Thời gian qua, nhiều loại nước hoa mang thương hiệu nổi tiếng thế giới được rao bán với giá rẻ hàng chục lần so với giá gốc; thậm chí, có loại giá rẻ “giật mình”, chỉ 50.000-200.000 đồng. Điều đáng nói, các sản phẩm này được bày bán nhan nhản tại các chợ, cửa hàng và trên mạng xã hội. Vì ham rẻ, nhiều người tiêu dùng đã mua phải nước hoa giả, kém chất lượng, gây hại cho sức khỏe bản thân.
Hàng giả, nhái ngập tràn
Chiều 19-2, tại chợ Nhà Xanh (quận Cầu Giấy), nhiều sinh viên có mặt ở quầy bán mỹ phẩm, chọn mua vài lọ nước hoa.
Sinh viên Nguyễn Quỳnh Hoa (Trường Đại học Thương mại) cho biết đã mua nước hoa tại chợ được 2 năm. Vừa nói, Hoa vừa chỉ vào lọ nước hoa Hermes giá 200.000 đồng và nhanh tay trả tiền. 5 phút sau, một bạn nữ khác hỏi mua lọ nước hoa Chanel với giá 150.000 đồng. Theo quan sát của phóng viên Báo Hànộimới, chỉ trong thời gian ngắn đã có hàng chục lượt người hỏi mua nước hoa, mỹ phẩm tại chợ Nhà Xanh để phục vụ nhu cầu làm đẹp.
Theo chị Lê Thu Hằng (phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy), một người chuyên bán hàng mỹ phẩm trực tuyến, nắm bắt được nhu cầu thích mua hàng giá rẻ của sinh viên nên chị thường đến các chợ như chợ Nhà Xanh, chợ Đồng Xuân, Chợ Hôm - Đức Viên để nhập hàng có thương hiệu với giá rẻ bằng 1/2, 1/3 giá thị trường. “Nhiều người mua nhưng không quan tâm nhiều đến nguồn gốc, xuất xứ”, chị Lê Thu Hằng cho biết.
Tìm hiểu về nước hoa trên internet và mạng xã hội, có thể thấy hiện việc mua bán nước hoa giá rẻ rất phổ biến. Một loại nước hoa đắt, được nhiều người quan tâm là nước hoa Le Labo có giá 4,5-5 triệu đồng/chai 100ml. Tuy nhiên, khi tra Google, có hàng chục giá khác nhau, có cửa hàng rao bán giá vài trăm nghìn đồng. Cụ thể, tài khoản “Mỹ phẩm Authentic” trên Facebook bán các mẫu nước hoa Le Labo với giá 560.000 đồng/chai với lý do tình hình dịch Covid-19 tái bùng phát nên buộc phải trả mặt bằng, thanh lý hàng hóa…
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, anh Nguyễn Quang Huy (phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm), một người chuyên buôn nước hoa cho biết, đây chỉ là chiêu trò bán nước hoa giả của nhiều tài khoản trên mạng xã hội vì loại nước hoa đắt như Le Labo không bao giờ hạ giá đến 90% như rao bán.
Theo anh Huy, người tiêu dùng hiện đang bị giới kinh doanh nước hoa giả lừa bịp là hàng xách tay do các tiếp viên hàng không vận chuyển. Song, kể cả là hàng xách tay thì cũng khó có thể bảo đảm đó là chính hãng. Nếu người tiêu dùng không tinh ý sẽ bị mua hàng nhái, hàng giả được làm khá tinh vi, đủ mã Code, mã vạch như hàng thật.
Hãy là người tiêu dùng thông minh!
Về vấn đề sử dụng nước hoa giả, kém chất lượng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hồng Côn (Khoa Hóa học, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, có nhiều loại nước hoa giả đang lưu thông trên thị trường. Nếu là loại nước hoa giả nhưng làm giống như thật thì sự ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng hạn chế hơn.
Loại thứ hai là làm giả không giống hàng thật, sử dụng hóa chất công nghiệp và hóa chất cấm sử dụng, có thể gây hại như viêm da, tổn thương lỗ chân lông. Nếu người tiêu dùng sử dụng thường xuyên còn bị ảnh hưởng đến hệ hô hấp. Nhiều loại nước hoa giả sử dụng hóa chất công nghiệp, khi hết mùi sẽ để lại mùi hôi hoặc gây nấm mốc trên da. “Do vậy, người tiêu dùng không nên ham rẻ, hãy tìm đến những thương hiệu uy tín, có tem kiểm định chất lượng”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hồng Côn khuyến cáo.
Còn theo bác sĩ Vũ Thái Hà (Bệnh viện Da liễu trung ương), việc sử dụng nước hoa giả, kém chất lượng sẽ gây viêm da. Khi người dùng đang có khoảng da hở, nếu sử dụng nước hoa giả có sử dụng hóa chất quá liều hoặc các chất tạo mùi sẽ ảnh hưởng đến da như viêm da tiếp xúc, tổn thương da hở.
Theo Cục Quản lý thị trường Hà Nội, năm 2021, Cục đã kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền 4.042 vụ, phạt gần 43 tỷ đồng, trong đó có nhiều vụ buôn bán nước hoa giả. Gần đây nhất, ngày 2-11-2021, Cục đã tiêu hủy 64 thùng hàng hóa là nước hoa không rõ nguồn gốc xuất xứ bị thu giữ tại số 91, phố Hàng Gà (quận Hoàn Kiếm) với 2.000 chai nước hoa giả mạo nhãn hiệu Gucci, Chanel, Dior...
Trong năm 2021, Cục cũng phối hợp với các cơ quan chức năng phát hiện các cơ sở sản xuất, sang chiết, dán nhãn các sản phẩm nước hoa mang thương hiệu nước ngoài tại xã Hồng Dương (huyện Thanh Oai); thu giữ 11.821 sản phẩm nước hoa, kem dưỡng nhãn hiệu Dior, Chanel... tại số 76, đường An Dương, phường Yên Phụ (quận Tây Hồ).
Để kiểm soát việc buôn bán nước hoa giả, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết, Cục đã chỉ đạo các đội quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hàng hóa lưu thông trên địa bàn, có biện pháp ứng phó, xử lý kịp thời. Đồng thời, trong năm 2022, tăng cường kiểm tra xử lý hành vi lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để kinh doanh nước hoa nhập lậu, nước hoa giả... Về phía người tiêu dùng nên tìm mua sản phẩm nước hoa có nguồn gốc xuất xứ, có giấy tờ chính hãng để tránh mất tiền oan, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Theo Hà Nội mới