Đọc “Nhật ký kẻ mị tình”, ta như đã lạc vào một thế giới phong nhiêu của huyền thoại, thẩm mỹ, tâm lý, triết lý… với một văn phong đầy biến hóa, đầy khơi gợi, ám ảnh.
Nhà văn Soren Kierkegaard (1813-1855) là một trong hai tên tuổi lừng lẫy nhất của Đan Mạch, cùng với nhà văn Hans Christian Andersen (1805-1875).
“Nhật ký kẻ mị tình” là một tác phẩm kỳ lạ, độc đáo. Nó là tiểu thuyết của một triết gia. Một truyện tình. Một bi kịch. Một tự truyện hư cấu, có vẻ là vậy. Trong lời giới thiệu hiện đại cho nhật ký này, nhà văn lừng danh John Updike nhận xét: “Trong nền văn chương bao la của tình yêu, “Nhật ký kẻ mị tình” là một kỳ thư mê lộ - một vận dụng trí tuệ cuồng nhiệt để tái dựng một thất bại sắc tình thành một thắng lợi giáo huấn, một thương tích đeo lấy mặt nạ của một niềm kiêu hãnh”
Tác phẩm mang giọng điệu trữ tình của nhật ký này thực ra là một thiên nằm trong bộ sách Hoặc là Hoặc là. Dường như ai cũng muốn xem thiên này như là tự thú của Kierkegaard về quan hệ tình yêu với nàng Regine xinh đẹp. Nàng nhỏ hơn ông mười tuổi, ông chính thức hứa hôn rồi hủy hôn ước trong vòng một năm sau.
Tuy nhiên, nhân vật Johannes, Kẻ mị tình ấy dù có giống Kierkegaard ở mức độ nào đó, phương diện nào đó thì vẫn là một nhân vật hư cấu mà Kierkegaard tạo ra để phát ngôn cho lối sống đam mê hiếu cảm (còn gọi là cuộc sống hiếu mỹ) Nhân vật này có triết lý “hiến mình cho lạc thú nhục cảm”, có mưu mô tính toán khi săn đuổi nàng Cordelia, xem nàng như con mồi.
Vì thông minh, Johannes biết cách biện minh (mị Cordelia là để phát triển kinh nghiệm mới cho nàng, lợi cho cả hai đấy thôi…) và cũng ý thức được đời thì phù phiếm, lạc thú thì ngắn ngủi, tuổi trẻ là mộng mị, làm gì thì cũng hối tiếc mà thôi, vô vọng mà thôi. Ở phần khác của bộ sách Hoặc là Hoặc là sẽ có một quan điểm khác với lối sống hiếu cảm, ở đó một vị thẩm phán tuyên giảng về đời sống đức lý.
Thực ra, bộ sách Hoặc là Hoặc là còn nhiều nhân vật khác, mà ta không xét ở đây. Và cuối sách còn gợi lên lối sống tâm linh, tôn giáo. Kể ra như thế để thấy viễn tượng của Kierkegaard về ba chặng đường: hiếu cảm, đức lý và tôn giáo – chứ ông không đồng hóa mình với nhân vật Johannes. Nhưng hãy chỉ xét đến “Nhật ký kẻ mị tình”, ta cũng đã lạc vào một thế giới phong nhiêu của huyền thoại, thẩm mỹ, tâm lý, triết lý… với một văn phong đầy biến hóa, đầy khơi gợi, ám ảnh.
“Nhật ký kẻ mị tình” sẽ ra mắt độc giả vào tháng 7/2015.
Kierkegaard là con út trong một gia đình giàu có. Mẹ ông trước kia là người hầu được người cha cất lên làm vợ. Người cha ấy nghiêm khắc, kính tín (theo đạo Tin Lành, quốc giáo của Đan Mạch) nhưng xưa kia thời trẻ tuổi nghèo khó đã buột miệng nguyền rủa Thượng đế. Cha ông tin rằng vì sự báng bổ đó mà các con ông sẽ phải chịu tội chết trước tuổi ba mươi như Đức chúa khổ nạn. Tuy nhiên, trong bảy đứa con của ông sống sót được hai người và Kierkegaard cảm thấy ngạc nhiên sung sướng vượt ngưỡng tuổi lời nguyền. Cái tâm lý Sợ hãi và run rẩy của người cha đã truyền sang Kierkegaard và đó cũng là tên một tác phẩm lớn của ông trong sự nghiệp đồ sộ lên đến ba mươi lăm cuốn sách. Năm 1830, Kierkegaard vào Đại học Copenhagen theo đuổi thần học và triết lý và mãi đến mười năm sau mới lấy học vị tiến sĩ. Đáng lẽ trở nên một mục sư trong một nhà thờ ở Đan Mạch, Kierkegaard chỉ ngồi nhà viết sách, nhờ vào gia sản mà người cha đã mất để lại. Là một thanh niên giàu có, ông chẳng xa lạ gì với những thú vui tửu sắc, lại còn phóng đãng nữa, cùng với một hội bạn bè gọi là “Liên minh thần thánh” tán đủ thứ chuyện về âm nhạc, triết lý và gái. Chàng tiến sĩ năm 1840 ấy chinh phục được người đẹp Regine Olsen, cô con gái mười bảy tuổi của một chính khách, hứa hôn với nàng trong khi hình như nàng vẫn còn đang yêu một thầy học của mình. Ngoài sách vở, đó là một thành công lớn của Kierkegaard. Nhưng nhanh chóng, chàng nhận ra sai lầm của mình dù lý do không rõ lắm, chẳng làm sao hiểu nổi, chàng quyết định từ bỏ nàng, như một kẻ mị tình. |
T.Lê