Chuyên mục Giá trị sống sắp bước vào tuổi lên năm. Năm năm qua, đây là diễn đàn hàng tuần bàn về giá trị sống của nhân vật được chọn, đồng thời chia sẻ cách nhận diện những giá trị ảo đang ngày càng xâm thực dữ dội vào môi trường sống.Cuộc toạ đàm hôm nay nhằm cập nhật ý nghĩa ra đời của chuyên mục, cũng để trả lời câu hỏi: sau chừng ấy năm, cuộc khủng hoảng niềm tin, đạo đức và nhân cách đã thay đổi theo chiều hướng nào?

Luật sư Nguyễn Ngọc Bích: Sống cho đúng một con người

{keywords}

Giá trị sống là giá trị của chính mình. Vì không có mình thì làm gì có cuộc sống! Bàn về giá trị cuộc sống là bàn về chính ta với các câu hỏi như: ta là gì; ta phải làm gì để sống cho đúng một con người… Và khi sống mà ta được nhiều người kính trọng, quý mến và noi gương thì tức là ta đã xác định và thể hiện được các giá trị sống.

Trong đa số năm tháng của đời mình, ít khi ta sống một mình. Hơn nữa cuộc sống mà chỉ có mỗi một mình ta thôi thì đó là một cuộc đời buồn. Lý do là ta cần sự yêu thương, vỗ về, giúp đỡ, an ủi. Đó là những thứ chỉ đến với ta từ người khác. Do vậy, khi sống ta cần người khác. Tầm quan trọng của người khác đối với ta thay đổi mức độ tuỳ theo tuổi tác của ta. Khi trẻ chúng ta ít cần người khác, đến tuổi trung niên ta cần họ nhiều hơn và khi ốm yếu già cả thì ta rất cần người khác. Vì sự cần người khác của ta thay đổi, cho nên giá trị cuộc sống của ta cũng thay đổi theo tuổi tác.

Vào thời trai trẻ, ta ít cần người khác, nên ít nghĩ đến mình. Cuộc sống tràn trề sinh lực. Vì vậy vào thời kỳ đó ta dễ quên mình để theo đuổi các lý tưởng cao đẹp, mà đa phần là có lợi cho việc chung. Nhờ sự xả thân của tuổi trẻ, xã hội, đất nước sẽ có nhiều tiến bộ về kinh tế, chính trị, xã hội… Giới trẻ làm đất nước phát triển. Đó là giá trị sống của người trẻ.

Đến tuổi trung niên, ta có gia đình, có vợ chồng để lo cho nhau trong hiện tại, có con cái để lo cho tương lai. Giá trị của cuộc sống trong giai đoạn này là chu toàn trách nhiệm đối với chính mình, với hiện tại và với tương lai. Vào lúc ấy giá trị sống là xây dựng một gia đình hạnh phúc để làm nền tảng cho sự bền vững lâu dài của quốc gia, và cũng là để cho ta được hưởng các niềm vui của cuộc sống vợ chồng, con cái.

Vào lúc tuổi già, khi con cái đã lớn khôn, thì giá trị của cuộc sống là truyền đạt các kinh nghiệm khác nhau về nghề nghiệp, cuộc sống, kiến thức và đạo đức cho thế hệ sau. Vào tuổi này việc làm gương và rao truyền đạo đức là giá trị sống.

Để thực thi các giá trị sống khác nhau theo thời gian thì ta phải trang bị cho mình, hay được trang bị, ngay từ nhỏ các đức hạnh căn bản (sự tiết độ, lòng thương người, tinh thần trách nhiệm, tình bằng hữu, chăm chỉ làm việc, can đảm, kiên nhẫn, ngay thẳng, trung thành…) Có chúng trong lòng, tự nhiên ta sẽ thấy phải chống lại những gì xấu và phát huy những gì tốt trong xã hội.

Nhà văn Nguyên Ngọc: “Sang trọng giữa hỗn mang”

{keywords}

Hôm vừa rồi một người bạn của tôi ở Hà Nội gọi điện tâm sự nỗi buồn của anh sau khi đi xem kịch ở một nhà hát từng nổi tiếng sang trọng hàng đầu của thủ đô và trong cả nước. Một vở hài kịch, cũng có phê phán tiêu cực này nọ, nhưng từ lời ăn tiếng nói cho đến động tác kịch thô lỗ, chọc cười rẻ tiền đến mức đáng xấu hổ. Mà người xem hể hả cười… Chuyện nhỏ hay lớn? Ừ thì gọi là nhỏ cũng được, nhưng chính vì nhỏ, nó cho thấy văn hoá đã xuống đến đáy, tới tận chuyện tưởng chừng nhỏ ở một nơi từng là một biểu tượng văn hoá cao cấp của một thành phố từng được coi là rất thanh lịch. Sự sang trọng đã mất hết, cả ở nơi vốn sang trọng nhất. Sang trọng – còn quý gấp vạn lần giàu có – đang bị triệt diệt trong xã hội.

Chuyên mục Giá trị sống này là nỗ lực bền bỉ không muốn tuyệt vọng để chứng tỏ rằng ngay cả trong tình thế của một thứ kinh tế thị trường còn rất hoang dã, vẫn có thể, vẫn cần, càng cần phải sang trọng, về trí tuệ và tâm hồn. Cần phải nghĩ và nói về triết học và nghệ thuật, cần nghĩ và nói về những giá trị khiêm nhường mà cao sang. Giá trị sống, nghĩa là sống cho ra sống, đàng hoàng, tử tế – chữ của đạo diễn thâm trầm Trần Văn Thuỷ – trong một xã hội đang ngày càng đổ về phía hỗn mang. Để làm được như vậy, cần một sự dũng cảm có thể trầm lặng mà kiên định. Dám nhìn sự thật và dám nói sự thật, bình tĩnh, khoan hoà, mà không sợ chông gai, và gan góc khi cần.

Cái đẹp thường trông rất mong manh, nhưng lại rất mạnh. Vì nó đẹp.

Đạo diễn Tuấn Lê: Mong muốn một cuộc sống chan chứa yêu thương

{keywords}

Chỉ trong vòng vài chục năm trở lại đây, con người đã phát triển một thế giới ảo, tồn tại song song với thế giới thực. Nhiều người lo ngại rằng chúng ta đang dần lệ thuộc quá nhiều vào thế giới ảo này, đó là những công ty ảo, tài sản ảo, quyền lực ảo, tâm trạng ảo… Với một nước chưa có sự chuẩn bị về an ninh trên mạng ảo như Việt Nam thì khó tránh khỏi tình trạng tội phạm, tội ác tràn lan diễn ra ở cả hai thế giới – ảo và thật.

Tôi khó mà thay đổi sự thật là chúng ta phải chịu sự chi phối của thế giới ảo. Nhưng nghệ thuật mà tôi mang đến cho khán giả sẽ là sợi dây kết nối mọi người đến yếu tố thẩm mỹ và sự hướng thiện. Cả Làng tôi và À ố show với một êkíp đông đảo nghệ sĩ của nhiều lĩnh vực khác nhau, âm nhạc, đờn ca tài tử, xiếc, múa rối và cả cascadeur sẽ không cố phô diễn tài năng mà chỉ tập trung mang đến cái đẹp trong biểu diễn và cái đẹp trong thông điệp. Tất cả đều mong muốn một cuộc sống chứa chan tình yêu thương, nhân ái và mang đậm tính nhân văn.

Cứ thế, trong từng tác phẩm của tôi, người xem sẽ được nhắc nhở một cách nhẹ nhàng về những nét độc đáo của dân tộc mà họ có thể đã quên đi trong vòng xoáy của cuộc sống hiện đại.

TS, dịch giả Nguyễn Văn Trọng: Công phẫn đạo đức đôi khi mang tính phá huỷ

{keywords}

Tôi ngờ rằng người Việt có não trạng quy kết mọi thất bại của mình, dù ở bình diện tập thể hay cá nhân, cho kẻ thù nào đó âm mưu chống lại ta. Trên bình diện dân tộc, chúng ta cho rằng đói nghèo xưa kia là do đế quốc phong kiến áp bức bóc lột, tình trạng tồi tệ hiện nay là do thế lực thù địch bên trong hay bên ngoài âm mưu. Tư thế “vạch mặt kẻ thù” và “công phẫn đạo đức” không giúp người ta thấu hiểu chân lý, nhưng thoả mãn được lòng tự ái, vì tựa hồ như khẳng định rằng: “không phải do ta quá kém cỏi”. Trong một số trường hợp “công phẫn đạo đức” có thể là chính đáng, song trong nhiều trường hợp lại có tính phá hủy: “người công phẫn” vừa thoả mãn với việc chà đạp và đối xử một người khác như kẻ xấu xa, lại vừa thoả mãn với cảm xúc tự xem mình cao cả và đúng đắn. E. Fromm (1900 – 1980) cho rằng “phán xét” có thể có hai nghĩa khác nhau: một là thực thi chức năng tinh thần khẳng định hay xác nhận, hai là thực hiện chức năng kết án hay tha tội. Phán xét kết án hay tha tội dựa trên ý tưởng về một quyền uy siêu việt vượt trên con người và phán xử con người. Quan toà trong xã hội dân chủ về mặt lý thuyết không đứng trên đồng loại của mình, nhưng vẫn đượm màu sắc của Thượng đế phán xử. Dẫu cá nhân quan toà không có quyền lực siêu nhân, nhưng cơ quan toà án thì có. Tuy nhiên, nhiều người chẳng thuộc toà án nhưng vẫn đóng vai phán xử, sẵn sàng tha tội hay kết án khi phán xét đạo đức. “Sự công phẫn đạo đức” là hiện tượng thường chứa đựng nhiều cảm xúc phá huỷ. Nó cho phép lòng ghen tỵ hay thù hận được bộc lộ dưới chiêu bài đức hạnh. Phán xét mang tính nhân bản về giá trị đạo đức cũng có tính lôgic như phán xét hợp lý tính nói chung. Khi phán xét, chúng ta phán xét sự kiện, nhưng không cảm thấy mình giống như Thượng đế cao cả được quyền lên án hay tha thứ. Phán xét rằng một cá nhân có tính phá huỷ, tham lam, ganh tỵ, ghen ghét không khác biệt với một định bệnh của thầy thuốc về trục trặc ở tim hay phổi. Hiểu một cá nhân không có nghĩa tha thứ hết, nó chỉ có nghĩa là không kết tội anh ta như mình là Thượng đế đứng trên anh ta.

Chuyên gia kinh tế Phan Chánh Dưỡng: Sống không chỉ là thụ hưởng

{keywords}

Trong môi trường xã hội chúng ta ngày nay, chuẩn mực giá trị cuộc sống rất méo mó. Những chuẩn mực đạo đức xã hội truyền thống trước đây đã bị xé nhoè như ánh trăng trên mặt hồ nổi sóng. Người ta chỉ có thể giữ cái đạo đức đó trong lòng mình, trong khuôn khổ hẹp của gia đình hay một môi trường nhỏ hẹp nào đó mà thôi. Nếu để nó tham gia vào xã hội thì sẽ bị vùi dập, bị cô lập hay cũng phải thay đổi hùa theo mặt tiêu cực của xã hội để sống như mọi người!

Xã hội chúng ta không những bị hậu quả của cuộc chiến tranh kéo dài tàn phá, mà chúng ta còn bị một cơ chế xã hội đè nén những nhu cầu cuộc sống vật chất một thời gian khá dài. Sự thèm khát một cuộc sống vật chất sung túc thật sự là một nhu cầu của mọi người. Cho đến khi ta có chính sách đổi mới về quản lý kinh tế, chấp nhận cho mọi người được tự do chọn lao động sản xuất, được kinh doanh dịch vụ thì một dòng người bung ra làm kinh tế như thác lũ, ngành ngành kinh doanh, người người tìm mọi cách kiếm tiền, dòng thác lũ này cuốn trôi tất cả cái gì cản lại đường đi của nó, kể cả nhân cách đạo đức truyền thống tốt đẹp trước đây. Trong khi đó, luật pháp rất hiếm có cơ hội, điều kiện cho người làm giàu chân chính được hình thành, tồn tại, và phát triển lớn mạnh. Càng không đủ sức đảm bảo người lao động lương thiện có được ăn no mặc ấm vững chắc. Bậc thang lương và cuộc sống của người ăn lương là một minh chứng. Trong khi đó, đang có một số người tích luỹ được nhiều tiền của, giàu lên bằng mọi cách, nhưng theo đuổi cuộc sống lãng phí và vô trách nhiệm với xã hội. Điều này đẩy đất nước ta, xã hội ta vào trạng thái ngày càng tồi tệ hơn.

Trong xã hội chúng ta hôm nay, ắt có trên 50% gia đình luôn lo âu cuộc sống hàng ngày. Thậm chí trong nhiều năm dài hay cả đời người cũng chỉ suy nghĩ quanh quẩn làm sao có được cái ăn cái ở cho gia đình, làm gì có thời giờ suy nghĩ đến lý tưởng, giá trị của cuộc sống. Tuy nhiên, để có thể có được một ý tưởng về ý nghĩa của cuộc sống hữu ích của mọi tầng lớp người khác nhau, thể hiện qua nhận thức giá trị vật chất cũng như phương cách sử dụng nó trong cuộc sống, vừa trách nhiệm cho bản thân gia đình vừa trách nhiệm với xã hội.

Giá trị cuộc sống của con người không chỉ là thụ hưởng thành quả lao động của ta mà còn phải có nghĩa vụ đóng góp thành quả đó cho xây dựng xã hội theo tinh thần “vật chất được nhặt từ xã hội nên sử dụng lại cho xã hội”. Có như vậy mục tiêu xây dựng xã hội tiến bộ, cuộc sống văn minh hạnh phúc mới trở thành hiện thực.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Phan Cẩm Thượng: Sáng hay mù, cũng cần được chăm sóc phần hồn

{keywords}

Mấy năm trước, xem một bảo tàng ở nước ngoài, tôi thấy có một phòng trưng bày điêu khắc dành cho người mù. Bức tượng được gắn ở bàn có thể quay tròn được, người mù sẽ ngồi ở ghế phía trước và sờ lần lượt từng phần tượng, bên cạnh có người thuyết minh. Tuần trước đi thăm bảo tàng Cổ vật Chàm, Đà Nẵng, tôi thấy một ông người Pháp dắt vợ mù đi sờ từng phần của những pho tượng và cũng giảng giải, thỉnh thoảng ông phải cầm tay vợ gí vào từng chi tiết trên điêu khắc. Cảnh tượng rất cảm động. Dù sáng hay mù, chắc chắn con người cũng phải được chăm sóc về phần hồn. Đây là điều còn rất ít được để ý ở ta, dù có rất nhiều tôn giáo đang thuyết giảng.

Là người làm nghệ thuật, chúng tôi cảm thấy có thể tự có đời sống tinh thần của mình, đi trong cuộc sống, dù thế nào cũng chỉ là nghệ thuật. Nếu thuận tiện sẽ làm được nhiều việc hơn, nếu không thuận tiện thì lại nhìn thấy nhiều mặt của cuộc sống hơn, thành thử hay dở, tốt xấu, đau khổ sung sướng thế nào cũng lợi cho nghệ thuật. Có lẽ đó là mục đích sống.

Thầy tôi nói: “Mơ ước thì nên mơ cả triệu năm, nhưng sống thì chỉ nên từng ngày”. Mơ ước viển vông hay đã đành, nhưng sống từng ngày là thế nào? Thực dụng, kiếm tiền, ăn hút, chơi bời hay làm cái gì đó thanh cao hơn? Cái này tuỳ thuộc từng người, trong khi đại bộ phận chỉ lo sao có việc làm, đủ tiền nuôi con cái hàng tháng. Cái từng ngày mà tôi muốn thực hiện là không ngày nào giống ngày nào, có lẽ thế là một đòi hỏi quá sức.

(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)