Với hơn 70% học sinh tiểu học trong tỉnh là người dân tộc thiểu số, VNEN được Sở GD-ĐT Lào Cai coi là giải pháp quan trọng, có tính bền vững quyết định chất lượng giáo dục trong thời gian tới.
Các trường tham gia thực hiện dự án Mô hình Trường học mới tại Việt Nam (VNEN) tạo được những chuyển biến rõ rệt, với quang cảnh khang trang, lớp học trang trí sinh động hơn, đẹp đẽ hơn.
Đặc biệt, nếu như những năm trước đây, việc dạy học sinh người dân tộc đọc thông, viết thạo tiếng Việt khá khó khăn, thì hiện nay học sinh của những trường tham gia VNEN không chỉ đọc thông viết thạo, mà tự tin giao tiếp, trình bày ý kiến, suy nghĩ một cách mạch lạc, rõ ràng.
Ví dụ như ở Tả Phìn. Đây là bản của người Dao Đỏ, được biết đến như một địa điểm nổi tiếng mà hầu hết du khách tới Sapa đều tìm đến, còn trường tiểu học Tả Phìn có 420 học sinh thì 412 em là người dân tộc. Tuy nhiên, những học sinh dân tộc ở đây lại không hề nhút nhát như mọi người từng nghĩ. Đó là nhờ việc đổi mới phương pháp dạy học theo mô hình VNEN.
Trong năm học vừa rồi, Minh Ngọc đã làm nhóm trưởng 3 lần. Minh Ngọc đang không hài lòng vì bạn Lý Láo Lở học chưa tốt. “Nhóm trưởng phải gương mẫu, biết điều hành, hướng dẫn các bạn học bài” – Minh Ngọc cho biết. Đây là tư thế học bài yêu thích của hai cô bạn thân Sùng Thị Cha và Vàng Thị Nhứ. Em Sùng Thị Cha có mẹ bỏ đi Trung Quốc từ nhiều năm nay, bố lấy vợ khác, gia đình thuộc hộ nghèo. Ngày nhỏ, bố mẹ để em ngồi gần bếp lửa quá nên em bị ảnh hưởng một bên mắt. Từ đầu năm đến giờ, bên mắt còn lại cũng mờ nốt, nhưng gia đình không có điều kiện đưa em đi khám. Cô Nguyễn Thị Thường, giáo viên chủ nhiệm lớp 4B thương cảm cho biết “Mắt mũi như thế nhưng buổi chiều mà được nghỉ học là em Cha lại đi bán đồ thổ cẩm. Có hôm em Cha cùng 2 cô bé bạn thân còn dắt nhau lên tận Sapa để bán. Cô vẫn phải dặn là nếu về muộn không được lên xe người lạ, không được để người lạ dẫn đi. Cha ngoan lắm, bán được bao nhiêu tiền đều đem mua những thứ cần thiết cho gia đình như bột ngọt, gia vị chứ không tiêu riêng”. Cuộc sống vất vả nhưng với Cha, đi học là thời gian rất vui. Các góc học tập, thư viện lớp học được thể hiện theo chủ đề, chủ điểm giúp học sinh thuận tiện trong việc tra cứu thông tin, nghiên cứu trải nghiệm, học sinh được thể hiện chính bản thân mình trong các hoạt động tìm tòi, khám phá chủ động lĩnh hội kiến thức trong nội dung bài học. |
Mô hình này còn đưa các nội dung dạy trải nghiệm thực tế thông qua phát huy lợi thế truyền thống văn hóa địa phương vào giảng dạy. Với trường Tiểu học Tả Phìn, đó là việc trường mời các nghệ nhân trong vùng đến giảng dạy, trình diễn cho học sinh kiến thức về thuốc gia truyền, nghề thổ cẩm, làm khèn, sáo...
Chị Chảo Sử Mẩy có cháu học ở trường Tiểu học Tả Phìn. Chị có nghề bốc thuốc. “Người Mông không biết các mặt cây thuốc, nhiều lúc phát nương bỏ hết đi, phí lắm. Cả xã bây giờ có mỗi nhà tôi và nhà một người anh họ là lấy thuốc. Tôi muốn dạy cho các em học sinh nhận mặt thuốc và công dụng để mọi người sau này còn biết, cũng để các cháu nếu có thời gian đi lấy thuốc về bán kiếm thêm thu nhập cho gia đình”.
Anh Lý Dào Phin vào tận lớp con gái để xem con học. Từ hai năm nay, ngôi trường này đã quá quen thuộc với anh, không chỉ vì anh có 2 con đang theo học tại đây, mà vì anh còn đóng vai trò thầy dạy làm khèn, thổi khèn cho các học sinh nam. “Trước đây tôi được người lớn dạy như thế nào thì nay tôi dạy lại cho các em như vậy. Tôi dạy thấy vui lắm, vừa làm vừa trò chuyện với các cháu. Con mình thấy bố đến dạy các bạn cũng rất tự hào”. Chị Thào Thị Sông có nhiệm vụ dạy các học sinh nữ dệt vải, se len, thêu thùa. Tôi có 2 cháu đang học lớp 2 và lớp 4 ở trường này. “Tôi mới đến dạy được một năm, mỗi tuần 1 – 2 buổi. Tôi không ngại đâu, chồng tôi động viên đi dạy cho các cháu biết tay nghề là không sợ gì cả. Ở đây cũng toàn là con em của mình thôi”. Chị Sông có cửa hàng, có xưởng dệt vải cho các em tới tham quan, thực hành. “Tất cả các nguyên liệu như chỉ thêu, mây tre đan lát, máy cắt thuốc, lá thuốc, nhạc cụ dân tộc… đều do cha mẹ học sinh ủng hộ. Sau đó, chính họ lại cùng với giáo viên trực tiếp hướng dẫn cho con em mình. Như vậy là cộng đồng cùng trách nhiệm” - thầy hiệu trưởng Hà Tiến Dũng cho biết |
|
Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Lào Cai, ông Nguyễn Anh Ninh, khi đưa mô hình VNEN vào áp dụng, điều khó nhất là làm thế nào để phụ huynh học sinh thấy được kết quả.
"Với sự nỗ lực của các thầy cô và học sinh, cho thấy, VNEN là mô hình đổi mới căn bản, toàn diện giúp nâng cao phẩm chất, năng lực học sinh.
Trước đây, do nặng về trang bị kiến thức, giáo viên như những "thợ dạy", khi áp dụng mô hình VNEN, giáo viên phải bảo đảm tính chuyên nghiệp, đã trở thành nhà sư phạm cả về chuyên môn, phương pháp, tâm lý. Đáng chú ý, thực hiện mô hình VNEN là điều quan trọng để tiếp cận đổi mới chương trình, sách giáo khoa sắp tới" - ông Ninh khẳng định.
Từ năm học 2011 - 2012, tỉnh Lào Cai đăng ký triển khai thí điểm mô hình trường học mới VNEN ở bốn trường gồm tám lớp, có 171 học sinh tham gia. Đến năm học 2014 - 2015, số trường thực hiện mô hình trường học mới VNEN trên địa bàn Lào Cai được nhân rộng, triển khai tại 117 trường (trong tổng số 238 trường tiểu học trên toàn tỉnh) với hơn 31.446 học sinh theo học. Trong năm học tới, mô hình này sẽ tiếp tục được nhân rộng trên địa bàn tỉnh. |
Phương Chi