Tuy nhiên vụ Phương Oanh có “tình tiết giảm nhẹ” là vợ chồng đại gia đang ly thân. Nghĩa là chỉ còn vướng mắc về luật pháp. Vụ Hiền Hồ xem ra dính dáng tới cả đạo đức lối sống.

Sao ngoại tình và hệ lụy ảnh 1

Diễn viên Phương Oanh dính ồn ào.

Sau nửa năm im ắng, Hiền Hồ trở lại trong một đêm nhạc quy mô phòng trà, không bán vé. Sự kiện nhận được phản ứng trái chiều. Nhiều người lên tiếng khá mạnh với luận điểm nghệ sĩ phải đại diện cho chân thiện mỹ, nên một khi đã mắc lỗi nặng như phá hoại gia đình càng phải tẩy chay triệt để. Số khác khẳng định chỉ quan tâm đến sản phẩm nghệ thuật, nhạc hay thì nghe.

Tất nhiên, việc ngoại tình, “cặp” đại gia… vốn dĩ đã khó được xã hội thông cảm. Nhưng cũng phải nói “sơn ăn tùy mặt”. Những người nổi tiếng hoạt động trong các lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn dễ bị ảnh hưởng nặng nề bởi loại bê bối này. Bởi với họ, hình ảnh cũng là một phương tiện kiếm tiền. Các nhãn hàng chẳng đời nào chịu bắt tay với người không được lòng công chúng.

Đời tư của sao cũng là món giải trí cho đại chúng. Khán giả vừa luận tội người nổi tiếng vừa say sưa theo dõi chính các nội dung luận tội đó. Nếu với loại tội vô thưởng vô phạt, thậm chí tên tuổi nghệ sĩ còn được đẩy lên. Vì thế trước đây một số sao cố tình tạo lùm xùm để ăn theo, nhưng chiêu đó không còn tác dụng. Trước kia, một vài nghệ sĩ gây sốc cho toàn xã hội bởi bê bối đời tư. Sau đó không phải ai cũng vượt lên được như Hoàng Thùy Linh. Nhưng mấu chốt ở đây là Linh ở vị trí nạn nhân.

Việc chủ động vi phạm luật hôn nhân gia đình, chưa kể lợi dụng tình cảm để mưu lợi… vẫn khó nhận được sự bao dung trong dư luận. Nhất là ở các nước Á Đông, nơi gia đình là một thành trì có ý nghĩa quan trọng. Nữ diễn viên Kim Min Hee bị ghét bỏ ở Hàn Quốc do mối quan hệ phức tạp với đạo diễn hơn cô 22 tuổi Hong Sang Soo.

Một đặc điểm cố hữu nữa của bối cảnh Á Đông là phụ nữ luôn chịu thiệt thòi. Trong những vụ lùm xùm, sao nữ luôn nhận được sự xét nét ngay từ những khán giả cùng giới. Chưa kể đặc thù của cái nghề phải chường mặt ra công chúng khiến sao nữ càng ở tình thế bất lợi. Chẳng hạn các hợp đồng của vị đại gia trong cuộc tình tay ba có thể vẫn không hề suy suyển. Họ chủ yếu chỉ bị ảnh hưởng một chút về hình ảnh. Cuối cùng chỉ còn trơ lại (cựu) đối tác nữ một mình chống chọi với thị phi.

Tất nhiên nam nghệ sĩ vướng lùm xùm giờ cũng mệt đấy, nhất là có dấu hiệu phạm pháp. Sức ép của công luận có thể khiến họ mất vai như trường hợp Hồng Đăng của Thương ngày nắng về. Đó cũng là một kiểu thay mặt khán giả “tẩy chay” người dính bê bối, cho dù còn chưa có kết luận về pháp luật.

Nếu ở những nền công nghiệp giải trí phát triển, nghệ sĩ khi dính lùm xùm bị phá sản vì đền hợp đồng là thường. Tài tử Ken Watabe sau bê bối ngoại tình với 182 người, bao gồm cả cùng giới bị khán giả Nhật tẩy chay dữ dội. Dù vợ của anh - diễn viên kiêm người mẫu Nozomi Sasaki (được xem là “quốc sắc” của Nhật Bản) - quyết định không ly dị, Ken không thể quay lại làm nghệ thuật nữa. Có nguồn tin cho rằng anh phải kiếm sống bằng công việc bốc vác ở chợ cá. Tất nhiên vụ này có dấu hiệu của bệnh lý (nghiện tình dục) chứ không chỉ là ngoại tình. Nhưng công chúng vẫn không chấp nhận, có khi còn kỳ thị hơn.

Tóm lại, một khi coi nghệ thuật là công việc, hình ảnh và cả nhân phẩm là phương tiện kiếm sống, nghệ sĩ chỉ còn cách cẩn trọng giữ gìn nhất có thể mà thôi.