Mối quan hệ nữ - nam với người đàn bà lớn tuổi hơn từng bì bài bác, chế nhạo trong xã hội xưa. Ngày nay, qua hình tượng “phi công trẻ lái máy bay bà già”, vấn đề này được nhìn nhận ra sao?

Lấy chồng già, chỉ được 'chiều' mà không được 'yêu'
Thà lấy chồng già còn hơn!
Ông già lấy vợ kém 52 tuổi "bật mí" chuyện sinh con trai
Những nỗi niềm lệch pha


Về xuất xứ, có thể do cụm từ “máy bay bà già” có sẵn, người ta tiện thể sử dụng luôn. Khi đã có “máy bay” thì tất nhiên phải có “phi công”. Thế nhưng, “phi công trẻ” mà lái “máy bay bà già” thì lại xảy ra một hoạt cảnh chênh lệch không được vừa mắt đối với đám đông nhìn vào.

Để tìm hiểu cách nhìn nhận của từng cá nhân đối với vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cởi mở với một số nhân vật có tuổi tác, nghề nghiệp, hoàn cảnh sống rất khác nhau:

Minh Luân: diễn viên nam chính phim "Anh em nhà bác sĩ" và nhiều bộ phim truyền hình khác, độc thân; Ca sĩ, diễn viên Kim Khánh: Á khôi cuộc thi Trẻ - Khỏe – Đẹp – Thời trang 1991, độc thân; Nhà văn Lê Minh Quốc: thư ký tòa soạn báo Phụ nữ Chủ nhật TP.HCM, độc thân; Bà Ngô Trần Như Ý: Phó giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Như Phát, đang có một gia đình hạnh phúc; Bà Nguyễn Thị Kim Dung: nhà giáo nghỉ hưu ở phường Tân Quy, Q.7, TP.HCM, cũng có một gia đình hạnh phúc với hai con trai thành đạt.

- Anh/chị nghĩ sao về hiện tượng được gọi tên là “phi công trẻ lái máy bay bà già”?

- Bà Nguyễn Thị Kim Dung (N.T.K.D): Đó là một cách nói mang tính xác định vấn đề, khi bà già mà yêu trai trẻ.

- Ca sĩ Kim Khánh (K.K): Tôi buồn cười với cách nói đó. Còn các đồng nghiệp của tôi, nếu biết rõ nhân vật trong cuộc, họ luôn bày tỏ thiện cảm và sự ngưỡng mộ. Họ sẽ bảo, anh chàng đó quá đáng yêu, làm sao không yêu được. Nghệ sĩ thường có cái nhìn như thế về tình yêu. Họ tôn trọng những xúc cảm thật.

- Nhà văn Lê Minh Quốc (L.M.Q): Với người Việt, sự tôn ti trật tự đã hình thành trong các nếp nghĩ: nhỏ tuổi hơn ắt là em, lớn tuổi thì là chị, không gì khác. Thế nhưng, nghĩ cho cùng, đàn ông chỉ là đứa trẻ. Đứa trẻ ấy cần sự nuông chiều, an ủi ở người phụ nữ. Đàn ông vốn yếu đuối. Đời sống buộc họ phải gồng lên gánh trọng trách là rường cột gia đình. Có người làm rất tốt. Có người muôn đời vẫn là đứa trẻ. Họ yêu phụ nữ lớn tuổi hơn vì cần sự bảo bọc, độ lượng, dạy dỗ nơi người phụ nữ ấy.

Còn phụ nữ, vì sao họ lại yêu người nhỏ tuổi hơn? Một phụ nữ xinh đẹp, thành đạt đã tiết lộ với tôi rằng: “Cơ thể người trai trẻ rất đẹp và họ lại ngoan ngoãn, dễ thương”.Ngoài sự hấp dẫn tự nhiên này, có thể còn cả lòng kiêu hãnh ngấm ngầm, rằng tuy lớn tuổi, tôi vẫn quyến rũ được lũ trai mơn mởn xuân tình. Trường hợp này, người tình trẻ chỉ là vật trang trí phù phiếm.

- Diễn viên Minh Luân (M.L): Tôi có vài người bạn yêu phụ nữ lớn tuổi hơn và những cặp đôi đó xem ra lại hạnh phúc, bền vững hơn những cặp tưởng như xứng đôi vừa lứa. Tôi nghĩ, chuyện này không có gì bất bình thường đến mức phải xem là vấn đề. Nếu có vấn đề thì là vấn đề của trái tim, mà khi bạn đòi kiểm soát cảm xúc từ trái tim, chứng tỏ bạn đang bất hạnh, đang sống không thật.

Tôi khâm phục những người dám vượt qua những đàm tiếu, phán xét quá cao đạo của gia đình và xã hội để yêu và sống với lựa chọn của mình.

DV Minh Luân: Với tôi, chuyện tuổi tác không phải là vấn đề trong tình yêu. Vấn đề chỉ từ mình thôi: anh là ai, người dũng cảm hay kẻ hèn nhát

- Bà Ngô Trần Như Ý (N.T.N.Y): Tôi không thích cụm từ “phi công trẻ lái máy bay bà già” chút nào. Nó ẩn chứa sự mỉa mai, thậm chí miệt thị. Phụ nữ luôn cần sự đối đãi nhã nhặn, tôn trọng, huống gì trường hợp này họ đâu làm gì nên tội. Và dù tình yêu ấy xuất phát từ động cơ nào thì đó cũng là chuyện cá nhân của họ.

Bà Ngô Trần Như Ý: Tôi nghĩ với một tầm văn minh và nhận thức tốt, chắc chắn không ai lại gọi phụ nữ là "máy bay bà già".

- Theo anh/chị, vì sao xã hội lại có cái nhìn khe khắt như vậy? Cụm từ “phi công trẻ lái máy bay bà già” gây cho anh/chị cảm xúc gì?

- N.T.K.D: Dĩ nhiên là từ các định kiến. Xã hội mình không thích kiểu quan hệ ngược đời này.

- M.L: Trong xã hội mình, đàn ông yêu người nhỏ hơn họ vài chục tuổi thì chẳng vấn đề gì nếu ông ta là người thành đạt. Trong khi đó, người đời lại có cái nhìn rất thiếu thiện cảm khi nói về việc đàn ông trẻ yêu phụ nữ lớn tuổi hơn. Tại sao khi đụng tới chuyện chênh lệch tuổi tác, người ta liền nghĩ ngay đến việc lợi dụng tiền bạc hay lệch lạc tình dục? Thật tiếc cho những ai chưa một ngày là chính mình, lắng nghe cảm xúc của mình và thôi không mai mỉa, châm chọc khi nhìn vào cuộc đời người khác.

Tôi rất khó chịu khi nghe cụm từ này, tôi nghĩ nó rất xúc phạm phụ nữ.

- K.K: Yêu là một cái duyên. Không phải người ta muốn mà được, chờ mà đến. Con tim có lý lẽ riêng của nó. Không thể áp đặt suy nghĩ chủ quan của người này vào tình yêu của người khác. Nếu đã yêu, người ta sẽ không vì bị ngăn cản hoặc sợ dư luận mà chống lại tiếng nói của trái tim.

Tôi biết một anh đang có công việc ngon lành ở một công ty nổi tiếng nước ngoài, tức là không thiếu điều kiện để có người yêu đúng theo chuẩn chung. Nhưng anh lại đến với một phụ nữ lớn tuổi hơn, cũng thành đạt và xinh đẹp. Nhưng vậy chứng tỏ không có chuyện đào mỏ hay tính toán gì ở đây. Họ yêu nhau chỉ vì… yêu nhau thôi.

Đó là chưa kể trường hợp người trẻ tuổi lại sâu sắc, chín chắn về nhiều mặt, già dặn, trưởng thành hơn tuổi. Trong khi đó, phụ nữ ngày nay có điều kiện để kéo dài tuổi xuân và tăng cường sức khỏe hơn trước nên tuổi tác không hề là trở ngại thật sự cho cả hai người.

- L.M.Q: Người Việt có tâm lý phổ biến là ác cảm với những cuộc tình chênh lệch tuổi nữ - nam. Có thể do cái nhìn xưa cũ từ hàng ngàn năm, trong liên hệ giữa giống đực và giống cái cứ phải là: “Nghìn tầm nhờ bóng tùng quân/ Tuyết sương che chở cho thân cát đằng”, như trong lời than thở của Thúy Kiều.

Thế nên, việc người đàn bà lớn tuổi lại nương nhờ vào người tình bé nhỏ khó được cảm thông. Ca dao Việt Nam với hình ảnh anh chồng “bé tẻo tèo teo” hiện lên như một khắc họa cay độc.

Tôi không thích cụm từ “phi công trẻ lái máy bay bà già”. Nó ập vào nếp nghĩ của mọi người rằng đó chỉ là mối quan hệ xác thịt hoặc tệ hơn – hành động “đào mỏ”, dù trong thực tế đời sống quả có những kẻ tồi tệ như thế.

- N.T.N.Y: Xã hội đã lạm dụng quyền phán xét cá nhân. Người đới khắt khe với cả hai giới, nhưng với phụ nữ thì càng nghiệt ngã hơn. Người đàn ông lớn tuổi lấy vợ kém mình nhiều tuổi cũng bị gán cho câu “trâu già thích gặm cỏ non”.

Tôi cho là xuất phát từ nếp nghĩ phong kiến Á Đông. Chúng ta tưởng mình đang sống trong một xã hội văn minh, hiện đại, nam nữ bình quyền, nhưng tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn. Tôi hoàn toàn không tán thành bất cứ hình ảnh ẩn dụ nào để phán xét người phụ nữ trong trường hợp này cả.

- Với suy nghĩ của anh/chị, độ chênh tuổi tác giữa hai người khoảng bao nhiêu thì chấp nhận được?

- K.K: Không thể hạn định tuổi yêu mà quan trọng là cảm xúc và sự hòa hợp giữa hai người.

CS Kim Khánh: Đây là vấn đề tình yêu, không phải chuyện "đào mỏ" hay tình dục gì đó mà người ta thường nghĩ khi thấy các cặp đôi nữ - nam lệch tuổi

- M.L: Nếu bạn yêu một phụ nữ lớn tuổi hơn, sau đó bạn lại nghĩ chênh lệch tuổi như vậy là không phù hợp và bạn trở nên đắn đo thì đúng là ngay từ đầu bạn đã không hề yêu cô ấy. Yêu là yêu thôi. Sự chấp nhận tuổi tác đã ở ngay khoảnh khắc đầu đến với nhau. Vả lại, điều đó thuộc về người trong cuộc, chứ không phải người ngoài cuộc. Nếu yêu mà sợ bị đánh giá, mà cần được người khác cho phép thì tốt nhất hãy “game over” đi là vừa.

- L.M.Q: Quan niệm truyền thống của người Việt quy định rằng: gái hơn hai, trai hơn một. Khoảng cách hai tuổi thì “Yes”, còn vượt qua nữa thì khó chấp nhận.

Bản thân tôi, khi thừa nhận đã từng yêu phụ nữ lớn tuổi hơn mình, tôi thấy chẳng có gì đáng phải xấu hổ. Bởi tình yêu đó xuất phát từ rung cảm, không vì một mục đích nào khác.

Nghĩ cho cùng, khi đến với một phụ nữ lớn tuổi hơn, có người đàn ông sẽ học suốt đời, có người chỉ một thời gian ngắn rồi rẽ qua đường khác. Dù dài hay ngắn, đó sẽ là khoảng thời gian khó quên của chàng trai trẻ. Với người đàn bà, tôi nghĩ họ cũng sẽ có cảm xúc và cảm giác tương tự.

- N.T.N.Y: Tôi nghĩ cách nhau một thập niên thì đã có sự khác biệt thế hệ. Nhưng cũng có không ít người tuổi trẻ mà đã chín chắn, sâu sắc hoặc ngược lại. Cũng nhiều khi người trong cuộc dù lệch nhiều tuổi vẫn thích nghi, hòa nhập với nhau rất tốt. Nhưng nhìn chung, những cặp đôi lệch tuổi đến cả một thế hệ thì sẽ có sự khác biệt lớn, khó san lấp về tính cách, sở thích, kinh nghiệm sống.

- N.T.K.D: Tôi không bài bác chuyện phụ nữ lớn tuổi yêu một người trẻ hơn nếu độ chênh lệch giữa họ chỉ khoảng vài năm, tối đa là 10 tuổi. Hơn nữa thì không chấp nhận được. Nhiều hệ lụy sẽ xảy ra khi khoảng cách tuổi tác giữa 2 người quá lớn. Câu “phi công trẻ lái máy bay bà già” là dành cho trường hợp này đây. Xã hội phê phán như thế là chính xác, không oan chút nào. Thế nhưng, nếu chỉ hơn nhau dăm tuổi mà cũng bị gọi như thế thì hơi ác.

Bà Nguyễn Thị Kim Dung: Thử hỏi tuổi tôi bây giờ mà cặp với một anh 40 thì có khác gì cặp với con mình? Tôi chẳng thấy cái gì gọi là tình yêu ở mối quan hệ "mẹ con" này.

- Anh/chị nhận định gì và có lời khuyên nào dành cho những cặp đôi chênh lệch tuổi như vậy?


- M.L: Tôi sẽ chúc mừng họ nếu đó là tình yêu, không phải bất cứ lý do nào khác. Vì họ là một trong số hiếm hoi những cặp dám sống, dám yêu theo trái tim mình. Tôi tin rằng, ngày nào con người còn cố sống ép theo những quy chuẩn, những khuôn thước do kẻ khác áp đặt thay vì nghe theo trái tim mình, ngày đó người ta còn đau khổ và còn làm khổ kẻ khác.

- K.K: Khi yêu thì không có chuyện tình nào là trùng lặp, thế nên họ cứ nên yêu và sống cho mình.

- L.M.Q: Lý giải về mối quan hệ chênh lệch này thật không dễ dàng. Văn hào Maxim Gorky đã viết một câu ấn tượng: “Từ vú mẹ đến vú người yêu là một chặng đường dài”. Nỗi ám ảnh khôn cùng đó, có lẽ vẫn đeo bám người đàn ông từ trong vô thức?

NV Lê Minh Quốc: Những người trai trẻ ấy cần sự bảo bọc và kinh nghiệm, nhất là kinh nghiệm tình trường, là sự hoan lạc mà có thể họ không tìm thấy ở phụ nữ cùng thế hệ.

- N.T.N.Y: Phụ nữ luôn thua thiệt nhiều so với đàn ông. Đầu tiên họ phải đối diện với dư luận xã hội, sự cản trở từ 2 gia đình. Sau đó, để duy trì tình yêu thì đa số phụ nữ phải gồng mình chiều theo những suy nghĩ và sinh hoạt trẻ trung hơn của nửa kia. Tôi có chị bạn đã qua một lần hôn nhân đổ vỡ. Đùng một cái, chị yêu rồi cưới người kém chị 7 tuổi và chưa từng lấy vợ. Thời gian đầu chị trẻ ra trông thấy, nhưng chưa đầy năm, tôi lại chứng kiến chị khổ sở, điên đảo vì ông chồng trẻ.

Ông ấy cứ thản nhiên bay bướm với những cô gái khác khiến chị bạn tôi dù “bầm gan tím ruột” vẫn phải cắn răng chiều chuộng, lại tốn tiền làm đẹp, hết hút mỡ bụng đến căng da mặt mà vẫn không yên. Hiện hai người đã sống ly than và kết cục có thể xảy ra là họ sẽ đưa nhau ra tòa li dị.

- N.T.K.D: Bản chất của tình yêu, theo tôi, phải là sự hy sinh, quên mình. Khi yêu một người , ta phải biết nhìn xa, trông rộng, đoán trước những khó khăn mà người yêu có thể gặp để tránh cho họ những khó xử về sau.

Khi một phụ nữ lớn tuổi yêu một cậu trai, bà ấy tất nhiên phải biết sẽ gặp sự chống đối trong gia đình người thanh niên. Vậy bà ta nên làm gì? Tiếp tục quan hệ và biện hộ là vì tình yêu ư? Đó chỉ là sự ích kỷ. Nếu thật sự yêu, bà ấy sẽ chọn cách rời xa cậu ta.

- Nếu anh/chị rơi vào trường hợp đó, anh/chị sẽ làm gì? Trước áp lực, điều tiếng của dư luận, anh/chị làm thế nào để tình yêu ấy được bền vững?

- M.L: Khi yêu, tôi sẽ bảo vệ tình yêu và người phụ nữ của mình. Tôi tin những người thân, người bạn thật sự sẽ mừng cho hạnh phúc của tôi.

Tôi sẽ không để những kẻ đáng thương và hèn nhát, không sống thật được phép phán xét, can thiệp quá đáng vào đời tư của mình.

- N.T.N.Y: Với mối tình lệch tuổi kiểu này thì sự bền vững phụ thuộc nhiều hơn vào bản lĩnh của người phụ nữ. Nếu người đó là tôi, khi đã yêu một người trẻ hơn nhưng tính cách phù hợp và yêu mình thật lòng, tôi nghĩ mình sẽ phải tập trung bản lĩnh đối đầu với dư luận, vượt qua mặc cảm bản thân để tự tin xây đắp hạnh phúc riêng của mình.

- K.K: Tôi có người bạn yêu người trẻ hơn mình 12 tuổi. Cô ấy đã trẻ đẹp ra vì hạnh phúc sau 10 năm héo hon vì phải chờ con lớn.

Hai người này đã quen nhau nhiều năm, thân thiết như chị em, nhưng đến một lúc không chờ đợi, họ bỗng… yêu nhau. Cả con trai 15 tuổi của chị cũng thích chú hơn thích ba mình. Tôi còn mong gì hơn cho bạn?

Tôi rất thường nghe bài hát “Young at heart” của Frank Sinatra. Nó hoàn toàn phù hợp với chuyện này: “Nếu bạn có tâm hồn tươi trẻ/ Bạn có thể đi đến tận cùng những điều dường như không thể/ Bạn có thể cười ngay cả khi những điều trong giấc mơ của bạn tan thành mây khói…”.

- Xin cảm ơn các anh chị đã tham gia diễn đàn này.

(Theo Shape/Đẹp)