- Thu nhập bình quân đầu người ở TP.HCM cao hơn Hà Nội, nhưng tỉ lệ người nghèo TP.HCM đều cao hơn ở các tiêu chí đánh giá khác.
Cuộc khảo sát nghèo đô thị 2009 tại hai thành phố lớn của Việt Nam do UNDP tài trợ đã đưa ra kết quả bước đầu khá bất ngờ: TP HCM "nghèo" hơn Hà Nội.
Đó là khi việc đánh giá mức độ nghèo của người dân ở hai thành phố này không chỉ dựa trên các tiêu chí phố biến là thu nhập và chi tiêu, mà là đánh giá mức độ "nghèo đa chiều" qua khía cạnh xã hội của đời sống dân cư với những thiếu hụt mà họ có thể phải gánh chịu như an sinh xã hội, giáo dục, y tế, nhà ở, hoạt động xã hội và an ninh.
Theo cách đánh giá này thì TP HCM chỉ ít hơn Hà Nội về tỉ lệ người nghèo tính theo thu nhập. Theo chuẩn nghèo quốc gia 2006, TP HCM có tỉ lệ người nghèo là 0,31%, trong khi ở Hà Nội là 1,27%. Theo số liệu mà cuộc khảo sát công bố hôm nay, thu nhập bình quân đầu người của Hà Nội là 2,321 triệu đồng, so với 2,445 triệu đồng ở TP HCM.
Nhưng tỉ lệ người nghèo ở TP HCM đều cao hơn ở Hà Nội trong tất cả các tiêu chí đánh giá khác. Ví dụ, Hà Nội đạt kết quả về giáo dục ở mức cao hơn TP HCM, thể hiện ở tỉ lệ biết chữ, trình độ học vấn, trình độ chuyên môn và tỉ lệ đi học đúng tuổi. Hay tỉ lệ người không có bảo hiểm y tế ở TP HCM là 42,85% so với 28,15% ở Hà Nội.
Cách đánh giá đa chiều này cũng cho thấy ở cả hai thành phố, người dân nông thôn và dân di cư chịu nhiều thiếu hụt ở tất cả các chiều nhiều hơn người dân thành thị và dân có hộ khẩu, nhất là an sinh xã hội và nhà ở. Theo kết quả khảo sát, diện tích nhà ở bình quân đầu người ở Hà Nội là 15,7m2, TP HCM 17,7m2. Nhưng số người phải sống trong diện tích dưới 7m2 ở TP HCM lại cao hơn ở Hà Nội.
Phương pháp khảo sát này chỉ ra thu nhập không phải là yếu tố quan trọng phản ánh tình trạng nghèo đa chiều ở cả hai thành phố. Thu nhập cũng không có tương quan mấy với các chiều nghèo khác. Thay vào đó, an sinh xã hội và tham gia các hoạt động xã hội thể hiện tương quan nhiều nhất với các chiều nghèo khác.
Khảo sát mức độ tham gia các hoạt động xã hội của người dân ở hai thành phố - một điểm mới đáng chú ý ở cuộc điều tra này - cho thấy tỉ lệ không tham gia các hoạt động xã hội ở dân di cư và người nghèo cao hơn dân có hộ khẩu và các nhóm người có thu nhập khá. Lý do phổ biến được đưa ra là không thấy liên quan, không có hộ khẩu và không được tham gia. Chỉ có một số ít người nghèo và người di cư trả lời họ không tham gia các hoạt động xã hội vì lý do không thích.
Qua những kết quả khảo sát này, có thể nhận định Hà Nội và TP HCM, dù là hai đô thị lớn có tốc độ phát triển nhanh chóng và tỉ lệ nghèo thấp theo bất kỳ chuẩn nghèo nào hiện nay, vẫn tồn tại bất bình đẳng trong tiếp cận các dịch vụ xã hội giữa các nhóm dân cư, đặc biệt là giữa dân di cư và dân có hộ khẩu.
Kết quả cũng chỉ ra các chính sách xóa đói giảm nghèo chỉ dựa trên tiêu chí kinh tế (thu nhập và chi tiêu) là chưa đủ, mà cần quan tâm nghiêm túc hơn đến việc cải thiện hệ thống an sinh xã hội, nhà ở, giáo dục, y tế và tạo điều kiện cho người dân, đặc biệt là dân di cư và người nghèo tham gia nhiều hơn vào các hoạt động và tổ chức xã hội.
Cuộc khảo sát có tên "Hỗ trợ đánh giá sâu về tình trạng nghèo đô thị ở Hà Nôi và TP.HCM" do UBND hai thành phố chủ trì, Cục thống kê và Sở Lao động - Thương binh - Xã hội hai thành phố phối hợp với một số cơ quan liên quan thực hiện. Đây là cuộc khảo sát đầu tiên tiếp cận vấn đề nghèo một cách đa chiều và là nguồn thông tin duy nhất về nghèo và tình trạng sống của dân di cư ở hai thành phố.
Cuộc khảo sát được tiến hành vào tháng 10-11/2009 tại TP.HCM và Hà Nội trong phạm vi theo ranh giới trước khi mở rộng. Sau khi công bố các kết quả định lượng, bước tiếp theo của cuộc khảo sát sẽ là mời các chuyên gia uy tín phân tích mối quan hệ giữa tình trạng nghèo với các chính sách xoá đói giảm nghèo, nhằm khuyến nghị chính quyền hai thành phố điều chỉnh các chính sách này.
Thủy Chung