- Ở nơi hải đảo xa xôi,
không khí Tết đã đến sớm hơn đất liền khi những chuyến tàu chuyển hàng mang mùa
xuân đến với lính đảo.
Không khí rộn ràng đón tết sớm ở nơi hải đảo cũng khiến nhiều người có những
phút giây lắng lòng.
Cảm nhận hương vị quê hương qua
cành đào đỏ thắm, qua cành mai vàng khoe sắc lẫn trong mùi vị bánh chưng gói
bằng lá bàng vuông... khiến cho không khí xuân nơi hải đảo càng trở nên ấm cúng
Tàu ra là Tết đến
Để mang Tết đến cho lính hải quân canh gác vùng trời, 3 con tàu HQ996, HQ936,
Trường Sa 22 của Hải Quân Vùng 4 đã xuất phát tại cảng Cam Ranh (Khánh Hòa) chở
theo nhu yếu phẩm, quà tặng cùng những nỗi niềm tình cảm của người trên đất
liền.
Tàu cũng mang cả những cảm xúc quyến luyến, phút giây chia ly, sự lạc quan, niềm tin của những người lính mới ra đảo nhận nhiệm vụ.
Lính đảo vận chuyển hàng tết gửi ra - (Ảnh: Tuấn Lưu). |
Từ cuối tháng 11 âm lịch, lính Trường Sa bắt đầu háo hức mong ngóng đón tàu chở
hàng tết ra đảo. Tàu ra trong dịp Tết cũng là lúc luân chuyển quân. Ngày tàu cập
đảo, cả vùng đảo thiêng liêng rộn lên niềm vui khôn xiết.
Cánh lính trẻ vẫn bảo rằng: "Tàu ra là Trường Sa vào Tết". Tại bất cứ nơi đảo
nào tàu đi qua, quân và dân sinh sống trên đảo cũng cảm nhận được không khí Tết
đang đến rất gần thông qua những mặt hàng nhu yếu phẩm cung cấp cho cán bộ, quân
dân đón Tết.
Ngoài những món quà vật chất còn là món quà tinh thần của người thân, những lời chúc mang đậm tình cảm động viên của mỗi người đối với lính đảo.
Những cây mai vàng khoe sắc thắm được làm qua bàn tay của lính đảo. (Ảnh: Tuấn Lưu). |
Trong hành trình của những chuyến tàu mang Tết đến với vùng biển và hải đảo xa
xôi của đất nước, ở đất liền mọi người đã chuẩn bị công phu với gần 300 mặt
hàng, nhiều gấp 4 lần so với những chuyến tàu ra đảo thường ngày.
Các mặt hàng gửi đến Trường Sa
lần này mang hương vị khắp mọi miền Tổ quốc, từ gạo nếp, bánh kẹo, cây mai, cành
đào… Tất cả góp thêm vào đời sống vật chất để quân và dân Trường Sa đón Tết.
Tết của lính đảo Trường Sa tuy còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng vẫn rất vui
bởi họ luôn xác định “đảo là nhà, biển cả là quê hương”. Một mùa xuân nữa đang
về, những người con yêu thương lại đón Tết trên đảo xa.
Đại tá Nguyễn Đức Vượng, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân đã có hàng
chục năm đi theo đoàn công tác chúc Tết trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa
nhưng mỗi năm ra đảo chúc tết thì lại là những cảm xúc khác nhau.
“Mỗi dịp Tết đến xuân về, quân dân, đồng bào cả nước đều hướng về Trường Sa thân
yêu với tất cả sự quan tâm, lo lắng, đó là nguồn động viên to lớn giúp chúng tôi
vượt qua khó khăn, xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng
của Tổ quốc”, Đại tá Vượng chia sẻ.
Để có thể chở không khí tết ra
đảo, từng chiếc xuồng nhỏ phải vượt qua những con sóng cao từ 3-5m như muốn nuốt
chửng khi nó đi qua. Từng con sóng mạnh vỗ úp vào mạn thuyền khiến nó lắc lư,
chao đảo.
Đón chúng tôi tại cầu cảng, trung tá Đinh Trọng Thắm, Đảo trưởng đảo Sinh Tồn
xúc động vì năm nào vào thời gian này những con tàu đều chở mùa xuân sớm đến đảo
để động viên những người lính miệt mài bám trụ ở Trường Sa để bảo vệ chủ quyền.
“Sóng gió cuồng nộ là thế nhưng năm nào cũng vậy, các đoàn tàu của Lữ đoàn 146
thuộc Hải quân vùng 4 cũng mang hàng Tết đến các đảo nổi, đảo chìm ở quần đảo
Trường Sa để hỗ trợ cho quân dân có điều kiện vui Tết”, Trung tá Thắm ngậm ngùi
nói.
Vất vả là vậy nhưng ai cũng vui
vì đem mùa xuân mới đến đảo. Khi xong việc, mọi người ngồi lại quâ quần bên nhau
với một bữa tiệc gọi là "Tết nháp" vừa để chào tàu, vừa để đón lính mới lên đảo,
tiễn lính cũ về đất liền.
Bánh chưng bàng vuông ba miền
Có lẽ, những ai đã từng đón Tết Trường Sa mới cảm nhận hết được sự đặc biệt, sự
thiêng liêng đến lạ kỳ của nó.
Không đèn hoa rực rỡ, không hối
hả, tất bật như ở đất liền, Tết ở Trường Sa “lặng” hơn rất nhiều, nhưng không vì
thế mà kém phần tươi vui.
Tại các cụm đơn vị chiến sĩ và nhà các hộ dân, mọi người bắt đầu dọn dẹp trang
hoàng nhà cửa.
Tiếng trẻ con í ới gọi nhau xúng xính quần áo mới, người lớn tập trung gói bánh chưng chung, từng cành mai giả, cành đào được đặt trong nhà báo hiệu một mùa xuân mới tràn đầy sức sống đã đến với hộ dân trên đảo.
Và không thể thiếu chiếc bánh chưng ngày tết. (Ảnh: Tuấn Lưu). |
Trong mỗi nhà, những lá mai vàng bằng nhựa đang được lắp ghép cẩn thận vào thân
cây, đèn nhấp nháy cũng được mang ra để cây mai khoác lên mình một bộ áo mới
tượng trưng cho cuộc sống năm mới sung túc tiền tài.
Tại các đảo, hương vị ngày tết cổ truyền của dân tộc đang dậy lên từ những chiếc
bánh chưng gói sớm khiến người dân như ấm lòng khi nhớ về quê nhà nơi đất liền.
Và với Trường Sa, chiếc bánh chưng cũng… đặc biệt hơn bánh chưng nơi đất liền
bởi, bánh được gói bằng lá bàng vuông, lá phong ba những loài cây mang biểu
tượng sức sống mãnh liệt của Trường Sa.
Hát mừng năm mới trên đảo. (Ảnh: Tuấn Lưu). |
Lá dong để chuẩn bị đón Tết, bao giờ cũng được lính chăm chút hơn cả nhưng trải
qua hành trình dài nên khi đến đảo lá đã chuyển màu hoặc bị héo. Khi không có
lá, vốn khéo tay nên dùng lá bàng vuông thay thế. Bởi thế, để bánh chưng xanh,
quân dân đã kết hợp dùng lá bàng vuông còn tươi xanh lót bên trong lá dong để
gói bánh.
Những chiếc lá bàng to, xanh như
ngọc, được lính đảo chọn lựa kỹ càng để gói bánh (thậm chí để bọc bánh cho xanh,
sau khi bánh đã luộc), làm cho chiếc bánh cũng mang đậm nét riêng của lính đảo
Trường Sa.
Thoăn thoắt đôi tay buộc từng chiếc bánh, trung úy Trịnh Văn Hiếu, đảo Song Tử
Tây vinh dự được giao nhiệm vụ mang dư vị tết đến cho chiến sĩ trên đảo. Với
anh, gói bánh chưng bằng lá bàng vuông là lá gói đặc biệt và duy nhất chỉ có ở
Trường Sa.
Anh Hiếu cho biết: “Lá bàng vuông
dày và lớn hơn lá bàng đất liền. Vào thời điểm chuyển giao giữa năm cũ và năm
mới, bàng vuông nở hoa rất đẹp, được nhiều người ví như hoa mai trên đảo xa. Lá
bàng cũng được tận dụng làm lá gói bánh”.
“Mọi người vẫn đùa, bánh chưng Trường Sa là bánh chưng ba miền, bởi nồi bánh
luộc ra thường nhiều kiểu, loại: Cái gói bằng tay, cái gói khuôn tuỳ thuộc người
gói quê ở vùng nào. Có bánh hình vuông, bánh hình tròn dài. Ai cũng thích thổi
một chút hồn quê của mình vào trong chiếc bánh”, anh Hiếu khoe.
Nhưng theo anh Hiếu, điều trân trọng và quý giá nhất với những chiếc bánh này
chính là khi ăn mọi người có thể cảm nhận màu xanh của nước biển, hơi thở mằn
mặn của muối, vị chát của lá bàng hòa lẫn cùng mùi thịt gạo. Tất cả đem lại cho
bánh một vị chỉ có riêng ở hải đảo xa xôi.
Đêm luộc bánh chưng, cả đảo đỏ
lửa. Từng nhóm tụm năm, tụm ba kể chuyện bên bếp lửa hồng, thỉnh thoảng mùi khói
củi xộc thẳng vào mũi cay xè mắt lại tạo cho mỗi người một cảm giác nhớ nhà, nhớ
về thời thơ ấu đun bếp rơm, bếp củi nhem nhuốc mặt tư lự nhớ nhà, nhớ quê và tự
hỏi: "Ở nhà, mẹ mình năm nay gói nhiều bánh chưng không nhỉ?!"…
"Không đi Trường Sa thì không biết và cảm nhận được hết cảm giác ấm cúng đến lạ
lùng khi cùng đồng đội gói bánh chưng, luộc bánh chưng anh ạ!…”, anh Hiếu chia
sẻ.
Trong không khí vui vẻ đấm ấm, bên cành hoa đào và cây mai vàng, mọi người cùng
nâng ly rượu với những lời chúc hạnh phúc bên mâm cỗ cuối năm ngập tràn yêu
thương.
Những ai có mặt trên đảo đều hiểu
một điều “mùa xuân” trên đảo là như thế. Một mùa xuân nữa đang về, những người
con yêu thương lại đón Tết trên đảo xa.
Tuấn Lưu