Các bạn trẻ tuổi đôi mươi đang học làm phó chủ tịch xã chia sẻ về trọng trách sắp đảm đương – “quan xã”.

Mạnh dạn nộp hồ sơ, vượt qua vòng phỏng vấn và trúng tuyển, các trí thức trẻ đang học lớp bồi dưỡng kiến thức thuộc dự án đưa 600 trí thức trẻ về làm phó chủ tịch UBND xã thuộc 62 huyện nghèo cho rằng đây là trọng trách không dễ đảm đương, thậm chí phải đối mặt muôn vàn khó khăn nhưng họ đều quyết tâm thay đổi mảnh đất khó.

Làm phó chủ tịch xã, không dễ

Phạm Văn Bắc (Quảng Bình), 23 tuổi, tốt nghiệp khoa xã hội - du lịch & kinh tế (ĐH Quảng Bình), xem đây là thử thách lớn và cũng là bước ngoặt trong đời. Đã tham gia nhiều hoạt động xã hội, Bắc tỏ ra tự tin, nhưng cũng còn không ít băn khoăn.

"Mình nghĩ, với nhiệt huyết của SV mới ra trường, chúng mình không ngại gian khổ, sẵn sàng đưa kiến thức góp phần giúp người dân vùng cao xóa đói, giảm nghèo. Tuy nhiên, đây lại là vị trí lãnh đạo cấp xã nên ngoài kiến thức, chúng mình cần có nhiều kỹ năng, cần hiểu phong tục, tập quán, văn hóa địa phương", Bắc nói.
Một buổi phỏng vấn tuyển chọn bạn trẻ làm phó chủ tịch xã. (Ảnh Tiền Phong)
Khác với Phạm Văn Bắc, Lô Thị Trà My (23 tuổi, tốt nghiệp ĐH Nông nghiệp 1 Hà Nội) đã có 2 năm hợp đồng làm cán bộ xã ở huyện miền núi Tương Dương (Nghệ An).

My cho biết ban đầu chỉ làm hợp đồng tại xã miền núi Thanh Giám để chờ cơ hội khác. Tuy nhiên, sau 2 năm công tác, My cảm mến con người và vùng đất này nên khi có thông tin về dự án 600 trí thức trẻ, My quyết định tham gia ngay. Với My, những khó khăn, thiếu thốn nơi vùng cao, phong tục, tập quán, văn hóa của địa phương đều đã quen, giờ quan trọng nhất là kỹ năng lãnh đạo.

Quyết tâm đổi thay vùng đất khó

Tốt nghiệp ĐH Công nghệ thông tin TPHCM, Lê Ngọc Kính (SN 1987, quê Nam Định) quyết định ngược lên Cao Bằng thực hiện ước mơ làm người lãnh đạo có tài, đức. “Ở những vùng đất khó, người dân rất cần những người lãnh đạo có tâm, biết xông pha và gắn bó với họ”, Kính nói. Kính quyết tâm hoàn thành đạt được các mục tiêu đề ra với cương vị phó chủ tịch xã trong vòng 3-4 năm, thay vì 5 năm.

Kính kể, ngày chuẩn bị lên Cao Bằng, bố mẹ quyến luyến lo con trai sẽ vất vả, Kính đáp: “Con đi không phải 5 năm, mà có thể 10 năm, 15 năm. Nếu bà con cần đến con, con sẽ ở lại xây dựng gia đình, gắn bó với bà con luôn”.

Kính cho biết, với lợi thế chuyên ngành công nghệ thông tin, cậu sẽ nắm bắt nhanh nhạy thông tin về chủ trương, chính sách cũng như kiến thức làm giàu để truyền đạt cho bà con.
Các phó chủ tịch xã tương lai làm quen thủ tục hành chính. (Ảnh Tiền Phong)
Hoàng Văn Dũng (SN 1988, Ba Bể, Bắc Kạn) tâm sự: “Tham gia lớp bồi dưỡng, tôi nhận thức rõ ràng, đầy đủ hơn nhiệm vụ của mình sắp tới. Khó khăn rất nhiều. Phải thực sự gắn bó và tin tưởng người dân thì những người trẻ như chúng tôi mới hoàn thành được nhiệm vụ của mình”.

Theo Tiền Phong, ngày 21/11, 44 bạn trẻ - ứng viên phó chủ tịch xã các tỉnh Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị đã tham gia lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước để chuẩn bị về đảm trách vị trí phó chủ tịch xã. Đây là lớp bồi dưỡng kiến thức cho các trí thức trẻ thứ 4 thuộc dự án đưa 600 trí thức trẻ về làm phó chủ tịch UBND xã thuộc 62 huyện nghèo, được tổ chức trong năm 2011. Trước đó, 3 lớp đã được tổ chức tại tỉnh Cao Bằng, Sơn La và Lâm Đồng.

Lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước cho đội viên Dự án 600 phó chủ tịch xã diễn ra trong 3 tháng. Đội viên có 6 tuần học lý thuyết về kiến thức: Quản lý nhà nước nói chung, quản lý nhà nước trên các lĩnh vực ở xã và kỹ năng ứng xử với các tình huống xảy ra ở cơ sở. Thời gian còn lại, đi thực tế tại cơ sở để trải nghiệm, làm quen công việc hằng ngày của phó chủ tịch xã.

600 tri thức trẻ sẽ làm Phó Chủ tịch UBND xã

Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ Đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND xã thuộc 62 huyện nghèo được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 26/1/2011 nhằm tăng cường nguồn nhân lực có trình độ để giúp cấp uỷ, chính quyền xã thuộc các huyện nghèo.

Những trí thức trẻ này được bổ sung cho các xã của huyện nghèo mới chỉ có 1 Phó Chủ tịch UBND.

Người được tuyển chọn phải có độ tuổi dưới 30, là đoàn viên TNCS Hồ Chí Minh hoặc là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam; Có trình độ Đại học thuộc các chuyên ngành phù hợp với yêu cầu công việc. Ưu tiên tuyển chọn người được đào tạo ở các chuyên ngành như: Kinh tế, khoa học - kỹ thuật, nông lâm nghiệp và thuỷ sản, xây dựng, giao thông vận tải, tài nguyên môi trường, luật và pháp lý

Dự án được thực hiện từ năm 2011 đến tháng 6/2017.

Tính đến giữa tháng 11/2011, các tỉnh thuộc phạm vi dự án nhận trên 1.500 hồ sơ đăng ký của trí thức trẻ; 13/20 tỉnh thành lập Hội đồng thẩm định phân loại các hồ sơ, phỏng vấn và hoàn thành công tác tuyển chọn.

K. Minh (tổng hợp)