Áp sát điện thoại, hồi hộp lắng nghe, phía bên kia đầu dây, biển chồm lên át tiếng động cơ và giọng nói như reo lên của thuyền trưởng Huỳnh Phi Hùng: “Tàu đang thả câu ở Trường Sa, biển động, Tết mới về. Có chuyện gì bất trắc, cứ nhắm hướng cờ đỏ sao vàng, gọi bà con mình ở làng biển Song Tử Tây, gần lắm!”.
Tim tôi đập mạnh. Tết năm ngoái, đoàn thuyền đánh cá của ngư dân Khánh Hòa nghe radio... đón giao thừa trên sóng. Đang lúc thả trôi gần âu tàu Song Tử Tây, thuyền câu cá ngừ đại dương KH 94277 của Huỳnh Phi Hùng bị sóng dữ hất tung lên bãi cạn. Trong nguy biến, tiếng kêu cứu của những người đi biển đã vọng đến những người giữ biển.
Ngày tết, quân dân Trường Sa thân mật, bịn rịn. |
Hơn 20 năm dong thuyền ngang dọc biển khơi, nhìn màu nước đón được luồng cá, ngó cơn mưa biết trời đang trở gió, vậy mà lúc gặp nạn mới hiểu thế nào là sóng cả. Rùng mình kể lại kỷ niệm hãi hùng cách đây tròn 1 năm, thuyền trưởng và cũng là chủ tàu KH 94277 Huỳnh Phi Hùng mong muốn, cảm xúc của những người cầm bút có thể dựng bia kỷ niệm tình quân dân giữa vùng rốn bão.
“Vẫn biết tháng chạp biển động dài, nhưng chuyến câu khơi bắc cầu giữa 2 năm
thường gặp đàn cá lớn. Hơn nữa, ngư trường quanh quần đảo Trường Sa thân thuộc
như sân nhà nên ngư dân Khánh Hòa tranh thủ ra khơi, hy vọng đầu năm mới trở về
có nhiều lộc biển” - Thuyền trưởng Huỳnh Phi Hùng kể: “Sáng sớm mùng 5 Tết Tân
Mão, tàu hết nguyên liệu.
Trong lúc thất vọng thả trôi, bỗng nhìn thấy màu cờ tổ
quốc đỏ tươi, mọi người nhảy cẫng mừng vui vì biết rằng dù thế nào cũng gần đến
nhà. Tui tìm cách đưa thuyền đến âu tàu và phát tín hiệu S.O.S, nhưng không kịp.
Những cột sóng đen như mực và cao khủng khiếp ập đến, hất tung chiếc tàu 320 mã
lực với 12 con người lên bãi cạn cách xa đảo Song Tử Tây khoảng 2-3 hải lý.
Đương nhiên tàu vỡ, nhưng tất cả anh em bọn tui đều còn...thở! Triều lui, mọi
người chưa kịp hoàn hồn đã thấy tàu của bộ đội Trường Sa. Vật lộn với sóng dữ
suốt 6-7 giờ đồng hồ, tàu cứu hộ mới gom hết ngư cụ và 12 con người mỏi mê, bê
bết...
Thuyền đánh cá vào đảo Song Tử Tây tiếp thêm nhiên liệu |
Thì ra, đó cũng là lý do khiến thuyền trưởng Huỳnh Phi Hùng chạy vạy khắp nơi suốt 6 tháng trời để xin hỗ trợ, nhưng chờ quá nửa năm “cửa” chính sách vẫn không mở, ông năn nỉ vợ, con cho thế chấp ngôi nhà đang ở, vay tiền ngân hàng, đóng tàu mới, tiếp tục ra khơi để có điều kiện trở lại Song Tử Tây. Hơn ai hết những người đi biển hiểu rõ, mỗi ngày... những người giữ biển đau đáu chờ tin phía đất liền xa ngái.
Câu chuyện cảm động của thuyền trưởng Huỳnh Phi Hùng thôi thúc tôi đi tìm đại tá Nguyễn Văn Thắng - Chính ủy Đoàn M46 Trường Sa và thượng tá Phạm Văn Hòa - Đảo trưởng Song Tử Tây. Lý lẽ của bộ đội Trường Sa thật giản dị, rằng bao đời nay, cha ông mình rồi anh em, đồng đội và cả bản thân luôn canh cánh bảo vệ hải phận quốc gia, hy sinh quá nhiều; chỉ mong ngày nào cũng nhìn thấy tàu thuyền của ngư dân tấp nập ra khơi thả lưới, buông câu. Và nếu có điều kiện mời bà con lên đảo ăn tết với “người nhà mình”.
Đảo trưởng Phạm Văn Hòa đã 6 lần thay ca làm nhiệm vụ canh giữ quần đảo tiền tiêu, cho biết thêm: “Đánh cá ở vùng biển Trường Sa, nghe tin báo bão, ngư dân thường nhắm hướng cờ đỏ sao vàng để tìm nơi trú ẩn.
Từ nhiều năm trước, Công ty 128 của Quân chủng Hải quân đã xây dựng âu tàu, tổ chức cơ sở hậu cần nghề cá và nuôi trồng thủy sản tại đảo Song Tử Tây và đảo Đá Tây.
Tàu hải quân cứu hộ, lai dắt thuyền đánh cá của ngư dân về đảo Song Tử Tây |
Mỗi mùa biển động, nhật ký trực tin của Đoàn M46 Trường Sa dày thêm, riêng năm 2011 đã có gần 200 lượt tàu đánh cá cùng hơn 2.000 ngư dân được bộ đội Trường Sa cứu hộ, cứu nạn; hàng trăm lượt tàu thuyền được tiếp thêm hàng vạn lít xăng, dầu, nước ngọt cùng với gạo, đường, thịt hộp, rau xanh...
Ai cũng biết, quần đảo Trường Sa nguyên thủy là “đồn phòng vệ” trơ trọi, không bóng cây; vậy mà giờ đây đã hình thành làng, xã... ngọt ngào lời ru, xôn xao gà gáy, văng vẳng tiếng chuông chùa và bi ba bi bô giọng trẻ con đánh vần câu hát.
Từ Song Tử Tây, Đảo trưởng Phạm Văn Hòa gọi điện thoại báo tin vui: “Chiều 30 tết, nhiều tàu đánh cá ghé vào. Bà con anh em trên đảo đón tiếp ngư dân rất thân mật, phấn khởi. Mọi người cùng gói bánh chưng, bánh tét, dâng lễ đón giao thừa, mừng năm mới, tận hưởng không khí rôm rả, ấm cúng rồi lại xuất hành... xa khơi!”.
Hơn 20 năm dong thuyền ngang dọc biển khơi, nhìn màu nước đón được luồng cá, ngó cơn mưa biết trời đang trở gió, vậy mà lúc gặp nạn mới hiểu thế nào là sóng cả. |
Hồng Minh (Lao động)