Khu vực sạt lở này nằm ở bờ phải tuyến sông Sài Gòn thuộc tuyến đường thủy nội địa quốc gia cách cầu Phú Long (kết nối TP.HCM với Bình Dương) khoảng 2km về phía hạ lưu (phường Thạnh Lộc, Quận 12). 

Khu vực sạt lở bờ sông Sài Gòn đoạn qua phường Thạnh Lộc, quận 12.

Theo ghi nhận, vị trí sạt lở đất dài dọc sông khoảng 40m, sâu vào bờ khoảng 20m, khu vực có hộ dân đang kinh doanh quán cà phê. Ngay sau khi xảy ra vụ sạt lở hôm 4/8, chủ quán cà phê đã dừng hoạt động.

Ngoài sạt lở, vào phía trong khoảng 16 – 20m, bờ sông cũng xuất hiện một số vết nứt rộng từ 6 – 10cm, với chiều dài dọc sông khoảng 30m.

Đại diện Sở GTVT TP.HCM cho biết, vị trí sạt lở này không nằm trong danh sách các vị trí nguy cơ sạt lở đặc biệt nguy hiểm theo công văn của UBND TP công bố tháng 10/2022. Sở này đã có văn bản gửi các đơn vị liên quan để có phương án đảm bảo an toàn.

Theo Sở GTVT, nguyên nhân sơ bộ được xác định là do biên độ triều cường lớn, dòng chảy mạnh và đất nền yếu. Vụ sạt lở không có thiệt hại người. Tuy nhiên, một phần đất sát bờ và một số vật dụng kinh doanh bị trôi.

Vị trí sạt lở gây ảnh hưởng đến hoạt động của một hộ dân đang kinh doanh quán cà phê.
Hiện nay, quán cà phê đã dừng hoạt động

Hồi cuối tháng 6/2023, TP.HCM cũng phát hiện sạt lở khu vực bờ kênh Thanh Đa - đoạn 1.1 qua địa bàn quận Bình Thạnh. Phạm vi sạt lở có chiều dài khoảng 168m dọc theo tuyến kè, rộng 15m từ đỉnh kè vào trong bờ. Vụ sạt lở không gây thiệt hại về người nhưng khiến 15 căn nhà bị ảnh hưởng, đa số bị nứt tường, lún và nghiêng ra phía kênh, có thể bị sạt lở về phía sông.

Sở GTVT đề xuất UBND TP chấp thuận chủ trương xây dựng kiên cố tuyến kè kênh với chiều dài 478m, phạm vi giải tỏa mặt bằng của dự án là 10m tính từ đỉnh kè vào phía bờ, với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 90 tỷ đồng.

Kinh phí dùng để xây dựng kè kiên cố, hệ thống thoát nước và khuôn viên cây xanh, không bao gồm chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng.