– Đã qua thời kỳ “cao điểm” của bệnh quai bị, sởi (khoảng đầu tháng 4 đến tháng 5 hàng năm) nhưng tại thời điểm này, vẫn có nhiều bệnh nhi mắc bệnh trái mùa.

Khoa Nhi (Bệnh viện Xanh pôn) và khoa Truyền nhiễm (BV Nhi Trung ương, bệnh viện Nhiệt đới TW) cho biết trong thời điểm hiện tại rải rác có những bệnh nhi mắc quai bị, sởi do sức đề kháng kém (2-4 trẻ/ngày nhập viện). Có một số trẻ nhập viện khá muộn, khi mà đã có những dấu hiệu cho thấy bệnh nhi bị biến chứng.

Ngoài sởi, quai bị thì rubella bẩm sinh làm trẻ sinh ra bị rất nhiều dị tật trên cơ thể cũng là căn bệnh đang khiến nhiều trẻ em phải đối mặt, khi mà thai phụ trước đó đã bị nhiễm rubella trong thời kỳ mang thai.

Trẻ mắc bệnh quai bị thường bị sưng tuyến mang tai một hoặc cả hai bên (Ảnh minh họa: Internet)

Cả 3 bệnh trên (sởi, quai bị, rubella) đều là các loại bệnh gây ra bởi siêu vi trùng và rất dễ lây lan. Trẻ có thể bị mắc bệnh khi tiếp xúc với dịch tiết bắn ra từ người bệnh lúc người bệnh ho, hắt hơi, nhảy mũi.

Với ba loại bệnh này, hầu hết trẻ khi mắc bệnh đều hồi phục hoàn toàn sau một thời gian ngắn. Tuy vậy, ở những trẻ có sức đề kháng kém, trẻ bị suy dinh dưỡng, trẻ bị suy giảm miễn dịch bẩm sinh hoặc mắc phải bệnh xảy ra có thể diễn tiến nặng gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm phổi, viêm tinh hoàn ở trẻ nam, viêm buồng trứng ở bé gái, viêm khớp, …

Viêm tinh hoàn thường xuất hiện trong khoảng 7-10 ngày sau khi sưng tuyến mang tai; biến chứng ở não thường gặp ở trẻ với tỷ lệ 25%, xảy ra vào ngày thứ 3-10 sau khi viêm tuyến mang tai.

Để phòng ngừa chủ động và hiệu quả bệnh Sởi – Quai bị và Rubella, bác sỹ Phạm Hương Thảo – BV Xanh Pôn khuyến cáo hiện nay đã có loại vắc xin phối hợp “3 trong 1” hiệu quả và an toàn.

Thời điểm thích hợp tiêm ngừa vắc xin này được qui định dành cho trẻ em từ 12 tháng – 15 tháng tuổi và người lớn. Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ 18 – 35 tuổi được khuyến cáo tiêm ngừa vắc xin Sởi – Quai bị và Rubella trước khi có thai ít nhất là 3 tháng để phòng ngừa nhiễm Rubella ở người mẹ và phòng ngừa hội chứng Rubella bẩm sinh cho thai nhi.

Sởi, quai bị, rubella: Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị

Bệnh sởi: Lúc khởi bệnh trẻ thường bị sốt, khi dấu hiệu sốt giảm sẽ xuất hiện dấu hiệu phát ban, lúc đầu ở sau tai sau đó lan ra mặt, rồi lan dần xuống ngực bụng và ra toàn thân. Khi ban sởi biến mất cũng mất dần theo thứ tự đã nổi trên da, đặc điểm ban sởi là ban dạng sẩn (ban gồ lên mặt da), khi bay sẽ để lại những vết thâm trên da rất đặc trưng. Ngoài ra trẻ còn có một số triệu chứng kèm theo như chảy nước mũi, ho hay đỏ mắt.

Bệnh quai bị: Khoảng 1/3 trẻ nhiễm virut quai bị không có triệu chứng. Triệu chứng thông thường bao gồm: sốt, nhức đầu, sưng tuyến mang tai một hoặc cả hai bên, đau nhức khi nhai. Các triệu chứng khác có thể xuất hiện như mệt mỏi, tinh hoàn có thể bị sưng đau.

Bệnh rubella: Ở trẻ em khi bị nhiễm vi rút gây bệnh rubella thường sốt nhẹ, phát ban lúc đầu ở mặt sau đó lan xuống dưới chân, thời gian phát ban thường kéo dài khoảng 3 ngày. Ban do Rubella thường dày hơn và có màu nhạt hơn ban sởi, có thể kèm theo tình trạng sưng hạch, đau khớp.

Đối với cả 3 bệnh trên, cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt khi nhiệt độ cơ thể ở mức 38.5 độ. Ngoài ra, cần tăng cường sức đề kháng cho trẻ bằng cách bổ sung dinh dưỡng, giữu gìn vệ sinh sạch sẽ, …

(Ths. Bs. Đinh Thạc- Chuyên viên tư vấn nhi khoa, BV Nhi đồng 1 TP HCM)


  • N.A.