- "Những gương mặt trẻ trung, thân thiện, nhanh nhẹn, cởi mở, chân tình, hiện đại… Tôi thấy mình thật may được làm việc trong một tập thể với những nhà báo như thế", nhà thơ Hữu Việt.

         Nhà thơ Hữu Việt
1.

Ngày đầu tiên có mặt ở phòng làm việc mới của mình ở VietNamNet cũng là lần đầu tiên tôi đến VietNamNet. Không biết có ai đi tìm việc mới như tôi không, nhưng thời điểm ấy, trong làng báo điện tử, VietNamNet hấp dẫn tới mức tôi không chút đắn đo khi nhận được lời mời và muốn về thử sức ngay.

Nói về làm báo điện tử, lúc ấy trình độ “báo mạng” của tôi chỉ tương đương với một blogger hạng trung bình. Tôi mù tịt về quy trình làm báo; những thuật ngữ như CMS, VPN, phân quyền, chờ duyệt (pending), xuất bản hẹn giờ (pre-published), đặt tin liên quan, highlight, dán video, audio v.v… tôi lần đầu tiên nghe thấy.

Các thủ thuật như giật tít, lít (lead), box, câu viu (view), chọn giờ vàng, rồi trực chính, trực phụ, xuất bản hộ, đổi pass, mail group… tất cả rối như một mớ bòng bong.

Chưa bao giờ trong một ngày tôi phải viết và nhận email nhiều đến thế. Nhưng thách thức lớn nhất vẫn là các cuộc họp. Họp ban, họp tòa soạn, họp với ban cố vấn, họp cộng tác viên, giao ban hàng ngày, giao ban tuần, họp đầu giờ, họp cuối giờ…

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (đã vào làm ở VietNamNet trước tôi hai năm) từng nói đùa: “Số lượng các cuộc họp trong một năm ở VietNamNet bằng tất cả các cuộc họp tôi dự từ khi đi làm đến giờ!”

Trước kia, lên mạng chat chủ yếu là tán gẫu, còn từ khi về đây, chat là một công cụ không thể thiếu để trao đổi, nhờ vả hoặc thậm chí đưa ra các mệnh lệnh.

Tòa soạn khi ấy ở 141 phố Bà Triệu, cạnh nhà họa sĩ nổi tiếng Đào Hải Phong. Nếu viết cả những kỷ niệm về ông bạn hàng xóm thân thiết này thì bài báo của tôi có nguy cơ trở thành truyện dài kỳ, nên xin khất vào dịp khác.

Tôi được phân ngồi trên tầng 4, khu vực dành cho thư ký tòa soạn, lọt thỏm giữa các anh Quang Hải, Thế Vinh, Hữu Khôi, các chị Lê Hạnh, Lan Anh, Khánh Linh. Người nào người nấy mặt đầy bí hiểm, đáp lại câu chào lễ phép của tôi bằng một cái gật đầu, nhưng mắt vẫn không rời màn hình vi tính, còn tay thì gõ bàn phím rào rào.

Tôi cậy mình là nhà thơ, tự coi là chỗ thân tình với nhà thơ – phó Tổng thư ký tòa soạn Quang Hải (ở tòa soạn mọi người gọi anh là Tagore Việt Nam), nhờ anh chỉ bảo cho mấy đường cơ bản. Gương mặt khó đăm đăm của anh bấy giờ mới nở một nụ cười tươi: “Tôi cũng đếch biết gì hơn ông đâu, nhưng cần gì cứ hỏi.”

Ngay lập tức, màn hình chat của tôi nhấp nháy sáng: “Cái gì chưa biết, anh cứ hỏi em nhé!”. Tôi đưa mắt nhìn quanh, nhận ra cách chỗ mình ngồi không xa một cánh tay thân thiện giơ lên kèm theo nụ cười bẽn lẽn. Duyên. Một cậu bé kỳ lạ, bé nhỏ đến không ngờ, khi di chuyển phải có sự hỗ trợ của đôi nạng hợp kim nhôm. Nhưng đó là một thanh niên chu đáo và kiêu hãnh.

Đến bây giờ, khi đã rời VietNamNet được hơn 2 năm, tôi vẫn còn một ân hận vì chưa thực hiện lời hứa với cậu. Đó là dạy cậu một bài đánh gậy tự vệ rút gọn từ phần tề mi côn của môn phái Vịnh Xuân quyền.

Nhà thơ Hữu Việt, hiện là Phó Tổng biên tập báo Phụ nữ Thủ đô

Việc đầu tiên tôi “hòa nhập” được ngay với ban Thư ký tòa soạn vì Quang Hải, Thế Vinh, Hữu Khôi là 3 cái ống khói đốt suốt ngày. Mặc dù tòa soạn đã có lệnh cấm hút thuốc lá trong phòng, nhưng quy định đó chỉ được thực hiện nghiêm vào giờ cao điểm, còn những lúc trực đêm, buổi sáng, buổi trưa thì cứ gọi là nghi ngút. Quang Hải có một lọ hoa cao quãng nửa mét dùng làm gạt tàn, vài hôm lại mang đi đổ một lần.

Phó Tổng biên tập Phạm Tuấn ghé vào bảo: “Anh yên tâm, sẽ có 2 tuần để anh làm quen với công việc. Em sẽ cử người training cho anh. Ngày trước, anh Hữu Khôi một tháng sau mới phải xuất bản cơ mà.”

Ngồi được một lúc thì Quang Hải có người đến trao đổi bài vở. Tiếp theo là Thế Vinh có khách. Rồi Hữu Khôi, Lê Hạnh, Lan Anh có người vào chơi. Nói chuyện vu vơ một lúc, đi ra ai cũng cười khúc khích. Sau này tôi mới biết mọi người vào “xem mặt” mình. Và cũng sau này mới biết, toàn những “cao thủ” cả: Anh Đăng Tấn, thầy Minh, chị Việt Lâm, Thu Hà, Phương Loan, …

Riêng anh Phong Doanh ở Ban cố vấn thì tôi hân hạnh biết từ trước, khi anh còn làm Tổng biên tập báo Sinh viên – Hoa học trò, tôi với Hữu Khôi thì làm ở Tiền Phong. Chúng tôi nói đùa, 3 anh em thuộc “cánh Trung ương Đoàn” sẽ “co cụm” lại, bảo ban nhau mà làm việc.

Buổi trưa, Phạm Tuấn mời tôi đi ăn cơm trong một cái quán cà phê trên phố Mai Hắc Đế mà bây giờ đã quên tên, nhưng nếu đến thì vẫn nhớ đường. Chỉ là cơm văn phòng, nhưng với tôi, đó là buổi “ra mắt” hoàn hảo. Ngoài những người cũ, tôi được làm quen với Thu Lý, Bình Minh, Hoàng Hường,Thu Thủy, Linh Thủy, Nhật Mai, Trung Kiên… và lẽ dĩ nhiên, sau đó là các “thuộc cấp” của tôi trong ban Văn Hóa: Từ Nữ Triệu Vương, Hà Sơn, Bích Hạnh, Khánh Linh, Tuấn Hải, Hữu Trọng, Huy Hoàng…

Những gương mặt trẻ trung, thân thiện, nhanh nhẹn, cởi mở, chân tình, hiện đại… Tôi thấy mình thật may được làm việc trong một tập thể với những nhà báo như thế.

Người ta bảo cái gì “đầu tiên” thường rất khó quên. Lần gặp gỡ đầu tiên, mối tình đầu tiên, nụ hôn đầu tiên, tháng lương đầu tiên, nỗi đau đầu tiên, vấp ngã đầu tiên… đều là những dấu ấn in đậm trong hành trình dằng dặc nhiều khi tẻ nhạt của đời sống. Cái đầu tiên thế nào sẽ quyết định cái cuối cùng như thế, giống như một quy luật của tự nhiên và của tâm linh nữa.

Sau này, nhiều nhà báo, phóng viên (trong đó có tôi) rời VietNamNet nữa vì những lý do khác nhau, nhưng chúng tôi vẫn giữ quan hệ bạn bè và đồng nghiệp thân thiết. Đặc biệt, khi VietNamNet có việc cần (hoặc chúng tôi cần VietNamNet tương trợ), thì chỉ cần gọi lên một tiếng, mọi người lại ùa về.

Chúng tôi đã sống và làm việc hết mình khi ở cùng nhau. Đã cùng trải qua những khó khăn và đặc thù khắc nghiệt của nghề báo. Đã học hỏi, cống hiến và trưởng thành trong một môi trường làm báo đầy thách thức, nhưng thú vị và mê hoặc.

Tôi có một niềm tin chắc chắn rằng, những gì chúng tôi đang có với nhau ngày hôm nay đã được khởi nguồn từ cái đầu tiên, cái thuở ban đầu xao xuyến ấy…

 2.

 Nói đến VietNamNet, không thể không nhắc đến anh Nguyễn Anh Tuấn, người đầu tiên dựng lên trang thông tin điện tử, “khai nhãn” để nó trở thành một tờ báo điện tử tầm cỡ với tên miền vietnamnet.vn mà anh là Tổng biên tập đầu tiên.

Tôi không có nhiều kỷ niệm với anh, chủ yếu bởi cái sự khái tính của mình. Tôi thích chơi và hòa đồng với những người đồng cấp hoặc cấp dưới nhưng lại rất ngại, đúng hơn là rất vụng về trước cấp trên. Tôi hay có xu hướng co lại (hoặc xuề xòa – điều mà cấp trên thường rất không thích), vì luôn sợ bị người trên hiểu lầm, thậm chí coi thường mình đang tìm cách xây dựng những mối quan hệ ấy với mục đích vụ lợi, cho dù trong thực tế đa phần không phải như vậy.

Anh Tuấn là người nho nhã, thích những ý tưởng mới và bản thân cũng có nhiều ý tưởng mới. Anh còn là người quyết đoán, có khả năng tập hợp và thuyết phục số đông.  

Tôi về được hơn tháng thì anh lập ra nhóm “Café thứ Bảy”. Đây là ý tưởng của nhà báo Trần Trọng Thức, lúc ấy là cố vấn đặc biệt của TBT Nguyễn Anh Tuấn. Thứ Bảy hàng tuần, một nhóm key person sẽ ngồi uống café và thẳng thắn trao đổi với nhau tất cả mọi chuyện diễn ra trong tuần của tòa soạn, từ đó đưa ra các giải pháp, ý tưởng hoặc hoạch định những hướng đi mới.

Khoảng thứ Năm hoặc thứ Sáu, trợ lý TBT sẽ gửi mail thông báo địa điểm và chủ đề thảo luận của tuần này. Chỉ những ai nhận được mail mới được có mặt, điều đó có nghĩa là sẽ có những “key” không được mời. Thậm chí những người tham gia nhóm hàng tuần cũng không biết trước ai được mời, ai không. Điều này tạo ra một sự bí hiểm vui vui theo kiểu hội kín, hội hở.

Chủ đề thảo luận hàng tuần thì nhiều, nhưng tôi nhớ nhất một topic mà cho đến nay, câu trả lời vẫn còn để ngỏ. Topic ấy thế này: “Tại sao VietNamNet từng mời rất nhiều người giỏi về làm việc, nhưng sau một thời gian thì những người ấy lại ra đi?”

Với một người làm ở VietNamNet chưa lâu như tôi, thì đây là một câu hỏi rất thẳng thắn, không ve vuốt, kiêng dè. Tôi đặc biệt thích cách đặt vấn đề rõ ràng, sòng phẳng này, nó rất chuyên nghiệp và rất “tây”.

Điều bất ngờ hơn là câu hỏi ấy lại dành cho tôi – người mới về VietNamNet quãng một tháng. Những giáo trình về khoa học quản lý chỉ ra rằng, có 3 yếu tố chi phối quyết định chọn nơi làm việc mới của một người, đó là: công việc (bao gồm cả môi trường làm việc và vị trí công việc), cơ hội thăng tiến và thu nhập. Những người làm khoa học quản lý thật láu cá, kết luận này rất khái quát mà cũng rất cụ thể. Chính vì vậy nó luôn đúng nhưng chưa hẳn đã đủ với từng cá nhân và từng hoàn cảnh.

Hôm ấy tôi đã trả lời rằng: “Trước khi về VietNamNet tôi đã biết đến điều này và tự hỏi: phải chăng những người đến rồi đi chưa hẳn là những người thực giỏi, hoặc ngược lại, họ quá giỏi? Nghề báo là một nghề đặc thù. Vậy cái gắn kết lâu dài những người làm báo trong một tòa soạn là gì khi cả 3 tiêu chí trên đều đã được thỏa mãn? Tôi hy vọng mình sẽ không thuộc số những người đó!”

Tôi tự nhận thấy câu trả lời của mình khá thành thực, nhưng cũng hơi “khéo”. Quả thật trong hoàn cảnh lúc bấy giờ, tôi không biết nói gì hơn, và mọi người hình như cũng hiểu nên dành cho tôi cách tiếp nhận độ lượng.

Và hôm nay, đến khi ngồi viết những dòng hồi ức này, tôi vẫn tiếp tục suy nghĩ và tạm đưa ra câu trả lời (có thể là vẫn chưa đúng) của mình.

Nhà thơ Hữu Việt