặc thuê nhà. Do đó, ngân sách nhà nước, quỹ đất bỏ ra nhưng không thu được tiền sử dụng đất.
"Mức độ ưu đãi không công bằng, đặc biệt lại là những người có điều kiện, trừ trường hợp các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước do yêu cầu an ninh cần bảo vệ là tất yếu, còn các đối tượng khác nên bố trí cho thuê sử dụng nhà thương mại" - ông nói.
Ông cũng nhấn mạnh việc chưa có chế tài xử lý khi không thực hiện nghiêm túc việc quản lý, sử dụng nhà công vụ. Có những cán bộ khi chuyển công tác, được thuê nhà ở, nhưng khi hết nhiệm vụ vẫn chưa thể lấy lại được nhà đã giao trước, gây khó khăn cho người nhận nhiệm vụ tiếp theo. Ông cho rằng,phải có chế tài, trước khi kết thúc nhiệm vụ 6 tháng phải thông báo để trả nhà.
Đồng tình áp dụng chế tài nhưng Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng luật phải nêu cụ thể, nhất là việc "cưỡng chế" phải nói rõ ai sẽ cưỡng chế. Ngay cả đối tượng có thể rà lại, như công an, quân đội đã có trụ sở, doanh trại - có thể coi là một nhà ở công vụ.
Trong khi đó, ĐB Lê Nam cho rằng, xu hướng cán bộ chủ chốt không phải là người địa phương ngày càng tăng thì nhu cầu nhà ở công vụ không chỉ cho cán bộ cấp cao. Do đó, luật phải làm rõ đối tượng ở nhà công vụ, cán bộ từ cấp nào.
ĐB Lê Nam. Ảnh: Minh Thăng |
"Nhà ở công vụ là một loại công sản nhưng không biết cơ quan nào chịu trách nhiệm. Nếu không thì ông nào trả chìa khóa hay không trả chìa khóa không thể nắm được. Ông nào quản chìa khóa? Nhà ở công vụ của ta với người đang làm việc và không còn làm việc đó nữa không rõ ràng. Phải quy định rõ khi hết nhiệm vụ đó phải bàn giao cho người kế nhiệm và phải trả lại cho nhà nước. Phải dứt khoát trong luật như thế thì không có trường hợp nào phải xem xét, băn khoăn nữa" - ĐB tỉnh Thanh Hóa nêu.
Cho tiền để tự thuê
UBTVQH khảo sát tựu chung có 4 loại ý kiến. Ngoài tán thánh với dự thảo luật, có ý kiến cho rằng, chỉ nên áp dụng chế độ nhà ở công vụ cho cán bộ cấp cao cần bảo vệ an ninh, không áp dụng cho các đối tượng được điều động, luân chuyển khác.
Trong khi đó, có ý kiến đề nghị chỉ đầu tư xây dựng nhà công vụ tại khu vực vùng sâu, vùng xa, còn đối với cán bộ khi được điều động, luân chuyển đến các thành phố lớn thì đưa chế độ nhà ở công vụ vào tiền lương để họ tự thuê nhà ở nhằm tránh lãng phí, dàn trải. Ý kiến khác thì đề nghị quy định chế độ nhà ở công vụ được áp dụng với tất cả các đối tượng thực hiện công vụ.
UBTVQH cho rằng, quy định tạo lập quỹ nhà ở công vụ cho các đối tượng được điều động, luân chuyển công tác, giáo viên, bác sỹ... làm việc tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thuê là hết sức cần thiết, tạo điều kiện cho những người này yên tâm công tác.
ĐB Chu Sơn Hà. Ảnh: Minh Thăng |
ĐB Chu Sơn Hà thậm chí đề xuất ngoài việc bố trí nhà ở cấp cao cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nên khuyến khích các vùng sâu vùng xa xây nhà công vụ cho cán bộ luân chuyển. Đối với nhà công vụ cho cán bộ ở khu đô thị, thì nên giao cho một DN nhà ở đứng ra cho thuê. Như vậy mới công bằng.
Linh Thư