- Tết ở miền Tây thường bắt đầu từ ngày cúng ông Táo. Những ngày này, trong các xóm tiếng nổ cốm, tiếng quét bánh phồng ầm ầm báo hiệu xuân đến rất gần. Nhà nhà, người người ai nấy mong chờ đón một cái Tết ấm áp, sum vầy.

"Mần heo chia thịt"

Với nước da ngăm đen, tóc bạc phơ, ông Tám Tần (75 tuổi, ở huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) đang tất bật chăm sóc chậu hoa kiểng trước nhà để đón Tết. Ông Tám bảo, không khí Tết ở miền Tây bắt đầu từ ngày đưa ông Táo về trời đến đêm giao thừa.

{keywords}
Hoa Tết ở miền Tây 

“Mâm cúng ông Táo của người miền Tây đơn giản chỉ chè trôi nước, nhang, đèn. Người xưa quan niệm, ngày này ông Táo sẽ về trời trình tấu với Ngọc Hoàng những chuyện xảy ra trong năm cũ nên nhà nào cũng bày lễ trang trọng. Lễ vật tuy đơn sơ nhưng mong ông Táo nói tốt cho gia đình mình với Ngọc Hoàng”, ông Tám kể.

Sau khi cúng ông Táo, mọi người bắt đầu quét dọn nhà cửa, giặt mùng, mền…để chuẩn bị đón Tết. Nhưng làm gì thì mọi người cũng không được quên mồ mả, bà thờ tổ tiên, ông bà.

“Người miền Tây quan niệm, con cháu không được quên ông bà, tổ tiên, những người thân đã khuất. Bởi vậy, năm nào tôi cũng phải tự tay dọn dẹp mồ mả cho ông bà, tổ tiên, rồi lau bộ lư đồng trên bàn thờ”, ông Tám bảo.

Ngoài việc dọn dẹp, trang trí cho nhà cửa thật đẹp để xua đi những cái cũ, cái không may thì việc chuẩn bị món ăn cho ngày Tết cũng rất nhộn nhịp. Nào là tát mương, tát đìa bắt cá, mần (làm) heo chia thịt khiến ai nấy đều háo hức.

Chị Năm Hiền – nhà ở vùng quê nghèo của TX Bình Minh (Vĩnh Long) nói, Tết ngày xưa vui và ấm cúng. Nhà nào cũng tự làm mứt dừa, mứt gừng, nướng bánh bông lan, bánh kẹp, muối dưa cải, làm củ kiệu… làm cho không khí trong xóm nhộn nhịp, rộn ràng, chứ không như bây giờ ra chợ cái gì cũng có.

Chị kể, ngày xưa đi chợ Tết rất “khổ” vì chợ cách mấy chục cây số. “Tôi nhớ cái thời bao cấp mẹ tôi muốn mua một miếng thịt để kho ăn trong mấy ngày Tết khổ lắm, vì chợ ở xa mà thịt heo hồi ấy lại là mặt hàng mà Nhà nước quản lý rất chặt. Nhà nào muốn mổ heo ăn Tết phải xin chính quyền địa phương. Chính vì thế mà hình thức chia thịt heo vào dịp Tết xuất hiện ở vùng quê miền Tây”, chị Năm nói.

Theo lời chị Năm, chia thịt không phải là tặng không, cũng không phải bán. Chia thịt có nghĩa là đổi lúa hoặc công lao động.

“Lúc ấy, mọi người người quy định một ký thịt bằng cấy một công lúa và 900gram bằng 1 công cắt lúa, hổng phải kỳ kèo trả giá. Ai có tiền thì trả tiền mặt, không có tiền thì ghi sổ. Mà ngày xưa ai cũng nghèo nên tiền đâu mà trả, chia thịt xong đợi ra giêng mần lúa rồi trả bằng lúa hột. Mọi thứ đều đã trở thành “luật bất thành văn”, rành mạch. Tình làng nghĩa xóm ngày xưa mộc mạc, chân quê lắm, chứ không như bây giờ đâu...”, chị Năm suy tư.

Người miền Tây có cái riêng là làm heo xong dành nguyên bộ đồ lòng, cuống họng nấu nồi cháo để mời bà con ăn chung vui. Chia thịt xong là những các mẹ, các dì, các chị lại vào bếp chế biến thức ăn. Tất cả đều là cây nhà lá vườn nhưng ngọt ngào, ấm áp.

Tát đìa bắt cá ăn Tết

Để phong phú món ăn trong ngày Tết, người ở miền Tây lại tát đìa, tát mương kiếm ít con cá lóc để nướng trui cúng ông bà cũng như nhâm nhi ly rượu vào ngày đầu năm mới.

{keywords}
Tát đìa bắt cá ở miền Tây. Ảnh: Dân Trí  

“Tát đìa bắt cá xuất hiện từ rất lâu, đây là nét văn hoá của người miền Tây. Ở xứ này nhà nào cũng có cái mương, cái đìa. Mùa nước lớn cá từ sông lên ruộng tìm mồi, đến khi nước cạn chúng lại xuống mương, đìa ẩn ấp và sinh sản. Dưới mương, dưới đìa phải có lục bình, cây khô để cá ẩn trú. Cái mương, đìa nào lâu năm không tát thì cá rất nhiều và to. Nhiều nhất vẫn là cá lóc, cá trê, cá rô”, ông Hai ở miệt Cái Răng (Cần Thơ) nói và tiết lộ, người miền Tây có nghề chỉ cần nhìn bọt cá là biết mương, đìa nào có cá nhiều hay ít, cá to hay nhỏ.

Ngày trước để tát đìa, người miền Tây thường dùng chiếc gào dây. Việc tát đìa bằng gào dây khá công phu và nặng nhọc nên thường đám thanh niên, đàn ông khoẻ mạnh làm.

Dở chà xong mọi người luân phiên nhau tát từng gào nước nặng trịch. Mệt như ai cũng phấn khởi, phụ nữ, trẻ con đứng quanh đìa mong cho nước đìa mau cạn để xuống bắt cá. Nước đìa cạn, cá lớn như cá lóc, cá trê chui vào bùn hay hang để trốn, vì vậy người bắt cá phải có kinh nghiệm, mò kỹ, không bỏ sót chỗ nào. Mỗi khi có người giơ lên con cá lóc đen thui, to đùng là những người đứng trên bờ lại reo hò um sùm.

Người lớn bắt cá xong thì đến lượt trẻ con xuống bắt cá sót hay còn gọi bắt cá “hôi”. Bắt cá xong người tìm ít rơm, lá chuối để nướng cá, người ra vườn hái ít rau, người làm chén muối ớt để thưởng thức món cá lóc nướng trui ngọt tuyệt.

Dù nhà nào ở miền Tây cũng có ao, đìa nhưng mỗi khi tát đìa xong người ta lại đem cho bà con, chòm xóm cùng ăn. Sau khi tát đìa xong, cá lớn, cá nhỏ được phân loại. Phần cá lớn đem ra chợ bán bớt, lấy tiền mua quần áo, đồ dùng trong ngày Tết. Số còn lại đem cất trong lu, khạp để dành ăn trong mấy ngày Tết.

Ấp áp mâm cơm ngày cuối năm

Tết của người miền Tây cũng không thể thiếu mâm ngũ quả và bình bông dâng lên bàn thờ ông bà, tổ tiên. Thường thì mâm ngủ quả là những trái cây to, ngon nhất được hái trong vườn để dâng lên cúng ông bà, tổ tiên. Mâm ngũ quả gồm mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung. 

{keywords}
{keywords}

Gói bánh tét trong dịp Tết cổ truyền ở miền Tây

“Ý nghĩa của mâm ngủ quả là cầu mong cho gia đình sung túc, đủ xài. Ước muốn bình dị, tốt đẹp của người dân miền Tây bao đời nay. Ngoài mâm ngũ quả thì bàn thờ tổ tiên phải có bình bông, mà bình bông đó phải có nhánh mai vàng”, cô Mười nói và kể ông bà xưa quan niệm Tết ở miền Tây mà thiếu mai vàng là thiếu đi sự may mắn nên nhà nào cũng phải có nhánh mai vàng để chưng lên bàn thờ ông bà cầu một năm mới nhiều may mắn.

Ngày cuối năm ở miền Tây, con cháu lại làm mâm cơm “rước ông bà”. Mâm cơm thường rất đơn giản, bình dị như thịt kho hột vịt, khổ qua hầm, dưa hấu đỏ, dưa chua. Đây là tấm lòng của con cháu đối với ông bà, tổ tiên. Mâm cơm ngày cuối năm thường có đầy đủ anh chị em trong nhà. Mọi người sum vầy bên nhau rồi kể cho nhau nghe chuyện làm ăn, chuyện gia đình, học hành của con cái.

Ăn cơm xong, những người phụ nữ trong gia đình chuẩn bị gói bánh tét. Bánh tét là món ăn quen thuộc và không thể thiếu của người miền Tây. Người dân miền Tây thường gói bánh tét vào ngày cuối cùng năm của cũ, sao cho nồi bánh chín kịp lúc giao thừa để cúng ông bà, tổ tiên.

“Đòn bánh tét là lễ với tổ tiên, là chữ hiếu với cha mẹ, cũng là quà quê cho con cháu ở xa. Hơn hết, nồi bánh tét là nơi ấm áp nhất của mọi gia đình trong đêm giao thừa”, cô Mười nói.

Đến ngày mùng 1, mùng 2, mùng 3 tết trẻ con được cha mẹ chọn cho những bộ quần áo thơm mùi vải mới để đi chúc Tết ông bà. Còn người lớn cũng ăn mặc tươm tất để vui xuân. Mọi người đi hết nhà này lại sang nhà khác, hết xóm này lại sang xóm khác để chúc Tết và uống với nhau ly rượu, ly trà đầu năm. Tết ở miền Tây là vậy, nhộn nhịp nhưng ấm áp trong cái tình làng nghĩa xóm... 

Hoài Thanh