"Để chú, vì người ta trả tiền để chú làm việc đó". Nói chuyện dăm câu, mình mới hay ngày xưa chú cũng từng học đại học. Thế sự thăng trầm, gia đình chú rời TP.HCM về miền đất mới. Con gái chú mất trong một tai nạn, chú đem cháu ngoại về nuôi.

Cô chú ngày một lớn tuổi, ở quê không làm gì ra tiền nên khi cháu ngoại vào đại học, chú trở lại TP.HCM, kiếm thêm chút tiền nuôi cháu ăn học và cũng tiện bề chăm sóc cháu.

Mình nói: "Cháu học ngành đó, ra trường có việc ngay, chú sẽ không phải làm việc này nữa". Chú cười: "Trời cho còn sức khỏe, chú vẫn sẽ làm chứ không muốn phiền đến cháu".

***

Thỉnh thoảng mình ghé quán bên đường, quán nghèo, người phụ việc cũng nghèo. Có lần đang ăn mình thấy con trai của người phụ việc lại xin tiền. Chị đưa tiền, rồi hối con đi cho nhanh không thì bạn bè biết mẹ làm ở đây.

Sợ mình hiểu sai về con, chị nói, con chị có hiếu lắm, biết nhà nghèo nên chịu khó học hành, biết đi làm thêm để kiếm tiền. Chỉ là chị không muốn con gặp người quen ở đây, chị sợ con tủi thân với bạn bè. Mình mỉm cười: "Dạ, em hiểu mà chị".

Đất miền Trung lớp khô cằn sỏi đá, lớp bão lụt tơi bời, con vô đại học, chị cũng vô TP.HCM hoa lệ, vừa nuôi đứa lớn ăn học, vừa gửi tiền về quê nuôi đứa nhỏ. Mình nói: "Ráng vài năm, con chị ra trường, kiếm được tiền, chị sẽ không còn vất vả nữa". Chị cười: "Không, chị vẫn đi làm em ơi, tiền của con trai làm ra, chị muốn con để dành lo cho tương lai của nó".

***

Có lần mình ghé ven đường mua một bó cúc vàng, anh bán bông có lẽ hơn mình chừng 2,3 tuổi gì đó, nhưng sương gió cuộc đời làm vẻ bề ngoài của anh già hơn tuổi thật cả chục tuổi. Lúc tính tiền, mình buột miệng: "Sao rẻ quá vậy anh, rồi lời được mấy đồng đâu". "Anh lấy công làm lời chú ơi, bán sao để được khách thương mà ghé lại lần sau".

Hỏi thăm đôi ba câu, mình mới biết từ khi con gái vô TP.HCM học đại học, anh cũng vô TP.HCM ở trọ, ngày ngày chạy khắp phố bán bông dạo để kiếm tiền nuôi con. Anh nói: "Vậy mới có đồng ra đồng vô mà nuôi con ăn học, chứ ở quê, biết làm gì ra tiền bây giờ". Mình đùa: "Giờ phải vất vả trăm bề để nuôi vợ thằng khác, không biết sau này nó có nuôi lại mình ngày nào không". Anh cười: "Anh cầu trời là nó nuôi được thân nó, chứ mong gì nó nuôi lại mình chú ơi".

Ảnh minh họa.

***
Sau đợt dịch, mình ghé quán hàng rong gặp cô. Lúc dịch cao điểm, cô bị kẹt lại TP.HCM, không thể về quê. Được bà con trong xóm trọ thương nên mới cầm cự được. Thấy nhiều người tháo chạy khỏi TP.HCM bằng xe máy, cô hoảng quá, ráng tìm người quen để xin quá giang về quê mà không được.

Trong cái rủi có cái may, nhờ ở lại nên giờ này cô mới đẩy xe đi bán được, kiếm được chút tiền nuôi con trai út đang học đại học. Dịch bệnh làm tan tác nhiều xóm trọ nghèo, cô đã chuẩn bị tinh thần cho một chuyến đi xa, mà trời còn thương nên vẫn đặng bình an.

Mình an ủi: "Thôi cô ráng vài năm, con trai út ra trường, cô không phải đội mưa đội nắng rong ruổi khắp TP.HCM nữa". "Ngày nào trời cho còn khỏe, cô vẫn đi bán con ơi, chứ tiền con mình làm ra, bao nhiêu là mồ hôi nước mắt của con mình trong đó, cô không nỡ xài đâu".

***

Hồi học đại học năm thứ hai mình về thăm nhà và phải trở lại TP.HCM sớm cho kịp giờ học, ba mình đạp xe chở mình ra bến. Đến bến xe, ba hối mình vô ăn sáng rồi vội vã ra về để chuẩn bị đi làm. Lúc đó mình nghĩ rằng ba phải ra đồng sớm. Ăn sáng xong, lên xe ngồi chờ, qua cửa kiếng, bất chợt mình thấy ba vẫn còn đứng xa xa nhìn cho đến khi xe từ từ lăn bánh và bóng ba từ từ khuất dần trong ánh đèn vàng vọt.

Ba không biết rằng lúc đó mình đã tìm được chỗ dạy kèm, mình có lương, có đủ tiền để mời ba 1 tô phở. Nhưng mình hiểu dù biết mình đã đi làm và có thêm chút tiền, ba cũng sẽ từ chối tô phở đó. Sau ngày ba về trời, đọc hồi ký của ba, mình mới hay đến tận những năm cuối đời, ba vẫn còn tự trách bản thân không có tiền để lo cho mình đầy đủ như bạn bè trong những năm học đại học ở TP.HCM.

Ừ, thì muôn đời nước mắt vẫn chảy xuôi…

(Một giảng viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM)