Phục hồi theo xu hướng của kinh tế thế giới. Sự phát triển của ngành dầu khí gắn bó  chặt chẽ với biến động giá dầu thô thế giới và triển vọng của nền kinh tế. Trong năm 2011, kinh tế thế giới có thể bước vào giai đoạn phục hồi, nhu cầu dầu thô phục vụ cho hoạt động sản xuất và tiêu dùng sẽ tăng mạnh trở lại. Giá dầu thô từ đó cũng sẽ có thể tăng mạnh và vượt xa mức hòa vốn của các doanh nghiệp khai thác, chế biến. Như vậy, ngành dầu khí đang đứng trước cơ hội tăng trưởng mạnh doanh thu và lợi nhuận.



PetroVietnam đang đẩy mạnh hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí. Theo kế hoạch giai đoạn 2009 - 2015, PetroVietnam sẽ đầu tư 84 tỷ USD nhằm tăng cường công tác khai thác các mỏ dầu và khí, công nghiệp lọc hóa dầu và các dịch vụ liên quan như dịch vụ dầu khí (khoan và giàn khoan), dịch vụ vận chuyển, tài chính, bảo hiểm phục vụ cho ngành dầu khí.

Ngoài ra, trong giai đoạn 2011-2010, PetroVietnam sẽ đầu tư vào 25 dự án thăm dò khai thác, phát triển dầu khí với mức đầu tư 2.35 tỷ USD tại Nga, các nước Liên Xô cũ, Venezuela và các nước châu Mỹ Latin, Bắc Phi... PetroVietnam dự kiến gia tăng trữ lượng dầu khí tại nước ngoài đạt 10-15 triệu tấn/năm, sản lượng khai thác đạt 2-3 triệu tấn/năm.

Việc tăng cường đầu tư nhằm phát triển ngành dầu khí sẽ giúp các doanh nghiệp trong ngành có cơ hội phát triển, do cùng nằm trong chuỗi giá trị.

Bắt đầu khai thác ở các khu vực xa bờ, chi phí gia tăng. Trong năm 2010, Việt Nam đưa vào khai thác 6 mỏ với trữ lượng nhỏ, sản lượng tăng thêm chỉ ở mức 34 triệu tấn dầu thô/năm.

PetroVietnam và các đối tác sẽ phải vươn ra xa hơn để thăm dò và khai thác dầu khí. Chi phí đầu tư cho hoạt động khai thác xa bờ sẽ cao hơn do yêu cầu giàn khoan quy mô lớn hơn, chi phí vận chuyển nhân công, dầu thô khai thác… cũng cao hơn.

Khai thác và cung cấp khí đốt có tiềm năng tăng trưởng mạnh. Hiện tại, 100% lượng khí đốt khai thác dùng để phục vụ nhu cầu sản xuất công nghiệp trong nước, ưu tiên điện và đạm. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng khí đốt sinh hoạt đang có xu hướng vượt xa khả năng khai thác của ngành.

Việt Nam hiện đang chủ yếu khai thác khí ở hai mỏ Bạch Hổ và Nam Côn Sơn ở thềm lục địa phía Nam. Ngoài ra, việc thăm dò thành công mỏ khí ở khu vực Tây Nam cũng mở ra cơ hội mới cho ngành.

Tái cấu trúc trong PetroVietnam – cơ hội và rủi ro. Từ năm 2010, PetroVietnam bắt đầu thoái vốn tại những đơn vị không thuộc ngành nghề kinh doanh chính. Có những ngành nghề kinh doanh chính và những lĩnh vực, dịch vụ xoay quanh các ngành nghề kinh doanh chính nhưng không cần nắm giữ cổ phần lớn, PetroVietnam cũng sẽ giảm tỷ lệ nắm giữ xuống 51%. Đối với những đơn vị không cần nắm cổ phần chi phối thì PetroVietnam cũng sẽ giảm tỷ lệ nắm giữ.

Chiến lược thoái vốn này xuất phát từ kế hoạch tái cấu trúc mô hình tập đoàn và PetroVietnam sẽ tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính là tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí và chế biến lọc hóa dầu.

Việc thoái vốn của PetroVietnam sẽ được thực hiện theo lộ trình. Tuy nhiên, thị trường sẽ cần một lượng tiền khá lớn để hấp thụ lượng cổ phiếu được bán ra. Do đó, trong ngắn hạn, điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực lên thị trường và nhóm cổ phiếu dầu khí.

Việc PetroVietnam thoái vốn tại các công ty không thuộc ngành nghề chính có thể đem lại nguồn thu đáng kể. Nguồn thu này sẽ được tái đầu tư và các công ty hoạt động trong lĩnh vực tài chính, khoan thăm dò, kỹ thuật và khai thác được hưởng lợi nhiều nhất.

Các công ty trong tập đoàn cũng bắt đầu tái cấu trúc việc nắm giữ cổ phiếu, đầu tư chéo. Điều này có thể giúp nhiều doanh nghiệp có nguồn lợi nhuận đột biến.

Mở rộng sang các hoạt động khác trong chuỗi giá trị. PetroVietnam đang đẩy mạnh đầu tư các hoạt động khác trong chuỗi giá trị liên quan tới năng lượng, hóa chất, phân đạm. Hiện tại, 40% lượng điện được sản xuất từ các nhà máy sử dụng nhiên liệu do PetroVietnam cung cấp (chủ yếu là khí đốt). Do đó, PetroVietnam sẽ đầu tư một số dự án liên quan tới nhiệt điện, thủy điện, tổ hợp khí – điện – đạm Cà Mau…

Ngoài ra, các công ty thành viên của PetroVietnam sẽ phải tăng trưởng mạnh về quy mô để có thể tham gia vào chuỗi giá trị của ngành. Hoạt động đầu tư mở rộng là cần thiết, tuy nhiên với tốc độ phát triển quá nhanh sẽ gây nên sự thiếu bền vững.

Làn sóng niêm yết cổ phiếu “dầu khí” lên TTCK. Hiện có trên 50 doanh nghiệp “dầu khí” đủ điều kiện niêm yết. Trong năm 2010, thị trường chứng khoán chứng kiến một làn sóng niêm yết của các công ty thuộc PetroVietnam. Hiện tại, có 25 công ty thuộc ngành dầu khí niêm yết trên cả hai sàn.

Trong năm 2011, tình hình thị trường có thể sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi hơn. Do đó, nhiều khả năng xuất hiện những làn sóng niêm yết với quy mô lớn hơn của các doanh nghiệp dầu khí. Thống kê của chúng tôi cho thấy có trên 50 doanh nghiệp thuộc ngành dầu khí đủ điều kiện niêm yết trên 3 sàn giao dịch.

Việc gia tăng số lượng doanh nghiệp ngành dầu khí niêm yết một mặt giúp đa dạng hóa “hàng hóa” trên thị trường và nhà đầu tư có thêm lựa chọn. Mặt khác, một lượng tiền lớn sẽ được hấp thụ vào nhóm cổ phiếu này, hệ quả là thanh khoản thị trường có thể chịu tác động tiêu cực.  

  • PV