OCI.jpg
Tịch thu tang vật tại trụ sở Công ty cổ phần Một Kết Nối.

Ngày 31/7, Bộ TT&TT đã có Quyết định số 1058/Qđ-BTTTT về việc giải quyết khiếu nại của Công ty cổ phần Internet Một Kết Nối (OCI) đối với Kết luận Thanh tra số 390/KLTT-STTTT ngày 16/3/2009 và Quyết định giải quyết khiếu nại lần 1 số 177/QĐ-STTTT ngày 18/5/2009 của Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh. Trước đó, Công ty OCI đã bác bỏ toàn bộ nội dung chính trong kết luận thanh tra và giải quyết khiếu nại lần 1 của Sở TT&TT TP Hồ Chí Minh đối với Công ty OCI.

Theo kết quả đoàn công tác xác minh hệ thống thiết bị kỹ thuật và cung cấp dịch vụ điện thoại Internet của Công ty OCI ngày 1/6/2009 và Báo cáo bổ sung ngày 4/6/2009, báo cáo của Công ty OCI ngày 19/1/2009 và ngày 28/5/2009; Biên bản về việc gặp gỡ, đối thoại ngày 18/7/2009 giữa Thanh tra Bộ TT&TT với Công ty OCI, với Sở TT&TT TP. HCM, Quyết định số 1058/Qđ-BTTTT ra ngày 31/7/2009 của Bộ TT&TT kết luận Công ty OCI đã kinh doanh, cung cấp dịch vụ điện thoại quốc tế chiều về Việt Nam loại hình điện thoại Internet “Phone-to-Phone” là không đúng quy định vì loại hình dịch vụ này chưa được phép cung cấp tại Việt Nam. Công ty OCI kinh doanh dịch vụ điện thoại quốc tế chiều về Việt Nam loại hình Internet “Phone-to-Phone” chưa được phép của Bộ TT&TT là kinh doanh trái phép.

Điều 2 Quyết định số 476/QĐ-BBCVT ngày 27/6/2003 thì Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ TT&TT) mới chỉ cho phép doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ứng dụng Internet trong viễn thông được cung cấp dịch vụ điện thoại Internet loại hình PC-to-PC trong nước và quốc tế, loại hình PC-to-Phone chiều đi quốc tế và theo điểm 5 công văn số 109/BBCVT-VT ngày 27/6/2003 về việc quy định và hướng dẫn triển khai cung cấp dịch vụ điện thoại Internet thì Bộ TT&TT chưa cho phép cung cấp các hình thức khác của dịch vụ điện thoại trên Internet đồng thời nghiêm cấm việc phát hành, buôn bán các loại thẻ trả trước không rõ ràng, làm đại lý phát hành thẻ cho các doanh nghiệp nước ngoài. Mọi tổ chức cá nhân có hoạt động hỗ trợ việc cung cấp dịch vụ điện thoại Internet của các doanh nghiệp nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam, kể cả việc buôn bán, phát hành thẻ không hợp pháp là vi phạm các quy định hiện hành của luật pháp Việt Nam.

Việc Công ty OCI kinh doanh trái phép dịch vụ điện thoại quốc tế chiều về Việt Nam loại hình điện thoại Internet “Phone-to-Phone” với tổng số tiền thu được trên 3,4 tỷ đồng là có dấu hiệu vi phạm hình sự. Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh có trách nhiệm chỉ đạo Chánh thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh tiếp tục hoàn thiện thủ tục hồ sơ đối với hành vi vi phạm này để xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Quyết định số 1058/QĐ-BTTTT yêu cầu Công ty OCI phải bổ sung đăng ký kinh doanh ngành cung cấp dịch vụ ứng dụng Internet trong viễn thông.

Ngoài ra, trên cơ sở đối thoại trực tiếp và tài liệu do Sở TT&TT TP. HCM cung cấp cũng như giải trình và tài liệu do Công ty OCI cung cấp thì chưa đủ căn cứ để kết luận Công ty OCI vi phạm pháp luật về hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Về hành vi trộm cước viễn thông của Công ty OCI và các đối tượng khác, lưu lượng dịch vụ điện thoại quốc tế chiều về Việt Nam loại hình điện thoại Internet “Phone-to-Phone” do Công ty OCI đã thanh toán cho OCI Singapore là 1.668.240 phút nhưng các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam nhận của OCI Singapore là 1.427.436 dẫn đến chênh lệch 240.804 phút. Tuy nhiên, OCI Singapore có đối tác nữa là KDDI Global nên có thể số phút chênh lệch này được chuyển cho KDDI Global. Do vậy chưa đủ căn cứ kết luận OCI trộm cước viễn thông.

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được Quyết định 1058/QĐ-BTTTT, Công ty OCI có quyền khởi kiện Kết luận Thanh tra số 390 của Sở TT&TT TP.HCM tại Toà án.  

Đọc toàn bộ bài viết trên báo Bưu điện Việt Nam số 93 ra ngày 5/8/2009